Theo đó, Pantsir-S có khả năng phát hiện, phân loại và bắn trúng mục tiêu trên không mà không cần người điều khiển. Chương trình thuật toán phát hiện ngay lập tức tầm quan trọng của các mục tiêu và sắp xếp thứ tự tiêu diệt tùy thuộc theo mức độ nguy hiểm mà những mục tiêu đó gây ra.
Điều này là cần thiết để chống lại các mối đe dọa hiện tại trong cuộc chiến tốc độ cao ngày nay, khi mọi thứ được quyết định chỉ trong vài giây. Theo các chuyên gia, những khả năng mới này không chỉ làm tăng đáng kể hiệu quả của tổ hợp vũ khí, mà còn tiết kiệm được những tên lửa đắt tiền.
Nguồn tin từ tổ hợp công nghiệp quân sự và Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các bộ phận và pin của hệ thống tên lửa phòng không Pantsir-S có thể hoạt động hoàn toàn tự chủ.
Hệ thống điều khiển tự động mới được chỉ định trong các tài liệu là “có dấu hiệu của trí tuệ nhân tạo”. Phần mềm có tính đến tình huống chiến thuật, vị trí của các mục tiêu, mức độ nguy hiểm, các thông số khác và chọn chiến thuật tối ưu để đẩy lùi cuộc không kích.
Hệ thống này được thiết kế đặc biệt để bảo vệ chống lại các cuộc không kích lớn từ bất kỳ phương tiện hủy diệt nào - từ loại máy bay liều chết không người lái tự chế đến tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Dưới sự điều khiển của hệ thống này các đơn vị chiến đấu cũng có thể che chắn cho nhau một cách hiệu quả bằng hỏa lực pháo và tên lửa.
Vào tháng 1, ông Valery Slugin, thiết kế trưởng hệ thống Pantsir-S của Cục Thiết kế Kỹ thuật Shipunov (thuộc Công ty chế tạo các Hệ thống tấn công Chính xác của Tập đoàn Nhà nước Rostec) cho biết, nếu hệ thống tên lửa/pháo phòng không Pantsir được lắp đặt bên bờ biển thì nó hoàn toàn có khả năng tấn công cả các mục tiêu trên mặt nước.
“Tôi tin rằng Pantsir có thể tấn công cả các mục tiêu trên biển và hoàn toàn đủ khả năng tiêu diệt các tàu chiến mặt nước ở khoảng cách 10 km”, ông Slugin nói.
“Pantsir có khả năng tự phòng vệ, chống trả xe chiến đấu bộ binh hay mục tiêu di động của các phần tử khủng bố thánh chiến. Đây là cách hệ thống đã được sử dụng ở Syria và đã phát huy hiệu quả”, ông Slugin cho biết. “Pantsir chủ yếu tấn công các mục tiêu trên không bằng tên lửa”.
Bên cạnh đó, hệ thống radar và tên lửa của Pantsir-S do Nga chế tạo cũng đã được trang bị khả năng đối phó với các máy bay không người lái cỡ nhỏ.
“Chiến đấu chống lại các mục tiêu bay tầm thấp là một nhiệm vụ rất khó khăn đối với các hệ thống phòng không nhưng chúng tôi đã trang bị cho Pantsir khả năng phát hiện và tấn công chính xác những mục tiêu như thế này. Đây là một vấn đề rất phức tạp nhưng Pantsir đã có thể đối phó hiệu quả”, thiết kế trưởng Slugin nhận định.
Trước tình hình thực tế, trong vòng từ 3 - 4 năm tới Pantsir-S sẽ được trang bị một loại tên lửa cỡ nhỏ chuyên dùng để tiêu diệt các UAV kích thước nhỏ.
Một hệ thống Pantsir như vậy sẽ có khoảng 12 tên lửa và 1.400 đạn pháo, có khả năng tiêu diệt khoảng 20 mục tiêu hoặc thậm chí nhiều hơn. Khi đó, những mục tiêu như máy bay không người lái di chuyển chậm có thể bị bắn hạ ở khoảng cách chỉ từ 5 - 7 km.
Mới đây, hôm 20/7, Quân khu miền Nam thông báo, các đơn vị tên lửa phòng không S-400 và hệ thống tên lửa và pháo phòng không Pantsir-S1 của Quân đoàn 4 thuộc lực lượng Không quân và Phòng không - Không quân của Quân khu miền Nam đã đẩy lùi cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình và máy bay không người lái của kẻ thù giả định.
Thông báo cho biết các đơn vị đã hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu. Những tổ hợp vũ khí nói trên đã bảo vệ an toàn các cơ sở quan trọng trên bờ Biển Đen khỏi cuộc tấn công giả định, đây là một phần của cuộc kiểm tra đột xuất về khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị quân đội Nga.