Như thường lệ, The Player Tribune là nơi các huyền thoại bóng đá, các danh thủ thể thao gửi gắm tâm sự, câu chuyện đời mình cùng những thông điệp đầy ý nghĩa đến với người hâm mộ, cũng như những người yêu thể thao trên toàn thế giới.
Rio Ferdinand đã có lá thư đầy xúc động gửi cho chính mình thời trẻ, Nemanja Vidic đã làm bao người đọc xúc động với tuổi thơ đầy bom đạn, kẻ giết người và đêm Moscow say khướt cùng chức vô địch Champions League 11 năm về trước.
Giờ đây, đến Patrice Evra - miếng ghép hoàn hảo cho hàng thủ đã giúp Man United một thời "làm mưa làm gió" châu Âu, kể lại câu chuyện về cuộc đời mình, về lý do "Tôi luôn yêu cuộc sống này", về câu nói "sấm dậy" của Sir Alex đánh động tâm can tất cả các cầu thủ Quỷ đỏ ra sân trong trận chung kết Champions League huyền thoại năm ấy...
Cuộc đời của người chiến binh ấy không trải đầy cánh hoa hồng, nhưng chưa một ngày Patrice Evra than vãn. Thay vào đó, anh sống như thể mình có đủ mọi điều hạnh phúc nhất trên đời...
Tôi đã từng chẳng có gì cả. Chúng tôi đã từng chẳng có gì cả.
Nhưng ngày ấy, tôi đã từng sống như thể tôi có mọi thứ trên đời.
Để tôi kể cho bạn nghe về điều bí mật của tôi nhé. Ai cũng có thể có được hạnh phúc - ai cũng có thể yêu cuộc đời này. Nếu không luôn giữ ý nghĩ ấy trong đầu, tôi đã chẳng thể ngồi đây với tư cách một hậu vệ trái từng chơi cho đội tuyển Pháp, Juventus, và nhất là Manchester United.
Tôi sẽ vẫn ngồi bên ngoài cửa hàng nào đó ở Paris, chìa tay xin vài đồng tiền lẻ để mua bánh mì sandwich bỏ bụng cho qua cơn đói hàng ngày.
Patrice Evra - Tôi yêu cuộc đời này
Tôi không đùa đâu. Tôi lớn lên ở Les Ulis - ngoại ô Paris, sống với bố mẹ và các anh chị em. Chúng tôi có 24 anh chị em cả thảy (tôi không đùa đâu nhé). Chúng tôi chen chúc nhau trong căn nhà nhỏ. Cha kiếm tiền nuôi chúng tôi bằng công việc của một đại sứ. Đấy cũng là lý do gia đình chuyển từ Senegal - nơi tôi chào đời, tới Brussels và sau đó là Les Ulis. Nhưng đến năm tôi 10 tuổi, bố mẹ ly dị. Ông đem đi hết, từ ghế sofa, TV, và thậm chí là cả chiếc ghế đẩu.
Tôi vẫn sẽ yêu ông cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, nhưng quả tình ngày ấy ông đẩy mẹ con tôi vào cuộc sống quá đỗi khó khăn. Tôi và hai người anh nữa phải nằm chung trên một tấm đệm, một người phải xoay đầu nằm ngược lại thì mới đủ chỗ. Khi bữa ăn được bày lên bàn, tất cả phải chạy thật nhanh ra, nếu không sẽ mất phần.
Những anh trai của tôi lần lượt đi làm kiếm tiền, rồi cũng lần lượt dọn ra sống chung cùng bạn gái. Cuối cùng, trong nhà chỉ còn tôi, mẹ và một cô em gái.
Đấy là khi tôi phải lao ra phố.
Tôi ghét khi mọi người gọi chúng tôi là lũ giang hồ. Ở cái khu mà bắn nhau và giết người diễn ra như cơm bữa, tôi phải thích nghi thôi. Tôi đánh nhau rất nhiều. Tôi ăn cắp thức ăn, quần áo, trò chơi điện tử... đủ cả. Tôi cũng thường ngồi trước cửa tiệm để xin tiền.
Tôi sẽ van xin: "Ông ơi, cho con vài đồng lẻ đi?"
Và đa số mọi người sẽ đáp: "Cút ngay. Mày tưởng tiền từ trên trời tự nhiên rơi xuống à?"
Tuổi thơ của tôi đấy. Les Ulis đấy. Nhưng nghe này: Tôi hạnh phúc.
Tôi đã luôn hạnh phúc suốt cả tuổi thơ ấy.
Giờ thì mọi người xem những đoạn video clip tôi làm trên Instagram, ở đó tôi làm đủ trò nhố nhăng, điên rồ và kiểu gì cũng nói "I love this game". Với tôi, nó có nghĩa là "Tôi yêu cuộc sống này". Bạn biết không, những video này là cách tôi chia sẻ niềm hạnh phúc với mọi người.
Nhưng này, không phải tôi chỉ nghĩ ra trò này khi bản thân đã giàu có và nổi tiếng. Nếu bạn từng ghé qua căn hộ của gia đình tôi ở Les Ulis, bạn có thể thấy tôi làm y hệt thế, ngày còn thơ. Tôi hát hò, nhảy múa, mặc đồ hóa trang, đội tóc giả, làm trò xung quanh các chị em gái của mình. Tôi thích làm họ cười. Bây giờ, khi xem những video tôi làm, chắc chắn họ sẽ thốt lên: "Chúa ơi, chị nhớ là cậu từng làm những trò này hồi mới có 5 tuổi..."
Nghèo khổ, túng thiếu thế mà tôi vẫn cứ hạnh phúc, tại sao? Là nhờ mẹ tôi đấy. Mỗi ngày, tôi chứng kiến mẹ làm việc cực kỳ vất vả để nuôi chúng tôi, và nhận ra rằng mình không có quyền phàn nàn về bất cứ chuyện gì cả. Ngoài ra, đâu là điều quan trọng nhất trong cuộc sống? Tại sao lại không suy nghĩ tích cực? Khi bạn tin những điều tốt đẹp sẽ đến với mình, thì nó nhất định sẽ đến.
Tôi lấy ví dụ cho mà xem nhé. Ngày đầu tiên đến trường, chúng tôi phải nói xem mình muốn làm gì khi lớn lên. Gần như cả lớp chọn "luật sư" hay "bác sĩ". Tôi viết "cầu thủ bóng đá". Trước cả lớp, cô giáo hắng giọng hỏi tôi: "Patrice, em thực sự nghĩ mình sẽ trở thành cầu thủ à. Trong số 300 học sinh ở đây, chỉ có mỗi mình em là muốn như thế thôi đấy?"
Tôi trả lời: "Vâng ạ."
Mọi người đều cười lăn lộn với câu trả lời ấy.
Suốt nhiều năm sau đó, có vẻ cô giáo của tôi ngày ấy đã đúng. Tôi chơi bóng khá ổn, nhưng chẳng có CLB nào thèm để ý cả. Tận cho đến năm 1998, khi đó tôi 17 tuổi, chơi ở một giải bóng đá trong nhà, thì một người đàn ông tiến lại và hỏi tôi có muốn thử việc ở Torino không. Tất cả những gì tôi biết là ông ấy có một nhà hàng ở Paris. Tôi nghĩ, Mình có tin ông ta được không nhỉ? Rồi tôi quyết định nhận lời. Ông bảo ngày hôm sau sẽ gọi cho tôi.
Tôi về nhà và nghĩ chắc ông ấy sẽ chẳng bao giờ gọi đâu.
Thế mà hôm sau, ông ấy gọi thật. Tôi lên đường đi Turin cùng ông ấy. Song cuối cùng, CLB không chấm tôi. Nhưng trong buổi thử việc ấy, có sự hiện diện của giám đốc điều hành của Marsala - một CLB vùng Sicily đang chơi ở giải hạng 3. Ông ấy hỏi tôi có muốn đến đó không. Tôi nói có.
Tôi bay trở về Paris, với suy nghĩ duy nhất trong đầu là CLB nhỏ vùng Sicily là cánh cửa để đưa tôi đến thiên đường.
Nhưng trước tiên, tôi phải đi qua được cánh cửa ấy đã. Tôi được thông báo rằng sẽ tập trung cùng CLB ở một ngôi làng thuộc vùng núi phía bắc Italia, nơi cả đội đang tập luyện. Tôi chưa bao giờ đi xa một mình. Tôi không nói được tiếng Italia. Tôi rời nhà với hành trang duy nhất là mảnh giấy, trên đó ghi số điện thoại của gia đình.
Tôi bắt tàu hỏa đi Milan, ở đó tôi sẽ phải bắt một chuyến tàu khác để đến ngôi làng trên núi. Ở nhà ga Milan, tôi thấy một tấm bảng to màu xanh, trên đó là những dòng chữ nhảy múa, giống như các rạp chiếu bóng kiểu cũ. Tôi nhìn chăm chú vào đó. Tôi nhìn vào tấm vé trên tay mình. Tàu của tôi đang ở đâu?
Sau đó, một người lạ tiến lại gần tôi. Điều duy nhất tôi còn nhớ là anh ấy đến từ Senegal và chột một mắt. Anh ấy nói: "Người anh em, cậu sao rồi? Trông cậu có vẻ buồn, chắc cậu đang lạc đường?"
Tôi đáp lại: "Đúng rồi, tôi chẳng biết phải đi đường nào nữa"
Tôi đưa tấm vé của mình cho anh ấy xem. Anh ấy bảo: "Tàu của cậu đi mất rồi, đi từ một tiếng trước"
Wow...
Tôi đưa cho anh ấy mẩu giấy có số điện thoại trên đó. Anh ấy gọi điện, Mẹ tôi nhấc máy. Khi biết cậu con trai của mình đã lỡ tàu và đang đứng trên sân ga cùng người lạ, mẹ hoảng hồn. Bà la lên: "Làm ơn đưa nó lên tàu về lại Paris với!".
Nhưng anh chàng người lạ chẳng khác nào một thiên thần. "Bà đừng lo", anh ấy nói với mẹ. "Ngày mai tôi sẽ đưa nó lên đúng chuyến tàu".
Anh ấy đưa tôi đến một ngôi nhà ở góc phố. Anh ấy cho tôi ăn, và chỉ tôi ngủ trên sàn, với 8 người lạ khác. Sáu giờ sáng, anh đánh thức tôi dậy và chúng tôi cùng ra ga, tìm đúng chuyến tàu. Đến tận bây giờ, tôi vẫn chẳng biết anh là ai, nhưng trong tôi lúc nào cũng nghĩ không lời cảm ơn nào là đủ với điều anh đã làm cho tôi. Cuối cùng, tôi cũng bắt đúng chuyến tàu.
Nhưng khi lên tàu rồi, thì tai họa khác lại đến. Tôi không biết phải xuống ở ga nào. Tôi chỉ biết tên của nhà ga, vì anh bạn thiên thần kia đã viết ra giấy hộ. Cứ mỗi khi tàu dừng lại, tôi lại nháo nhác hỏi mọi người: "Có phải đây không ạ? Có phải đây không ạ?"
Tàu đi mãi, đến lúc chỉ còn tôi và ba bà sơ. Ngập tràn lo sợ, tôi liên tục hỏi họ: "Đâu ạ, đâu ạ?"
"Chưa, chưa thấy biển báo đâu con"
Thêm ba đến bốn lần như thế, đến các bà sơ cũng phát cáu vì tôi. Nhưng cuối cùng, tàu cũng đến được ga. Tôi bước xuống tàu và nhìn xung quanh. Cái quái gì thế này?
Sân ga chẳng có gì cả. Thậm chí đến một chiếc ghế cũng chẳng có. Chỉ có gió thổi ù ù...
Tôi nghĩ, Thôi xong rồi, tôi bị lạc thật rồi. Không điện thoại. Không thiên thần nào cả. Đến các bà sơ cũng đi mất rồi.
Phải làm sao bây giờ?
Tôi quyết định cứ chờ xem có ai giúp mình không.
Năm phút trôi qua.
Mười phút.
Nửa tiếng.
Một tiếng.
Rồi hai tiếng.
Chẳng có ai xuất hiện cả. Trời thì bắt đầu tối.
Sáu tiếng đồng hồ trôi qua.
Cuối cùng tôi cũng nhìn thấy ánh đèn xe lóe lên trong bóng tối. Đấy là chiếc xe của giám đốc CLB. "Tôi xin lỗi", ông ấy xuýt xoa. "Chúng tôi nghĩ cháu đã bị lỡ tàu bla bla bla... Ông đưa tôi về khách sạn mà đội tập trung, nằm ở trong làng. Ở đấy, tôi được phát trang phục và dụng cụ thi đấu. Tôi mặc vào, đứng lặng nhìn mình trong gương và chỉ kịp nghĩ: "Chúa ơi, tôi là cậu nhóc hạnh phúc nhất thế giới". Rồi tôi gọi cho mẹ. "Mẹ có tin được không, có cả người phục vụ bữa ăn cho con của mẹ này!"
Mẹ bắt đầu khóc.
Tôi sẽ không bao giờ quên cái ngày đầu tiên ở Sicily. Tôi vừa mới đến thôi, thế mà một cậu nhóc đi cùng bố đã chỉ trỏ, và hỏi tôi có thể cho cậu ấy chụp một búc ảnh cùng không. Tôi ngạc nhiên. Cái quái gì thế này? Tôi thậm chí còn chưa chơi trận nào, mà mọi người ở đây đã biết đến tôi rồi?
Tôi hỏi cậu nhóc sao lại muốn chụp ảnh cùng tôi. Cậu bé trả lời: "Vì em chưa bao giờ được thấy người da đen cả".
Wow...
Chào mừng đến Sicily.
Các đồng đội cũng rất ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi. Tôi là cầu thủ da đen duy nhất trong đội. Ở đây có rất nhiều điều họ hiểu sai về người da đen, nhưng nó chỉ là do thiếu hiểu biết, chứ không phải phân biệt chủng tộc. Thực tế, người Sicily rất thân thiện và hào hiệp. Khi thấy tôi trên số, họ sẵn sàng mời tôi vào nhà dùng bữa. Họ nói với tôi, Cậu là người của chúng tôi.
Nhưng ra sân thi đấu thì khác hẳn, tồi tệ hơn hẳn. Cổ động viên đối phương giả tiếng khỉ, ăn chuối trên khán đài. Thực sự kinh hoàng. Nhưng tôi lớn lên ở Pes Ulis cơ mà. Tôi cứng cỏi mà. Khó khăn chỉ càng làm tôi thêm quyết tâm mà thôi...
Còn tiếp...