Cuộc chiến tranh ở Yemen có lẽ là cuộc chiến đầu tiên có sử dụng rộng rãi tên lửa đất đối đất kể từ sau Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991.
Những trường hợp phiến quân Houthi sử dụng tên lửa đất đối đất chiến thuật và chiến dịch-chiến thuật, kể cả tên lửa phòng không S-75 (SA-2) chống mục tiêu mặt đất, cũng như tên lửa chống hạm là rất đáng lưu ý về mặt quân sự.
Chưa từng có kinh nghiệm sử dụng tên lửa đất đối đất, chống hạm trong thực chiến, Trung Quốc đang chăm chú học hỏi kinh nghiệm ở Yemen vì họ có tiềm lực tên lửa đất đối đất, đối hạm vào hàng mạnh nhất thế giới và đang tính toán sử dụng chúng trong các tình huống xung đột lãnh thổ với các nước láng giềng.
Chiến dịch quân sự ở Yemen của liên minh Arab bị kéo dài vì sự tham gia khá mạnh của quân đội và cố vấn Iran, cũng như do bản thân quân đội các nước Arab không muốn tối ưu hóa bộ máy chỉ huy và ra quyết định.
Khó khăn đầu tiên đối với quân đội các nước Arab được thể hiện ở những lần phóng tên lửa thường xuyên vào các mục tiêu trên lãnh thổ Saudi Arabia, còn khó khăn thứ hai là hiệu quả cực kỳ thấp của các thê đội phòng không của vương quốc giàu có nhất thế giới Arab này.
Phân tích các bài viết trên các nguồn tin công khai của Trung Quốc cho phép khẳng định rằng, các chuyên gia về thiết kế và sử dụng vũ khí tên lửa ở Trung Quốc đang theo dõi sát sao các trường hợp phiến quân Houthi sử dụng tên lửa đường đạn, tên lửa chiến dịch-chiến thuật và thậm chí cả tên lửa hành trình do Liên Xô và Iran sản xuất chống kẻ thù chính là Saudi Arabia.
Theo các nguồn tin Trung Quốc, sau khi các kho tên lửa lọt vào tay phiến quân Houthi, họ cũng đã nắm được 6 bệ phóng 9P117 của hệ thống tên lửa chiến thuật 9K72 Elbrus và gần 10 xe bệ phóng của hệ thống tên lửa chiến dịch-chiến thuật Tochka.
Theo các chuyên gia Trung Quốc, trong các kho tàng của quân chính phủ đã có gần 120 tên lửa 9K79 và mấy chục tên lửa Tochka, và hoàn toàn có thể là do cường độ sử dụng vũ khí tên lửa ở mức thấp nên phiến quân Houthi vẫn còn một lượng lớn tên lửa.
Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, các hệ thống tên lửa phòng không Patriot thế hệ 2 và 3 hiện có trong trang bị các đơn vị phòng không Saudi Arabia không có khả năng chặn đánh cả bản thân tên lửa 9K79, lẫn phần chiến đấu của nó. Gần như tất cả các tên lửa loại này được phóng từ lãnh thổ Yemen đều đã đến được các mục tiêu của mình ở Saudi Arabia.
Cần nhớ rằng, ngay cả quân đội Mỹ trong chiến dịch Bão táp sa mạc (1991) cũng gặp khó khăn trong việc đánh chặn các tên lửa cùng loại của Iraq vì phần chiến đấu của tên lửa phòng không có điều khiển do Mỹ sản xuất không có khả năng bám phần chiến đấu tốc độ cao của Elbrus và Tochka.
Có thể rút ra kết luận tạm thời là các kỹ sư Mỹ đã không có những thay đổi trong hệ dẫn của tên lửa phòng không có điều khiển của các hệ thống nói trên. Điều duy nhất may mắn cho quân đội các nước Arab và quân đội Mỹ đó là hệ dẫn của tên lửa do Liên Xô chế tạo bị hỏng do không được bảo dưỡng và kiểm tra đúng cách trước khi phóng.
Khó khăn tiếp theo của các đơn vị phòng không Saudi Arabia là các tên lửa do Iran sản xuất mà Tehran thường xuyên cung cấp cho các đối tác của mình ở Yemen và qua đó, các công trình sư Iran nhận được thông tin về việc sử dụng các tên lửa của mình trong điều kiện thực chiến.
Dĩ nhiên là giới quân sự Iran hiểu rằng, lực lượng đối phương cũng đang tiến hành thu thập thông tin nhằm ngăn chặn các vụ phóng tên lửa vào các mục tiêu cỡ lớn như căn cứ, sân bay,...
Tuy nhiên, cho đến nay, quân đội các nước Arab đã chỉ thu được những mảnh vỡ lẻ tẻ của vỏ tên lửa và các động cơ hết nhiên liệu, cũng chưa phát hiện được cả các khối dẫn, lẫn các nắp chụp mũi tên lửa nên ngay cả các chuyên gia Mỹ cũng không thể mô tả chi tiết các tên lửa này.
Được biết, chính các chuyên gia Mỹ với bộ sưu tập ảnh cực kỳ phong phú đã nhận dạng được quả tên lửa đường đạn tầm trung Qiam 1 do Iran sản xuất. Theo các nhà quan sát Trung Quốc, để bắn phá Sân bay Quốc vương Khalid nằm ngay sát thủ đô Riyadh, phiến quân Houthi đã sử dụng chính là tên lửa đường đạn tầm trung Qiam-1 bắn trúng vào đầu đường băng cất/hạ cánh.
Khi tìm cách đánh chặn tên lửa này, đại đội tên lửa phòng không Patriot thế hệ 3 (PAC3) đã phóng lên 5 quả tên lửa phòng không có điều khiển, nhưng tất cả đều bắn trượt mục tiêu.
Cần lưu ý rằng, các chuyên gia Trung Quốc đã lập các mô hình 3 chiều quỹ đạo bay của tên lửa, có chỉ rõ các thời điểm tách phần chiến đấu, tách động cơ hành trình, cũng như tính toán các điểm rơi của tất cả các phần của tên lửa.