Phá sản “cây tỷ đô” tại Thanh Hóa - Bài 1: Kỳ vọng và thất vọng

NGUYỄN CHUNG |

Được đưa vào trồng thử nghiệm từ năm 2006, với những ưu điểm như: Hiệu quả giá trị kinh tế cao, không sâu bệnh, ít công chăm sóc và góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc…, cây mắc ca đã nhanh chóng trở thành niềm hy vọng lớn lao cho người nông dân nghèo vùng trung du và miền núi của Thanh Hóa. Tuy nhiên sau hơn 15 năm “bén duyên”, giống cây trồng mới này đã không đem lại hiệu quả như mong đợi.

Phá sản “cây tỷ đô” tại Thanh Hóa - Bài 1: Kỳ vọng và thất vọng - Ảnh 1.

Phần lớn diện tích mắc ca đã bị người nông dân bỏ mặc không chăm sóc.

Với hy vọng, đây sẽ là giống cây trồng chủ lực đưa người dân thoát nghèo và làm giàu trên chính những đồng đất bạc màu, chỉ trong khoảng 3 năm (từ 2012-2015) người dân tại một số huyện trung du miền núi của Thanh Hóa đã phát triển diện tích mắc ca lên đến hơn 100ha. Tuy nhiên, kỳ vọng đã nhanh chóng trở thành nỗi thất vọng…

Giấc mơ đổi đời

Trong căn nhà cấp bốn rêu phong nằm biệt lập trên một khu đồi, bốn bề được che phủ bởi những tán cây lưu niên, vợ chồng ông Thạch Văn Tuấn, trú tại khu phố 1, thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) đang tỉ mẩn dùng cây búa nhỏ để đập tách lớp vỏ những quả mắc ca được thu hoạch về từ chiều hôm trước. Đây đang là thời điểm thu hoạch rộ của cây mắc ca, tuy nhiên vợ chồng ông Tuấn chỉ đi lượm lặt những quả đã rụng xuống gốc đưa về sơ chế, số còn lại trên cây ông vẫn còn lưỡng lự, chưa tổ chức thu hái đại trà…

“Tôi cũng tính thuê người thu hoạch trong tuần này nhưng chưa thấy thương lái công bố giá thu mua vụ năm nay nên chưa dám quyết. Nhỡ giá thấp, tiền bán mắc ca không đủ trả công cho người làm thì biết lấy gì để bù vào!”, ông Tuấn thắc thỏm nói.

Dẫn chúng tôi đi thăm diện tích trồng mắc ca của gia đình, ông Tuấn kể về hành trình “bén duyên” với loài cây được ví như “cây vàng” này. Năm 2006, sau khi Viện nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa về đây trồng khảo nghiệm 1ha cây mắc ca tại Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành, họ đã cho người dân biết đây là giống cây mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, ít sâu bệnh, đa tác dụng và có tuổi thọ lên đến gần 80 năm. Nếu thành công, mỗi gia đình chỉ cần đầu tư trồng 1ha, sau 5 năm sẽ bắt đầu cho thu hoạch và cứ thế hưởng đến… hết đời. Nghe vậy, những nông dân nghèo như ông Tuấn đã “nín thở” chờ đợi - chờ đợi sự thành công của cây mắc ca trên đất Thạch Thành để mong một sự đổi đời.

Sau lứa thu hoạch đầu tiên của diện tích trồng khảo nghiệm, ông Tuấn đã bàn với anh em trong gia đình vay vốn, lặn lội ra tận Viện Nông nghiệp, mua hơn 600 gốc mắc ca (với giá 103 nghìn đồng/1 gốc) về trồng trên diện tích 2,5ha đất vườn đồi trước kia vẫn trồng mía, dứa. Ở thời điểm năm 2013, để trồng được 1ha, ông Tuấn phải đầu tư khoảng từ 70 - 80 triệu đồng tiền mua giống, phân bón và thuê người đào hố, đánh bồng. Sau 5 năm chờ đợi, diện tích mắc ca của gia đình ông Tuấn đã bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên. Tuy nhiên, năng suất rất thấp, mỗi gốc chỉ cho từ 3 - 4kg, với giá bán dao động từ 70 - 90 nghìn đồng/kg. Suốt từ năm 2018 đến nay, năng suất cũng tăng lên nhưng không đáng kể. Đến năm 2021, toàn bộ diện tích mắc ca của ông cũng chỉ cho thu hoạch 1 tấn quả, nhưng giá thành thu mua lại hạ xuống còn 50 nghìn đồng/kg. “Vụ năm nay có thu hoạch hết toàn bộ diện tích cũng chỉ được chừng hơn 1 tấn quả và với giá thu mua như năm ngoái thì tính ra cũng không ăn thua. Cái khó nhất cho người trồng mắc ca hiện nay là không có đơn vị bao tiêu đầu ra, giá cả không ổn định!”, ông Tuấn thở dài.

Cùng có chung niềm kỳ vọng về giống "cây vàng" với ông Tuấn, năm 2013, anh Hà Đông Giang, ở khu phố 1, thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành đã đầu tư trồng hơn 800 cây mắc ca nhưng đến nay chỉ còn lại khoảng 500 cây do bị gãy đổ, chết. Số diện tích mắc ca còn lại của gia đình hiện đang bị cỏ và cây dại bao phủ um tùm. Theo như chia sẻ của anh Giang, dù đã trồng được hơn 10 năm nhưng hiệu quả cây mắc ca mang lại là rất thấp. Năm 2021, khoảng 500 cây của gia đình anh chỉ thu được một tạ quả, bán được 5 triệu đồng. Trong khi đó, riêng tiền giống ban đầu đã hết hơn 80 triệu đồng, chưa tính đầu tư phân bón, công chăm sóc gần 10 năm qua. Do sản phẩm chưa có đầu ra ổn định, năng suất thấp nên vụ năm nay, gia đình anh thậm chí còn… ngại thu hoạch.

Tìm hiểu thêm từ phía người dân chúng tôi được biết, chỉ tính riêng tại khu phố 1, thị trấn Vân Du đã có tới hơn 10 gia đình đầu tư trồng cây mắc ca. Hộ trồng nhiều thì từ 800 - 1.000 gốc, hộ trồng ít cũng từ 300 - 500 gốc và hầu hết số này cũng đã rơi vào tâm trạng chán nản, mặc cho cây tự sinh trưởng.

Phá sản “cây tỷ đô” tại Thanh Hóa - Bài 1: Kỳ vọng và thất vọng - Ảnh 2.

Đầu tư lớn, năng suất thấp, giá cả bếp bênh đã khiến người trồng mắc ca tại Thanh Hóa không còn mặn mà với loài cây “vàng” này.

Bỏ thì thương, vương thì tội

Vậy đâu là nguyên nhân khiến người trồng mắc ca nhanh chóng rơi vào tâm trạng “cả thèm, chóng chán” đối với giống cây trồng được xem là “tỷ đô” này? Trả lời cho câu hỏi trên, ông Thạch Văn Tuấn, trú tại khu phố 1, thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành cho biết: Đây là loại cây rất nhạy cảm và phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Khi ra hoa nếu trúng dịp mưa phùn, sương muối sẽ bị thối, rụng, không đậu quả. Bên cạnh đó là giá cả, đầu ra không ổn định. Có năm được mùa, quả mắc ca thu hoạch xong mà không biết bán cho ai, giá cả thị trường không theo quy định mà bấp bênh lên xuống theo từng năm.

“Đây là những lý do khiến người trồng mắc ca như chúng tôi đã không còn mặn mà chăm sóc nhưng cũng không nỡ chặt bỏ vì đã tốn quá nhiều công sức, tâm huyết vào đây. Tôi nghĩ, cái cần nhất hiện nay với người trồng mắc ca là được hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm để đảm bảo về năng năng suất, đầu ra, giá cả ổn định...”, ông Tuấn lý giải.

Cùng quan điểm, ông Trần Bá Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành cho biết: Đã hơn 15 năm kể từ khi cây mắc ca được đưa về trồng tại địa phương nhưng hiệu quả của loại cây này như thế nào, theo ông Sơn vẫn chưa đánh giá được. Lâu nay, cây mắc ca trên địa bàn đang phát triển theo kiểu tự phát. Nên dù được gọi là "cây tỷ đô" nhưng bài học về sự thất bại của cây cao su, cà phê trước đây khiến địa phương phải thận trọng hơn trong việc phát triển diện tích mắc ca.

"Cây mắc ca được cho là cây nhà giàu, địa phương không dám mạo hiểm. Vừa rồi, tỉnh chỉ đạo, Sở NNPTNT Thanh Hóa yêu cầu rà soát, xem khả năng thích nghi, quỹ đất trồng được hay không. Trong định hướng, Thạch Thành chưa có ý định mở rộng diện tích", ông Sơn khẳng định.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Cao Văn Cường - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết: Việc phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có một số khó khăn, bất cập như: Nguồn lực đầu tư trồng, chăm sóc lớn, thời kỳ kiến thiết cơ bản dài; sản lượng quả của vườn cây mắc ca trong độ tuổi thu hoạch tại các địa phương nhìn chung thấp, hiệu quả kinh tế không cao; các cơ sở chế biến sản phẩm mắc ca trên địa bàn còn ít và quy mô nhỏ, công nghệ chế biến còn thấp, sản phẩm chế biến còn đơn điệu, chủ yếu là sấy khô.

Đặc biệt, thị trường tiêu thụ các sản phẩm chưa ổn định, chủ yếu bán lẻ cho người dân địa phương sử dụng, còn lại được một số doanh nghiệp ngoài tỉnh đến thu mua, tuy nhiên giá thành thấp và không ổn định. “Vì vậy, Sở NNPTNT Thanh Hóa đề xuất trước mắt chưa mở rộng thêm diện tích trồng cây mắc ca, chỉ tập trung chăm sóc, bảo vệ diện tích mắc ca hiện có trên địa bàn”, ông Cường cho biết thêm.

(Còn nữa)

Theo thống kê từ sở NNPTNT tỉnh Thanh Hóa: Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 124,2ha cây mắc ca, riêng huyện Thạch Thành có hơn 100 ha, tập trung ở các xã, thị trấn, như: Thị trấn Vân Du, các xã Thành Mỹ, Thành Yên, Thạch Cẩm, với 33 hộ gia đình tham gia. Một số huyện, như: Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Cẩm Thủy, Yên Định, Quan Sơn... trước đây có đưa vào trồng thử nghiệm nhưng do năng suất thấp, đầu ra bếp bênh nên đến nay người dân đã phá bỏ hoặc để mặc không chăm sóc khiến cây bị chết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại