img
PGS.BS Nguyễn Lân Hiếu: “Dù có vào Đảng hay không tôi vẫn cống hiến hết mình cho đất nước” - Ảnh 1.
PGS.BS Nguyễn Lân Hiếu: “Dù có vào Đảng hay không tôi vẫn cống hiến hết mình cho đất nước” - Ảnh 2.

Tô Lan Hương: Kỳ họp Quốc hội này, tôi để ý anh rất kỹ. Anh – một người luôn tự nhận mình không có tham vọng về chính trị đã bất ngờ ứng cử ĐBQH khoá vừa rồi. Anh hăng hái, thẳng thắn và quyết liệt trong những phiên tranh luận trên nghị trường. Anh hợp tác và nhiệt tình với báo chí. Kể cả trên trang cá nhân, anh cũng “chiến đấu” không mệt mỏi cho những vấn đề nóng của xã hội. Và theo cách nói bông đùa của giới báo chí chúng tôi, anh đang trở thành “ngôi sao mới” trên nghị trường. Hình như là anh đã thay đổi rất nhiều so với anh của nhiều năm trước? 

PGS.BS Nguyễn Lân Hiếu: Trước đây, tôi cứ nghĩ rằng tham vọng chính trị là lên làm lãnh đạo, là thăng quan tiến chức. Mà nếu thế thì thực sự tôi thấy mình không có năng khiếu, không có tố chất, nên không coi đó là mục tiêu. Có thời, tôi chỉ mong mình được phụ trách một trung tâm tim mạch, để được quyền tự quyết về chuyên môn, như thế đã đủ mãn nguyện rồi.

Nhưng đến thời điểm này, tôi đã thay đổi ít nhiều. Nhiều năm nay, mọi người luôn gọi tôi là trí thức. Và tôi cứ suy nghĩ mãi về từ này. Tôi dần nhận ra rằng, không phải cứ giỏi, cứ có kiến thức, thì đã được gọi là trí thức, nếu như kiến thức đó chỉ phục vụ một nhóm đối tượng nhỏ mà không có tầm ảnh hưởng xã hội. Người trí thức thực sự là người dùng tầm ảnh hưởng tri thức của mình , là người phải biết phản biện một cách xây dựng để thay đổi xã hội. 

Tôi sinh ra trong một gia đình trí thức. Và đến một thời điểm, tôi thấy rằng, tôi cũng muốn dùng kiến thức, khả năng của mình để lan tỏa sự hiểu biết, suy nghĩ mà tôi cho là đúng, hy vọng nó sẽ tạo ảnh hưởng tốt tới sự phát triển của xã hội. Đó là lý do tôi ứng cử và trở thành ĐBQH, chứ không phải để trở thành “ngôi sao”, càng không phải vì tham vọng chính trị.

PGS.BS Nguyễn Lân Hiếu: “Dù có vào Đảng hay không tôi vẫn cống hiến hết mình cho đất nước” - Ảnh 3.

Tô Lan Hương: Khi đã dấn thân vào rồi thì anh thấy mình thích nghề nào hơn?

PGS.BS Nguyễn Lân Hiếu: Nếu nói về tình yêu, tôi chắn chắn rằng tôi thích làm bác sĩ hơn làm trong bộ máy chính trị. Trong nghề Y, đồng hành xung quanh tôi luôn là những đồng đội, những cộng sự. Dù có thể họ chưa yêu quý tôi, chưa phục tôi, nhưng chúng tôi luôn luôn cùng 1 hướng đi rất rõ ràng là tìm mọi cách chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân. 

Ở nghị trường không có đồng đội theo tiêu chí kia, cũng không có cộng sự, chỉ có những cuộc tranh luận không ngừng. Là bác sĩ, tôi khoác trên mình chiếc áo mổ màu xanh, xỏ đôi dép tổ ong, cả ngày đứng trong phòng mổ, quay cuồng với bệnh nhân, không cần tô vẽ gì nhiều. Tôi thấy ở đó tôi đang sống trong nhà mình, được là chính mình, được sống với những gì tôi có. 

Là ĐBQH, tôi phải comple cà vạt chỉn chu mỗi khi lên Hội trường. Có một lần trong kì họp vừa rồi, tôi mặc một chiếc áo sơ mi trắng cộc tay không cà vạt cùng một cái quần màu mận chín, bao nhiêu con mắt chiếu vào tôi (cười )… Một lần khác, khi nghe một ĐBQH phát biểu quá hay, tôi vỗ tay để thể hiện sự đồng tình, cả hội trường lại quay lại nhìn tôi lạ lẫm!

PGS.BS Nguyễn Lân Hiếu: “Dù có vào Đảng hay không tôi vẫn cống hiến hết mình cho đất nước” - Ảnh 4.

Tô Lan Hương: Xem ra anh đã phải hy sinh cái tôi không ít khi trở thành ĐBQH nhỉ? 

PGS.BS Nguyễn Lân Hiếu: Chuyện phải mặc comple cà vạt chỉ là một sự hi sinh nhỏ thôi. 

Cái mất nhất đấy là sức khỏe và mất thời gian cho gia đình. Vào thời điểm các kỳ họp QH, tôi thường xuyên phải dậy sớm đi làm, trưa tranh thủ về làm, tối cũng tranh thủ về làm, bữa trưa thường là mì tôm. 

Những ngày Quốc hội họp, thời gian biểu của tôi như sau: Tôi phải dậy từ lúc 4h sáng, 5h sáng đến bệnh viện bắt đầu khám bệnh. Thậm chí có những ca phải can thiệp sẽ được thực hiện vào lúc 6h – 6h30 sáng, sau đó 7h tôi bắt đầu đi họp, buổi trưa 11h nghỉ tôi sẽ tranh thủ trả kết quả khám. Nếu có ca nào khó thì sẽ thực hiện luôn buổi trưa, sau đó lại đi họp. Họp xong lại quay lại bệnh viện, làm nốt những ca can thiệp.

PGS.BS Nguyễn Lân Hiếu: “Dù có vào Đảng hay không tôi vẫn cống hiến hết mình cho đất nước” - Ảnh 5.

Những bệnh nhân nào muốn tôi khám bệnh cũng vì thế mà vất vả hơn, phải xếp hàng ở bệnh viện lúc 5h sáng. Nhưng nhiều người không hề nề hà việc đó. Tôi cảm ơn người bệnh đã luôn thông cảm cho một ông bác sĩ ôm đồm quá nhiều việc như tôi. 

Hy sinh nữa là kể từ khi trở thành ĐBQH, thời gian tôi dành đọc sách chuyên môn bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tôi phải dành thời gian tìm hiểu về công việc và nhiệm vụ của một ĐBQH. Tôi cũng ít đi công tác nước ngoài hơn trước. Nhưng tôi vẫn cố gắng duy trì những ca can thiệp tim của tôi ở những nước như Ấn Độ, Myanmar, nơi tôi đã cùng làm việc nhiều năm trời. 

Trước đây, khi chưa tham gia nghị trường, xem trên vô tuyến tôi nghĩ là làm nghị sĩ đơn giản thôi, chỉ cần phát biểu ý kiến của mình. Nhưng đến khi dấn thân vào nghị trường tôi mới thực sự hiểu nó khó hơn thế nhiều. Nên tôi vẫn đang phải dành thời gian cho việc trở thành một ĐBQH có ích. 

Tô Lan Hương: Anh thường xuyên có những phát biểu thẳng thắn nên rất được lòng báo chí, nhưng hình như đó cũng là nguyên nhân khiến anh bị mất lòng rất nhiều người trên nghị trường thì phải…

PGS. BS Nguyễn Lân Hiếu: Tôi đoán bạn hỏi câu này vì muốn nhắc đến ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh ở Hòa Bình. Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh và tôi có những khác biệt về quan điểm trong vụ án bác sĩ Hoàng Công Lương. 

Anh Nguyễn Tiến Sinh cho rằng ĐBQH không nên lên tiếng về vụ án đang xét xử, tránh gây áp lực cho Toà, tránh định hướng dư luận. Tôi cũng không ngại phản biện luôn rằng, bác sĩ Hoàng Công Lương là nhân viên ngành Y của tôi, trong khi đó, tôi là đại diện cho ngành Y nên tôi lên tiếng là đương nhiên. Có thể bạn thấy chúng tôi quyết liệt với nhau ở Quốc hội hay trên báo chí. Thế nhưng, ngoài hành lang Quốc Hội, anh Sinh rất thân tình với tôi, có việc gì cần anh ấy đều gọi tôi, ngược lại khi tôi lên Hoà Bình, tôi cũng sẽ gọi cho anh ấy. 

Hay như Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu ở Nghệ An – là người tôi rất tôn trọng. Tôi từng giơ biển tranh luận 2 lần với ĐB Cầu, ngược lại ĐB Cầu giơ biển tranh luận với tôi 3 lần, bởi vì 2 ý kiến không thống nhất với nhau. Nhưng ngoài đời, chúng tôi là những người bạn rất thân, thường xuyên liên lạc với nhau.

PGS.BS Nguyễn Lân Hiếu: “Dù có vào Đảng hay không tôi vẫn cống hiến hết mình cho đất nước” - Ảnh 6.

Ở Việt Nam mình, nhiều người chưa hiểu, chưa quen văn hóa tranh luận. Quốc hội nên là nơi diễn ra hoạt động đó nhiều hơn để cho người dân Việt Nam mình quen với chuyện tranh luận là bình thường, tranh luận là văn minh, chứ không phải cứ tranh luận là ghét bỏ hay đối địch với nhau. Nghị trường là diễn đàn cần nhất những ý kiến khác chiều nhau, chứ nếu 500 người cùng 1 ý kiến, cùng 1 hướng thì cần gì phải thành lập Quốc hội nữa? 

Tô Lan Hương: Là Đại biểu đại diện cho ngành Y tế, nhưng tôi thấy anh không chỉ tham gia phản biện, tranh luận về những vấn đề riêng ngành Y và còn nhiều ngành, lĩnh vực khác… 

PGS. BS Nguyễn Lân Hiếu: Bố tôi (GS Nguyễn Lân Dũng -PV) là một nhà sinh vật học nhưng khi là ĐBQH, ông tham gia tranh luận trong nhiều lĩnh vực xã hội chứ không chỉ là lĩnh vực liên quan đến chuyên ngành của ông. Tôi luôn coi bố là tấm gương của mình. Dù chưa dám nhận mình là trí thức, nhưng tôi muốn được đóng góp tiếng nói vào các vấn đề lớn của xã hội.

PGS.BS Nguyễn Lân Hiếu: “Dù có vào Đảng hay không tôi vẫn cống hiến hết mình cho đất nước” - Ảnh 7.
PGS.BS Nguyễn Lân Hiếu: “Dù có vào Đảng hay không tôi vẫn cống hiến hết mình cho đất nước” - Ảnh 8.

Tô Lan Hương: Trong cuộc trò chuyện cách đây không lâu, tôi đã rất sửng sốt khi anh nói với tôi rằng, anh không phải Đảng viên… 

PGS. BS Nguyễn Lân Hiếu: Vâng, tôi không phải là Đảng viên. Nhưng hà cớ gì mà chuyện đó có thể khiến bạn bất ngờ đến vậy? 

Tô Lan Hương: Vì anh là ĐBQH, là bác sĩ giỏi, là Phó Giám đốc một bệnh viện lớn. Vì anh xuất thân trong một gia đình danh gia vọng tộc, với ông ngoại là Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, ông nội là NGND Nguyễn Lân, bố là ĐBQH - GS Nguyễn Lân Dũng…Với gia thế như thế, năng lực như thế, vị trí như thế, lý do gì anh lại chưa vào Đảng? 

PGS. BS Nguyễn Lân Hiếu: Vì tôi bận quá. Tôi dường như không có thời gian đi học cảm tình Đảng từ thời sinh viên đến giờ. Lúc ở trường thì bận học, đến lúc đi làm thì bận công việc. Nên chuyện đó qua đi.

Tôi không vượt qua được cảm giác, hầu như những người có tuổi trên 35, khi công việc ổn định rồi, đa phần chủ yếu sắp sửa để làm chức này, chức kia, để quy hoạch bổ nhiệm. Như vậy, khi vào Đảng tôi lại cảm giác mình đang muốn lên chức. Chính vì thế tôi mang tâm lý e ngại, không muốn tham gia vào lớp cảm tình Đảng. 

Mà ít người biết rằng, trong gia đình chúng tôi không có ai là Đảng viên, trừ mẹ tôi, vì bà là Đại tá quân đội. Bố tôi, ông nội tôi, ông ngoại tôi cũng không phải Đảng viên. Nhưng tôi đã chứng kiến họ sống một cuộc đời tử tế, cống hiến hết mình cho đất nước, yêu nước đến mức không ai có quyền nghi ngờ nhân cách của họ. 

Tôi muốn học họ! Dù có vào Đảng hay không tôi và gia đình vẫn cống hiến hết mình cho đất nước, để làm sao cho xã hội tốt đẹp hơn.

Tô Lan Hương: Anh có biết lý do vì sao mà ông ngoại anh – cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên – dù là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, nhưng lại không vào Đảng? 

PGS. BS Nguyễn Lân Hiếu: Vì đó là yêu cầu của Bác Hồ với ông ngoại tôi. Năm đó, Bác Hồ đề nghị ông ngoại tôi không vào Đảng để phục vụ tốt nhất cho Chính phủ lâm thời, vì tình hình đất nước cần thiết phải như thế. Và ông tôi đã giữ lời hứa với Bác. 

Ông mất từ khi tôi còn bé quá. Tôi chỉ nhớ cảnh ông đón tôi ở nhà trẻ, đi xe Vonga. Những điều tôi biết về ông ngoại mình chủ yếu qua báo chí hay qua lời cha mẹ kể lại. Họ nói, ông là người trí thức vĩ đại, luôn đau đáu với công việc. Là một người luôn luôn cống hiến hết sức vì hệ thống giáo dục của nước nhà phát triển tốt nhất, không nề hà bất kể một lý do gì.

PGS.BS Nguyễn Lân Hiếu: “Dù có vào Đảng hay không tôi vẫn cống hiến hết mình cho đất nước” - Ảnh 9.

Những năm cuối cuộc đời khi ông ngoại tôi làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, tôi được nghe kể lại rằng, vì không phải là Đảng viên, nên đương nhiên ông không tham gia Đảng uỷ. Vì thế nên quyền quyết của ông trong nhiều vấn đề giáo dục bị ảnh hưởng nhiều. Điều đó khiến ông có đôi lúc chạnh lòng, nhưng vì lời hứa với Bác Hồ, đến phút cuối đời, ông tôi vẫn kiên định với việc là một trí thức đứng ngoài Đảng. 

Tôi luôn tự hào về gia đình mình. Nhiều người trong gia đình tôi ở ngoài Đảng, nhưng tôi tin họ yêu nước và cống hiến cho đất nước nhiều hơn rất nhiều người khác. Cả đời bố tôi, tôi chưa từng chứng kiến ông làm bất cứ điều gì xấu, ảnh hưởng đến đất nước, đến dân tộc, đến Đảng. Lúc nào ông cũng muốn mọi sự phát triển nằm trong khuôn khổ của Đảng.

Tô Lan Hương: Nhưng giống như ông ngoại mình, việc anh không phải là Đảng viên, theo nhiều quy định hiện nay, sẽ khiến anh khó khăn hơn trong cơ hội thăng tiến, khiến tầm ảnh hưởng của anh bị hạn chế? 

PGS. BS Nguyễn Lân Hiếu: Anh họ tôi, GS Tôn Thất Bách cũng không phải là Đảng viên, nhưng anh Bách vừa là Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội, vừa là Giám đốc BV Việt Đức. Bác tôi, GS Tôn Thất Tùng từng làm Thứ trưởng Bộ Y tế, cũng không phải Đảng viên. 

Tôi cho rằng, một số người không thực sự có khả năng, thoái hóa, thì lại hay vin vào cái cớ có là Đảng viên hay không, để tố nhau nhau đủ tiêu chuẩn. Nhưng những người làm khoa học như nghề Y chúng tôi thì không đặt nặng vấn đề đó. Tất nhiên, tôi không phải là Đảng viên thì tôi cũng không thể làm Uỷ viên Bộ này, Bộ kia. Nhưng cũng không ai có thể ngăn trở việc tôi làm chuyên môn được cả.

PGS.BS Nguyễn Lân Hiếu: “Dù có vào Đảng hay không tôi vẫn cống hiến hết mình cho đất nước” - Ảnh 10.

Tô Lan Hương: Vậy ở Quốc hội, tiếng nói của những người không phải Đảng viên như anh như thế nào? 

PGS. BS Nguyễn Lân Hiếu: Hiện tại ngoài tôi ra thì còn vài người nữa, không nhiều . Nhưng họ vẫn đóng góp rất tốt cho QH. Tôi hy vọng, sau mỗi khoá Quốc hội mới, con số này sẽ cải thiện dần. 

Năm xưa, chẳng phải đã có bao nhiêu trí thức Tây học nổi tiếng đã từ bỏ cuộc sống vật chất đủ đầy để đi theo tiếng gọi của Bác Hồ, của Đảng đó hay sao? Đấy là những người cực kỳ yêu nước. Nhiều người như thế chưa từng làm một điều gì xấu cho Đảng. Thế nên chúng ta đâu cần e ngại họ?

PGS.BS Nguyễn Lân Hiếu: “Dù có vào Đảng hay không tôi vẫn cống hiến hết mình cho đất nước” - Ảnh 11.

Tô Lan Hương: Thế nếu bây giờ anh nghĩ tiêu chí nào là quan trọng nhất để lựa chọn nhân tài cho đất nước, lựa chọn người lãnh đạo xứng tầm?

PGS. BS Nguyễn Lân Hiếu: Họ phải giỏi và minh bạch. Giỏi để làm tốt nhiệm vụ được giao. Minh bạch để giữ niềm tin với nhân dân, đặc biệt là minh bạch về tài sản. Ví dụ căn cứ vào chuyện đóng thuế thu nhập chẳng hạn, tôi đã phát biểu trên Quốc hội rồi, rằng nếu anh chỉ đóng thuế thu nhập 1-2 triệu mỗi tháng, thì không có lý do gì anh có biệt thự, có nhà lầu, có xe hơi để đi cả. Cần phải minh bạch chính là vì thế. 

Tô Lan Hương: Anh là ĐBQH, là Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y, như vậy cũng gọi là có tí chức tước. Anh có kê khai tài sản không? 

PGS. BS Nguyễn Lân Hiếu: Có chứ, tôi kê khai tài sản cách đây mấy năm rồi, kê khai một cách rất nghiêm túc. Tôi cần minh bạch để cảm thấy thanh thản hơn. 

Tô Lan Hương: Thế thì một bác sĩ giỏi và cũng có chút chức tước như anh có thể kiếm được nhiều tiền thế nào? 

PGS-BS Nguyễn Lân Hiếu: Thuế thu nhập tôi đóng hàng tháng có lẽ nhiều hơn lương của bạn.

PGS.BS Nguyễn Lân Hiếu: “Dù có vào Đảng hay không tôi vẫn cống hiến hết mình cho đất nước” - Ảnh 12.

Tô Lan Hương: Chỉ có anh giàu như thế thôi hay bác sĩ nào cũng giàu thế? 

PGS. BS Nguyễn Lân Hiếu: Dĩ nhiên là tôi không thể nghèo và cũng không thích làm một bác sĩ nghèo. Những bác sĩ giỏi khác cũng không thể nghèo. Ở Bệnh viện ĐH Y, tôi cam đoan với bạn rằng không có hiện tượng đưa phong bì cho bác sĩ. Bởi vì tại đây, chúng tôi chi trả cho bác sĩ với mức thu nhập rất tốt. Môi trường như vậy thì không có lý do gì mà bác sĩ phải đòi tiền bệnh nhân cả. Cũng từ đó mà chúng tôi nhận được rất nhiều đặc ân từ bệnh nhân. Bạn nhìn thấy bức tranh treo ở phòng làm việc của tôi không? Đó là do 1 họa sĩ nổi tiếng tặng, làm sao quy ra tiền được? 

Nguyên tắc của bệnh viện tôi là làm sao lo cho bác sĩ đủ sống và sống tốt. Muốn giàu được phải cống hiến để tạo nên tên tuổi, thương hiệu của mình. Sau đó sẽ được mời đi nước ngoài mổ thường xuyên, có những khách hàng VIP. Tuyệt đối không có lý do để nghèo.

PGS.BS Nguyễn Lân Hiếu: “Dù có vào Đảng hay không tôi vẫn cống hiến hết mình cho đất nước” - Ảnh 13.

Ở Havard, Mỹ, các BS có 3 nguồn thu nhập chính từ đào tạo, quá trình nghiên cứu thực nghiệm và nguồn tiền từ nhà tài trợ. Chính điều này tạo ra nguồn thu ổn định cho BS. Ngoài nguồn thu từ việc khám chữa bệnh, Bệnh viện Đại học Y chúng tôi đang đi theo hướng đó. 

Nên các bác sĩ ở bệnh viện chúng tôi có thu nhập trung bình từ 30-50 triệu mỗi tháng. Mà đó là thu nhập chính thức để kê khai thuế trên giấy tờ đấy nhé. Cá biệt có những bác sĩ có thu nhập vượt trội hơn. Tại bệnh viện của chúng tôi, có những bác sĩ phải đóng thuế thu nhập cá nhân lên đến 400-500 triệu/năm.

PGS.BS Nguyễn Lân Hiếu: “Dù có vào Đảng hay không tôi vẫn cống hiến hết mình cho đất nước” - Ảnh 14.
PGS.BS Nguyễn Lân Hiếu: “Dù có vào Đảng hay không tôi vẫn cống hiến hết mình cho đất nước” - Ảnh 15.

Tô Lan Hương: Tôi biết anh từ lâu. Nhưng tôi mới chỉ chứng kiến anh đóng bộ comple, cà vạt trên Quốc hội. Tôi cũng chứng kiến anh rất hưởng thụ khi ngồi uống một chai rượu vang đắt tiền trong một vài lần chúng ta có cơ hội dùng bữa với nhau. Nhưng hôm nay, tôi mới nhìn thấy anh trong trang phục bác sĩ, đi dép tổ ong, quay cuồng giữa núi hồ sơ bệnh án và phòng mổ… 

PGS. BS Nguyễn Lân Hiếu: Như tôi đã nói với bạn lúc nãy , trước khi lên nghị trường làm một ông nghị, tôi phải dậy và bắt đầu khám bệnh từ 5g sáng cơ mà. Chuyên môn của tôi là làm can thiệp tim cho trẻ nhỏ. 

Tôi nhớ có một lần ở Bệnh viện bên Ấn Độ, tôi thực hiện 42 ca can thiệp, từ 7g sáng hôm nay đến 3g sáng hôm sau. Đây chắc là kỷ lục thế giới. Sau khi ra khỏi phòng mổ, tôi gần như ngất xỉu. Tôi biết làm việc như thế là quá sức và có thể gây ra sơ xuất. Nhưng lũ trẻ ở đó đứng xếp hàng ở ngoài sân, xin tôi mổ cho chúng. Và tôi thấy mình không được phép từ chối. Nghĩ lại đến giờ vẫn sợ.

Tô Lan Hương: Anh có nghĩ mình là một bác sĩ giỏi? 

PGS.BS Nguyễn Lân Hiếu: Tôi tự tin mình là bác sĩ giỏi trong lĩnh vực can thiệp tim bẩm sinh. 

Tô Lan Hương: Một BS giỏi như anh có bao giờ gặp phải những tai biến y khoa? Có bao giờ thất bại trên bàn mổ? 

PGS. BS Nguyễn Lân Hiếu: Có chứ! Nói ra điều này hơi buồn cười, nhưng sự thật là chúng tôi giỏi được nhờ những tai biến. Hiện tại chúng tôi có Hội nghị chuyên trình bày tai biến trong tim mạch can thiệp trên toàn thế giới, tổ chức thường niên, và tôi là người báo cáo nhiều nhất. Tất nhiên, có những cái tôi rất ân hận nhưng không thể nào thay đổi được.

Trường hợp điển hình nhất là một cháu bé mà tôi mổ cách đây 10 năm rồi. Thủ thuật rất đơn giản thôi, nhưng khi đó cậu bác sĩ điều trị hỗ trợ tôi không để ý đến 1 xét nghiệm bạch cầu máu tăng lên gấp 3 lần bình thường và ca mổ được tiến hành. Nhưng sau một thời gian, cháu bé này xuất hiện bệnh bạch cầu cấp, sau đó bạch cầu máu tăng gấp 10 lần, cháu bị xuất huyết não và tử vong. Từ ca này, tôi ân hận rất nhiều, bởi đây là lỗi gián tiếp của tôi. Nếu như tôi dạy học trò kỹ hơn thì chắc chắn cậu BS kia không tặc lưỡi bỏ qua mà sẽ báo cáo với tôi, khi đó tôi sẽ dừng lại ngay. 

Trong cuộc sống thường ngày, khi mới vào nghề, người ta rất hay tặc lưỡi với những chuyện tưởng như rất đơn giản. Ngành khác thì có thể sửa chữa được, còn ngành Y là trên tính mạng con người, không quay lại được.

Tô Lan Hương: Có ca mổ nào tai biến nguyên nhân là do chính bản thân anh không?

PGS.BS Nguyễn Lân Hiếu: “Dù có vào Đảng hay không tôi vẫn cống hiến hết mình cho đất nước” - Ảnh 17.

PGS. BS Nguyễn Lân Hiếu: Nếu có sai gì thì cái sai đó đa phần là ở bước rút lui, không lượng được sức mình. Ví dụ như tôi nghĩ là ca này tôi sẽ làm được, nhưng cuối cùng tôi lại không làm được… nhưng cái đấy sẽ càng ngày càng ít đi vì mình cũng ngày càng tích lũy nhiều kinh nghiệm hơn. 

Tô Lan Hương: Vậy anh có bao giờ là nạn nhân của bạo hành y tế? 

PGS. BS Nguyễn Lân Hiếu: Có chứ, nhưng may mà tôi nhanh chân chạy thoát. Tôi luôn có lý thuyết “một cánh tay”. Khi tiếp xúc với người bệnh, tôi thường giữ khoảng cách 1 cánh tay, nếu người ta có đánh mình thì lực nó không quá mạnh và mình còn đường rút lui. Tốt nhất nên nói chuyện ở 2 phía bàn, ghế. 

Thứ hai nữa là khi mình làm việc với người nhà bệnh nhân thì luôn luôn có người thứ 3 là đồng nghiệp cạnh mình. Thứ ba nữa là đừng bao giờ quay lưng lại với bệnh nhân, có chạy thì nên lùi ra sau. Khi bỏ đi sẽ gây ra sự bức xúc và mâu thuẫn, dẫn đến bạo lực.

PGS.BS Nguyễn Lân Hiếu: “Dù có vào Đảng hay không tôi vẫn cống hiến hết mình cho đất nước” - Ảnh 18.

Tô Lan Hương: Anh xuất thân trong một gia đình danh gia vọng tộc, đó sẽ là niềm tự hào, hay sẽ áp lực? 

PGS. BS Nguyễn Lân Hiếu: Tôi tự hào về nó nhưng cũng biết cách để không bị áp lực. Tôi học trường thực nghiệm của GS Hồ Ngọc Đại, nên từ bé đã được rèn cho mình suy nghĩ độc lập. Thầy giáo tôi – GS Hồ Ngọc Đại là con rể TBT Lê Duẩn, nhưng ông chọn con đường làm chuyên môn chứ không làm quan chức. Tôi cũng học thầy. Tôi không bị áp lực phải giống bố, giống mẹ hay ai đó trong gia đình. Ba mẹ tôi cũng chưa bao giờ ép tôi phải học giỏi, hay ép tôi trở thành người này người nọ, trở thành giáo sư hay tiến sĩ. 

Ngày bé, tôi thích theo bà ngoại vẽ tranh, hoặc theo bác Nguyễn Lân Tuất học nhạc, bố mẹ tôi không cản, dù có thể ông bà không thích. Nhưng may cho ông bà là tôi không có năng khiếu nghệ thuật. Nên cuối cùng tôi trở thành bác sĩ, như bạn thấy. Và tôi đoán bố mẹ tôi hài lòng với lựa chọn này của tôi.

Tô Lan Hương: Một gia đình toàn giáo sư, tiến sĩ thì sẽ đối xử với nhau thế nào? 

PGS. BS Nguyễn Lân Hiếu: Cả gia đình tôi đều có tính hài hước. Chúng tôi thích “chọc ngoáy” lẫn nhau và trêu nhau cười cả ngày. 

Tô Lan Hương: Ai cũng nghĩ cuộc đời anh trải hoa hồng, chuyện đó có đúng không? 

PGS. BS Nguyễn Lân Hiếu: Cũng không hẳn thế đâu. Tiếng là gia đình trí thức nhưng nhà tôi rất nghèo. Mẹ tôi tiếng là con Bộ trưởng, ở Biệt thự, nhà có rất nhiều phòng, nhưng mỗi tối chúng tôi chui hết vào một cái phòng 16m2 ngủ để tiết kiệm điện. Xong đến giữa đêm mẹ tôi sẽ rình lúc chúng tôi ngủ rồi để dậy tắt quạt đi. 

Khi mẹ tôi là Chủ nhiệm khoa của Bệnh viện Quân đội 108, quân hàm Thượng tá, bà vẫn phải đi rang lạc bán. Tôi vẫn phải đóng lạc rang cho mẹ đến năm lớp 9, lớp 10. Có lần mẹ tôi mặc quân phục mang lạc đi giao. Mọi ngày bà bán lạc vẫn nhận hàng của mẹ tôi. Nhưng hôm đó thấy mẹ tôi mặc quân phục, thì bà ấy kiên quyết không nhận nữa. Họ sợ không dám mua lạc của sĩ quan quân đội. 

Lúc tôi sang Pháp tu nghiệp, mẹ cho tôi 100$. 6 tháng đầu không có lương, tôi ăn cơm trong nhà ăn bệnh viện, lúc rảnh thì tranh thủ đi rửa bát và cuốn nem thuê để kiếm tiền mua quà gửi về Việt Nam cho bạn gái. Có lần bà chủ nhà hàng bắt tôi cuốn 600 cái nem từ 8g sáng đến 10g đêm. Sau lần đó tôi bỏ việc.

PGS.BS Nguyễn Lân Hiếu: “Dù có vào Đảng hay không tôi vẫn cống hiến hết mình cho đất nước” - Ảnh 20.

Tô Lan Hương: Tôi nghe bạn bè anh nói, hồi trẻ anh có quá khứ “lẫy lừng” lắm… 

PGS. BS Nguyễn Lân Hiếu: Ngày bé tôi hay chơi với nhóm bạn quân khu. Cũng biết đánh lộn đủ cả. Ai cũng có một thời trẻ như thế mà. Khi là sinh viên Đại học Y, tôi lười học và máu kiếm tiền. Tôi hùn tiền với bạn mở quán rượu, quán bar. Nhưng thất bại thảm hại. 

Tô Lan Hương: Ba mẹ anh có biết không? 

PGS. BS Nguyễn Lân Hiếu: Dĩ nhiên là không chứ! 

Tô Lan Hương: Thế tiền đâu ra để anh làm? 

PGS. BS Nguyễn Lân Hiếu: Trước đó tôi đi buôn thuốc trừ sâu. 

Tô Lan Hương: Thế mà cuối cùng anh vẫn thành bác sĩ? 

PGS. BS Nguyễn Lân Hiếu: Tại vì kinh doanh thua lỗ nặng đấy. Chứ nếu không có khi giờ này tôi đã thành doanh nhân. Nhưng tôi nghĩ mình đã lựa chọn đúng nghề. Tôi yêu nghề Y một cách tự nhiên từ bé, khi mà bà tôi nằm trên giường bệnh, và tôi chỉ có một ao ước duy nhất là làm bác sĩ để chữa bệnh cho bà. Đến bây giờ tình yêu đó cũng không thay đổi. Kể cả giờ có là ĐBQH, thì tôi vẫn yêu nghề y hơn cả, vẫn nhớ mình trước tiên luôn là bác sĩ! 

Tô Lan Hương: Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện thú vị này!

PGS.BS Nguyễn Lân Hiếu: “Dù có vào Đảng hay không tôi vẫn cống hiến hết mình cho đất nước” - Ảnh 21.
Tô Lan Hương
Tiến Tuấn
7pm
Theo Trí Thức Trẻ05/09/2018