Petrolimex: Bộ Tài chính tính giá bán lẻ xăng dầu bị "vênh" thuế nhập khẩu

Hiền Anh |

Theo BCTC 9 tháng đầu năm hợp nhất chưa kiểm toán của Petrolimex (PLX), doanh thu đạt 112.427 tỷ đồng, tăng 27,7% so với cùng kỳ, và lợi nhuận trước thuế là 3.546 tỷ đồng, giảm 12,7% so với cùng kỳ.

Kết quả kinh doanh của PLX bị ảnh hưởng bởi thay đổi trong cách tính thuế nhập khẩu bình quân gia quyền, và vấn đề về thuế thu nhập doanh nghiệp ngoài dự kiến liên quan đến Castrol PB Petco, công ty do PLX sở hữu 35% cổ phần.

Trong 9 tháng đầu năm, PLX báo đạt lợi nhuận gộp 9.433 tỷ đồng, giảm 2,8% so với cùng kỳ, do thay đổi ngoài dự kiến về thuế nhập khẩu bình quân gia quyền theo cách tính của Bộ Tài chính. Lợi nhuận gộp của mảng kinh doanh xăng dầu (đóng góp 70% tổng lợi nhuận của PLX) là 6.600 tỷ đồng, giảm 9,4% so với cùng kỳ.

Theo cách tính giá bán lẻ xăng dầu của Bộ Tài chính: Giá bán lẻ xăng dầu = chi phí đầu vào + vận chuyển và bảo hiểm về Việt Nam + thuế nhập khẩu bình quân gia quyền + thuế tiêu thụ đặc biệt + trích quỹ bình ổn giá + thuế môi trường + chi phí bán hàng & quản lý định mức + lợi nhuận định mức.

Trong đó, thuế nhập khẩu bình quân gia quyền được Bộ Tài chính tính theo quý dựa trên thuế suất nhập khẩu bình quân gia quyền trên sản lượng xăng dầu giao dịch trong quý trước.

Do đó có xu hướng phát sinh chênh lệch giữa thuế nhập khẩu bình quân gia quyền theo cách tính của Bộ Tài chính và thuế suất nhập khẩu thực tế mà công ty kinh doanh xăng dầu phải chịu.

Trong năm 2016, thuế suất nhập khẩu bình quân là 17%. Do công thức tính thuế nhập khẩu bình quân gia quyền của Bộ Tài chính chỉ bao gồm sản lượng xăng dầu nhập khẩu, và không tính đến sản lượng của nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Trong khi đó, trong năm 2016, PLX thực tế đã chịu thuế suất nhập khẩu là khoảng 12% do công ty mua phần lớn sản lượng đầu vào từ Dung Quất và cũng nhập khẩu từ Hàn Quốc.

Do năm 2016 là năm đầu tiên Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực và thuế nhập khẩu hàng hóa từ Hàn Quốc giảm còn 10% từ 20% trước đó.

PLX là công ty đầu tiên chuyển nguồn nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á sang Hàn Quốc và hưởng mức thuế nhập khẩu thấp hơn trong khi đó các doanh nghiệp khác vẫn chịu mức thuế nhập khẩu là 20% đối với sản lượng xăng dầu nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á.

Theo tính toán của Công ty Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC), với mức thuế suất nhập khẩu bình quân gia quyền là 17%, giá bán lẻ xăng dầu trong nước là 10.670đ/lít trong khi đó giá vốn hàng bán thực tế của PLX là 9.170đ/lít.

Như vậy, PLX hưởng lợi nhuận gộp 1.500đ/lít, cao hơn 25% so với lợi nhuận gộp định mức là 1.200đ/lít như trong công thức tính giá xăng dầu.

Trong 9 tháng đầu năm, chi phí bán hàng và quản lý của PLX là 6.495 tỷ đồng. Trong kinh doanh xăng dầu, PLX phải giữ chi phí bán hàng và quản lý của mình theo chi phí định mức theo quy định của Bộ Công thương để đảm bảo lợi nhuận.

Chi phí bán hàng và quản lý của mảng kinh doanh xăng dầu phụ thuộc vào sản lượng tiêu thụ hơn là doanh thu. Do đó, tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý/doanh thu sẽ giảm khi giá bán bình quân tăng và ngược lại.

Cũng trong 9 tháng đầu năm nay, lợi nhuận từ các công ty liên doanh và liên kết của PLX là 346,6 tỷ đồng, giảm 21,6% so với cùng kỳ, do liên doanh với Castrol BP Petco phát sinh chi phí bất thường khoảng 150 tỷ đồng liên quan đến nợ thuế thu nhập doanh nghiệp do thay đổi thuế suất ưu đãi trong tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại