Bà cụ cáu chiếc gương và cuộc chiến của Pep Guardiola

Hà Quang Minh |

Mấy ngày nay, trên mạng xã hội có lan truyền một video clip quay cảnh một bà cụ, trùm khăn mỏ quạ, mặc áo len, đối diện mình trong gương, tưởng người trong gương ấy là bà cụ khác.

Bà cứ dúi vào tay bà cụ trong gương múi bưởi, rồi phát cáu lên vì người kia không nhận, không cầm lấy thơm thảo của mình. Xem video ấy, có người mỉm cười vì cái hồn nhiên của người già đã bắt đầu vào lúc lẫn nhưng cũng có người ứa nước mắt, nhớ mẹ, thương bà.

1. Cái video bà cụ soi gương bỗng khiến ta liên tưởng đến hình ảnh người nhìn vào gương, nhưng không coi đó là mình, và cố gắng giành tranh với hình ảnh của chính mình.

Người đang làm cái việc đó, chính là Pep Guardiola, khi ông đưa Man City trở lại Nou Camp thi đấu với đội bóng cũ, đội bóng đã cùng ông lên mọi đỉnh vinh quang thời 2008-2012.

Nói gì thì nói, Barcelona đã đặt ra một tấm gương tiêu biểu cho nhiều CLB noi theo. Ngay cả Bayern Munich, một đội bóng vĩ đại, cũng đã trọng vọng Pep bởi họ mong rằng ông sẽ hoàn hảo hóa Bayern - cỗ máy chiến thắng, thành một Bayern mẫn cảm nhưng hiệu quả cao và bất khả chiến bại.

Man City cũng vậy thôi. Đắm chìm trong hình mẫu Barcelona, họ xây dựng học viện kiểu La Masia, với cơ sở hạ tầng còn tối tân hơn. Và họ có thêm Pep, những muốn thành Barca phiên bản Anh.

Bà cụ cáu chiếc gương và cuộc chiến của Pep Guardiola - Ảnh 1.

Những gì Pep Guardiola đã làm ở Man City mới chỉ là bước khởi đầu.

Một hình mẫu luôn luôn được người khác noi theo, nếu nó cho kết quả tốt. Sau 1998, hàng loạt quốc gia châu Âu ca ngợi Clairefontaine và 11 trung tâm cấp quốc gia còn lại của Pháp, coi đó như thứ cần phải học, nếu muốn sản sinh ra những nhà vô địch.

Rồi kế đến, họ học theo mô hình Đức, khi thấy bóng đá Đức cho ra lò nhiều hảo thủ. Và mấy năm gần đây là La Masia, ở đâu cũng nhắc tới La Masia, như một biểu tượng.

Nhưng Pep đã một lần không chứng minh được thứ phái sinh sau này của ông đủ sức so sánh với Barca. Đó là hồi 2015, khi ông cùng Bayern trở lại Camp Nou.

Bây giờ, Man City của ông mới chỉ là khởi đầu và chắc chắn, nó chưa thể ở tầm chất lượng để mang tới Camp Nou thi thố. Nhưng lá thăm đầy họ vào chung một bảng, để cuộc đối diện trước gương của Pep tới sớm hơn, và tất nhiên, cũng khiến Pep thấy được nhiều nhược điểm của Barca phiên bản chưa tới tầm ở Manchester.

2. Pep bị ám ảnh về sự hoàn hảo. Pep không ngừng một giây nào để nghĩ về bóng đá. Nên nhớ, khi mới đến tập ở La Masia, ông đã từng là thứ để người ta pha trò. HLV cũ của ông nói rằng "Nó chạy lật đật như Charles Chaplin vậy".

Từ con lật đật tuổi thơ, Pep rèn giũa để trở thành một trong những tiền vệ trung tâm hay nhất châu Âu vào thời của mình. Chỉ có sự ám ảnh về hoàn hảo mới khiến ông đến mức đó.

Pep không bao giờ chịu đầu hàng trước khó khăn. Chuyện kể rằng, khi nghỉ 1 năm ở New York, ông gặp vợ chồng Sala-i-Martin và cùng vợ chồng này tới ăn tối với Garry Kasparov. Trong bữa tối ấy, Pep hỏi Garry: "Ông có thể đánh bại Magnus Carlsen (học trò của Garry Kasparov) hay không?". Kasparov chỉ nói: "Đánh thật thì có thể. Đánh tập thì không thể".

Pep không thỏa mãn với câu trả lời ấy. Ông lựa lúc để hỏi, cũng trong bữa tối đó, tới 4 lần khác nữa. Nhưng tất cả những gì ông nhận được từ Kasparov chỉ là hai tiếng "Không thể". Bốn lần, không thể bật ra đều tăm tắp, dù là Kasparov có suy nghĩ kỹ đi nữa.

Bà cụ cáu chiếc gương và cuộc chiến của Pep Guardiola - Ảnh 2.

Khát vọng tìm kiếm sự hoàn hảo sẽ là con dao hai lưỡi với Pep?

Trước đó, Kasparov có nhận xét, Magnus có thể VĐTG nhưng không thể thống trị làng cờ. Kasparov từng thống trị làng cờ, tại sao lại không thắng nổi Magnus, học trò của mình, kẻ mà Kasparov nhận xét là không thể thống trị làng cờ? Pep bị ám ảnh vì đáp án của Garry Kasparov là bởi vậy.

Trên đường về, Cristina, vợ Pep nói rằng "Có thể đó là vấn đề của sự tập trung". Và Daria, vợ của Sala-i-Martin bồi thêm: "Đúng. Magnus trẻ, Kasparov quá già rồi. Đánh thi đấu với một ván cờ chừng 2 tiếng thì ông ta thắng. Nhưng đấu tập, kéo dài 5-6 tiếng, não ông ấy quá tải vì tính toán nước đi.

Con người có người tập trung ngắn hạn tốt, có người tập trung dài hạn tốt. Nên HLV sẽ chọn cầu thủ có sức tập trung ngắn hạn hay dài hạn là tùy theo sách lược riêng của mình".

Pep mất ngủ đêm đó. Ông trằn trọc để tư duy ý tưởng bóng đá mới từ những câu chuyện như vậy. Nó đã thành thói quen của một kẻ ưa tìm sự hoàn hảo.

Mà những người ưa tìm sự hoàn hảo sẽ luôn đẩy não bộ của mình lên mức căng thẳng nhất. Những người ưa tìm sự hoàn hảo cũng bị ám ảnh như thể mắc một chứng điên. Pep lúc này, lại như một người điên, đứng trước gương, chiến đấu với chính mình, tức là Barca xưa cũ, để cố tìm cách hoàn hảo hóa thứ bóng đá mình theo đuổi dù rằng trên cõi đời này, chẳng có gì là hoàn hảo cả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại