Những “ngã rẽ” bất ngờ!
Có thể nói, quyết định PG Bank về một nhà với HDBank là một trong những nội dung "nóng nhất" mùa đại hội đồng cổ đông ngành ngân hàng năm nay. Những thông tin liên quan đến "huỷ hôn", "hẹn hò" rồi "kết hôn" của PG Bank với những đối tác khác nhau được đưa ra một cách bất ngờ và chóng vánh, khiến cho giới đầu tư đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015, VietinBank đã thông qua phương án sáp nhập PG Bank. Theo đó, VietinBank sẽ sáp nhập với PG Bank thông qua phương thức hoán đối cổ phiếu.
Theo kế hoạch, hai nhà băng sẽ hoàn thành việc sáp nhập và đưa cổ phiếu mới niêm yết trên HSX ngay trong quý III/2015. Tuy nhiên, việc “về chung một nhà” của hai ngân hàng đã không suôn sẻ như dự tính.
Hai năm sau ngày công bố thông tin, giữa năm 2017, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch ngân hàng VietinBank cho biết, do thời gian sáp nhập kéo dài hơn so với dự kiến, nên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có chỉ đạo hai ngân hàng tiếp tục cập nhật tình hình kinh doanh, đặc biệt, thực hiện kiểm toán lại ngân hàng PG Bank.
Và quan trọng hơn, là hai bên phải thực hiện đàm phán lại về tỷ lệ hoán đổi.
Bẵng đi thêm một năm, trong báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm 2017 phát hành hồi đầu tháng 4 vừa qua, VietinBank bất ngờ cho biết, hai ngân hàng đã có thoả thuận tạm dừng giao dịch sáp nhập.
Trong khi đó, phía PG Bank lên tiếng cũng khẳng định, do hai ngân hàng đều có những quan điểm, lập luận riêng để đảm bảo lợi ích cho ngân hàng và cổ đông của mình, dẫn tới việc không thống nhất được phương án sáp nhập cũng như các điều khoản liên quan đến giao dịch.
Đây cũng là khoảng thời gian trên thị trường xuất hiện tin đồn Ngân hàng Quân đội – MB đang tìm hiểu PG Bank.
Và điều này sau đó cũng đã được chính ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MB khẳng định tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 hồi cuối tháng 3/2018. Ông Thái cho biết, MB đang trong quá trình đàm phán sáp nhập với PG Bank, dù hai bên vẫn chưa đi đến một thoả thuận cuối cùng nào.
Trong khi cả thị trường đang kỳ vọng một cái kết có hậu cho ngân hàng ngành xăng dầu với một trong những “ngôi sao đang lên” là MB thì bất ngờ, tại ĐHĐCĐ thường niên Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) diễn ra hôm 21/4, bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT trình bổ sung tờ trình xin ý kiến cổ đông về việc sáp nhập ngân hàng PG Bank.
Thông tin này ngay lập tức gây bất ngờ cho các cổ đông tại hội trường và cả thị trường tài chính khi trước đó, trong tờ trình in tài liệu xin ý kiến đại hội cổ đông chưa hề có thông tin về vụ M&A này.
Theo lộ trình sáp nhập được phía HDBank đưa ra, hai ngân hàng sẽ trình NHNN ngay trong tháng 4 và đến tháng 5 dự kiến sẽ được NHNN chấp thuận, tháng 5/2018 HDBank sẽ gửi hồ sơ chào bán cổ phần lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và sẽ chốt danh sách thực hiện phân phối cổ phiếu để hoán đổi cổ phần vào tháng 7/2018.
Theo tài liệu đề án sáp nhập, tỷ lệ hoán đổi sẽ là 1:0,621 (1 cổ phiếu PG Bank hoán đổi lấy 0,621 cổ phiếu HDBank).
Phía PG Bank cam kết các cổ đông đồng ý toàn bộ số cổ phần theo tỷ lệ hoán đổi sẽ bị phong toả và chỉ được chuyển nhượng 30% sau 6 tháng kể từ ngày sáp nhập chính thức và 70% còn lại được chuyển nhượng sau 12 tháng kể từ ngày sáp nhập chính thức.
Như vậy, HDBank sẽ phát hành 300 triệu cổ phiếu phổ thông để hoán đổi cổ phần PG Bank.
Sau sáp nhập, toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của PG Bank sẽ được chuyển đổi sang HDBank, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của PG Bank.
Về nhân sự cấp cao sau sáp nhập, HDBank vẫn giữ nguyên các thành viên của HĐQT, Ban điều hành và Ban Kiểm soát.
Đối với các thành viên HĐQT, Ban điều hành, Ban kiểm soát của PG Bank sẽ tự miễn nhiệm kể từ ngày sáp nhập. Sau sáp nhập, căn cứ vào kinh nghiệm, năng lực và nhu cầu của các thành viên, ngân hàng sau sáp nhập sẽ xem xét bố trí các chức danh, vị trí công việc phù hợp.
Về người lao động, ngân hàng sau sáp nhập sẽ kế thừa tất cả các quyền và nghĩa vụ của PG Bank theo các hợp đồng lao động còn hiệu lực được ký kết giữa PG Bank và người lao động trước thời điểm sáp nhập.
Sau sáp nhập, năm 2018 dự kiến vốn điều lệ của HDBank là 12.809 tỷ đồng (trong đó, vốn điều lệ của HDBank tính đến ngày 31/12/2017 là 9.809 tỷ đồng, vốn điều lệ của PG Bank là 3.000 tỷ đồng).
Tổng tài sản dự kiến 267.256 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu 17.762 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 3.887 tỷ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn tối tiểu (CAR) hợp nhất là 12,3%. Dự kiến tỷ lệ cổ tức chi trả cho cổ đông là 12%.
Dù khá bất ngờ, nhưng cuối cùng các cổ đông HDBank cũng đã thông qua kế hoạch này tại đại hội.
Dự kiến đến tháng 8/2018, hai bên sẽ hoàn tất sáp nhập.
PG Bank đang làm ăn ra sao?
Việc sáp nhập đã nhận được sự đồng thuận từ phía cổ đông của cả hai ngân hàng. Tuy nhiên, một điều rất nhiều cổ đông HDBank quan tâm là đối tác sắp tới của họ đang hoạt động ra sao.
Theo BCTC mới nhất được công bố, tại thời điểm 31/3/2018, tổng tài sản của PG Bank ở mức gần 28,6 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ 2,4% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm 58,7%, xuống 568 tỷ đồng; tiền, vàng gửi và cho vay các TCTD khác cũng giảm 34,3%, xuống còn 702 tỷ đồng.
Cho vay khách hàng đến cuối tháng 3/2018 đạt hơn 21,5 nghìn tỷ đồng, tăng nhẹ 0,65% trong khi tiền gửi của khách hàng lại giảm 3,7%, xuống còn 22 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ cho vay/huy động tiền gửi của ngân hàng hiện đang ở mức rất cao, tới 97,9%.
Các hoạt động kinh doanh trong kỳ của ngân hàng nhìn chung dù vẫn khá khiêm tốn nhưng đã có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, hoạt động tín dụng mang về khoản lãi 210 tỷ đồng, tăng 22% so với quý I/2017.
Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt gần 3,5 tỷ đồng, tăng 31%. Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh ngoại hối bất ngờ có lãi 19 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 900 triệu đồng.
Chi phí hoạt động của ngân hàng tăng 18% lên 131 tỷ đồng, trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lại giảm 11% xuống 19,7 tỷ đồng.
Theo đó, kết thúc quý I/2018, PG Bank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 82 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước.
Tại ngày 31/3/2018, PG Bank đang có 634 tỷ đồng nợ xấu, tăng 15,7% so với đầu năm. Trong đó, nợ xấu chủ yếu tăng ở nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ), với mức tăng 58,4%, lên 169 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn hiện ở mức gần 345 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm và chiếm 54,4% tổng nợ xấu.
Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng đã tăng lên mức 2,94%/tổng dư nợ, cao hơn mức 2,56% hồi đầu năm.
Vốn điều lệ của ngân hàng vẫn ở mức tối thiểu 3 nghìn tỷ đồng.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc sáp nhập với PGBank sẽ tạo rủi ro pha loãng đối với cổ đông hiện tại của HD Bank, đồng thời HDBank cũng sẽ phải gánh thêm 1.950 tỷ nợ xấu (nợ nội bảng và trái phiếu VAMC).
Tuy nhiên, với triển vọng tăng trưởng và quy mô hiện tại của HDBank, thì lượng nợ xấu này không phải vấn đề quá lớn.
Trong khi đó, với mối quan hệ với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), sự hợp tác có thể giúp HDBank mở rộng mạng lưới bán lẻ thông qua các khách hàng của Petrolimex mở rộng hệ sinh thái khách hàng hiện tại và giúp HDBank có thể tiếp cận được phần nào lượng tiền gửi thanh toán khá lớn của Petrolimex.