Pha "bẻ lái" thoát nghèo của Trung Quốc xoay chuyển thế giới, hé lộ đe dọa mới tới an ninh?

Thúy Khương |

Nhu cầu thủy sản của Trung Quốc sẽ tăng vọt trong những năm tới và vượt sản lượng nước này có thể cung cấp năm 2030. Định hình của thương mại thủy sản quốc tế sẽ thay đổi lớn.

Người Trung Quốc giàu lên, nhu cầu tiêu thụ thủy sản tăng mạnh

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho biết, lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình bắt đầu đặt ra mục tiêu nghiêm túc về việc khiến dân số của Trung Quốc thoát khỏi cảnh nghèo đói vào những năm 1980. 

Với mục tiêu biến Trung Quốc thành nền kinh tế tiêu dùng trung lưu, Đặng Tiều Bình chắc chắn xác định sẽ tăng gấp đôi số người sử dụng ô tô, máy giặt, điều hòa, rượu vang và những mặt hàng xa xỉ khác.

Nghiên cứu của Beatrica Crona và nhóm học giả từ Trung tâm Phục hồi Stockholm về những nỗ lực của Trung Quốc trong việc sản xuất đủ thủy hải sản để nuôi số dân ngày càng giàu có của nước này dự báo, Trung Quốc có thể tự sản xuất để đáp ứng được nhu cầu thủy sản đến năm 2030, khi đó, lượng cầu sẽ vượt cung và có thể vượt tới 18 triệu tấn/năm.

Pha bẻ lái thoát nghèo của Trung Quốc xoay chuyển thế giới, hé lộ đe dọa mới tới an ninh? - Ảnh 1.

Chiếc thuyền đánh cá đi qua khu vực nuôi trồng thủy sản ở huyện Lệ Giang, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc hôm 10/11. Ảnh: Tân Hoa xã

Nghiên cứu này chỉ ra, việc Trung Quốc chuyển hướng trở thành một nhà nhập khẩu ròng đáng kể "chắc chắn có ý nghĩa đối với nguồn cung và thị trường thủy sản toàn cầu".

"Để đáp ứng được lượng chênh nhau giữa cung và cầu về thủy sản ở Trung Quốc, nước này có thể sẽ cố gắng tăng cường nuôi trồng thủy sản nước ngọt trong nước và xa bờ, tăng nhập khẩu thủy sản, có thể mở rộng ngành đánh bắt xa bờ và đầu tư vào sản xuất thủy sản ở nước ngoài."

Khi những kế hoạch này được thực hiện sẽ xuất hiện những tranh cãi quốc tế hoặc những thách thức lớn về môi trường ở cả Trung Quốc và nước ngoài.

Cá chỉ ở lại Trung Quốc trong thời gian ngắn

Vào trước năm 1978, phần lớn người Trung Quốc sống dựa vào loại ngũ cốc thô, đậu và rau. Ngày nay, họ đã "gia nhập" với phương Tây, với chế độ ăn uống nhiều chất béo, đường và protein động vật. Kĩ thuật làm lạnh và sự bùng nổ của ngành nuôi trồng thủy-hải sản đã thúc đẩy nhanh chóng quá trình đô thị hóa người tiêu dùng trung lưu.

Trung Quốc có thời gian dài là nhà sản xuất và kinh doanh cá lớn nhất thế giới, nhưng mối quan hệ của họ với cá hiện nay đã thay đổi đáng kể. Ngày nay, hầu hết cá nhập khẩu chỉ ở lại Trung Quốc trong một thời gian ngắn. Các nhà máy chế biến đông lạnh khổng lồ, tập trung nhiều dọc theo bờ biển Sơn Đông, Trung Quốc sẽ phi lê cá, sau đó tái xuất khẩu sang phương Tây.

Ở Trung Quốc, ngành nuôi trồng thủy sản đã phát triển rất mạnh ở ven các hồ và ven các đường thủy nội địa, chủ yếu chế biến cá chép và rô phi. Cá chép được tiêu thụ tại địa phương, cá rô phi được phi lê để xuất khẩu.

Thị hiếu ẩm thực thay đổi kéo theo lo ngại lớn về an ninh lương thực

Tuy nhiên, với sự giàu có và đô thị hóa ngày càng tăng, lối sống và thị hiếu ẩm thực đã thay đổi hoàn toàn. Theo nghiên cứu của Crona, quan niệm của người tiêu dùng Trung Quốc về thủy sản chất lượng cao và an toàn hiện nay "thường bao gồm hải sản tự nhiên (không phải nuôi trồng), hải sản (thủy sản nước mặn) và nhập khẩu (chứ không phải trong nước), đặc biệt là từ các quốc gia được đánh giá là có các vùng biển sạch như Úc, Na Uy và Bắc Mỹ".

Sự thay đổi thị hiếu này của Trung Quốc có tác động lớn đối với ngành thủy sản toàn cầu bởi cá đánh bắt tự nhiên hiện được tầng lớp trung lưu giàu có của Trung Quốc ưa thích chủ yếu đến từ các đại dương trên thế giới, trong đó tỷ lệ đánh bắt hàng năm chỉ ở mức khoảng 90 triệu tấn/năm trong 3 thập kỉ.

Tuy nhiên, hầu như tất cả các nguồn bổ sung vào nguồn cung cá thế giới kể từ những năm 1980 đều đến từ nuôi trồng thủy sản, nơi châu Á - đặc biệt là Trung Quốc - chiếm ưu thế.

Nếu nhu cầu ngày càng tập trung vào đánh bắt cá tự nhiên trên biển, nhưng hầu hết nguồn cung đến từ việc nuôi trồng thủy sản sẽ gây ra sự thiếu nhất quán về chính sách không chỉ đối với Trung Quốc mà còn cho nghề cá toàn cầu, chuyên gia Crona chỉ ra.

Cũng theo nghiên cứu trên, sẽ có 3 lĩnh vực cần quan tâm trong tương lai.

Thứ nhất, hình dạng quy mô thương mại thủy sản quốc tế có thể sẽ thay đổi đáng kể.

Trung Quốc là nhà nhập khẩu thủy sản và bột cá lớn nhất thế giới, tuy nhiên trong tương lai, nước này sẽ giữ lại nhiều hơn cho việc tiêu dùng nội địa (thay vì tái xuất khẩu ra nước ngoài). Việc này sẽ gây ra mối lo ngại về an ninh lương thực, cùng với hậu quả của Covid-19 gây ra sự gián đoạn trong sản xuất và cung ứng sẽ mang đến những bất ổn đối với thương mại thủy sản.

Thứ hai, Trung Quốc có thể thúc đẩy chiến lược tự đánh bắt, tranh giành thị phần đánh bắt lớn hơn ở vùng biển khơi, có lẽ bằng cách thêm vào các khoản trợ cấp vốn đã khổng lồ cho các đội tàu đánh cá trên biển của mình. SCMP lo ngại về ảnh hưởng của hành động này đối với tham vọng gia tăng sức mạnh trên biển của Trung Quốc.

Pha bẻ lái thoát nghèo của Trung Quốc xoay chuyển thế giới, hé lộ đe dọa mới tới an ninh? - Ảnh 4.

Công nhân chế biến philê cá rô phi tại một nhà máy ở Wenchang, thuộc tỉnh Hải Nam, Trung Quốc hồi tháng 6/2018. Ảnh: Reuters

Thứ ba, Trung Quốc có khả năng sẽ đầu tư vào sản xuất thủy sản ở các nước khác, vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên biển và kiểm soát nhiều hơn bột cá. Những khoản đầu tư như vậy có thể giảm thiểu thiệt hại về nuôi trồng thủy sản ở Trung Quốc và tạo ra việc làm ở các nước tiếp nhận, nhưng việc những tác động môi trường và xã hội của hoạt động kinh doanh của Trung Quốc được ghi chép lại rất hạn chế và vẫn là chủ đề tranh luận gay gắt.

Nghiên cứu của Crona kết luận: "Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trọng việc mở ra sự đổi mới mang tính chuyển đổi cần thiết để định hình lại các mô hình phát triển toàn cầu."

Trung Quốc gọi đây là "chính sách xây dựng nền văn minh sinh thái biển". Nhưng liệu những chính sách này có thể làm giảm bớt, thay vì làm trầm trọng thêm những thách thức thủy sản toàn cầu nghiêm trọng hiện có? Điều này vần là một câu hỏi lớn.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại