Mỹ lạnh nhạt, Pakistan ngả về phía Nga
Gần đây chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt các lệnh trừng phạt chính trị đối với Islambad vì dung túng cho những tay súng Afghanistan chống chính phủ Kabul do Mỹ hậu thuẫn. Trong năm nay, Washington cũng đã cắt khoản viện trợ quân sự cho Pakistan.
Tuần trước, ông Ali J. Siddiqui, đại sứ của Pakistan tại Mỹ, đã xác nhận với NBC News rằng Mỹ cũng chấm dứt một chương trình huấn luyện quân sự đã được triển khai từ lâu giữa hai nước.
Trong khi đó, gần đây Moskva lại tăng cường áp dụng chiêu thức tấn công quyến rũ đối với Pakistan khi Mỹ ngoảnh mặt quay lưng, bao gồm kí kết thỏa thuận hợp tác quân sự, chuyển giao trực thăng và hỗ trợ đào tạo các sĩ quan của Pakistan. Ngoài ra Pakistan còn cho phát thanh chương trình Dispatch News Desk của Nga trên sóng radio.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Nga và Pakistan từng là những kẻ thù không đội trời chung, sau khi quân đội Pakistan và lực lượng du kích do Mỹ hậu thuẫn đánh bại Hồng quân Liên Xô trên chiến trường Afghanistan trong thập niên 1980.
Ông Shehzad Chaudhry, phó thống chế không quân về hưu của Pakistan, đồng thời từng là một nhà ngoại giao, cho biết Nga và Pakistan "rất có thể sẽ thiết lập một mối quan hệ mới".
"Đó sẽ là một thay đổi chiến lược lớn đối với cả hai nước", ông Chaudhry nhận định.
Quân nhân Nga - Pakistan bắt tay trước cuộc tập trận chung năm 2016. Ảnh: REFL.
Pakistan đã quá chán nản vì những lời đe dọa của Mỹ
Ông Kamal Alam, một chuyên gia về Pakistan và Trung Đông tại Viện Nghiên cứu Thống nhất Hoàng gia (London), cho biết hướng tiếp cận của chính quyền ông Trump trong thời gian gần đây đã khiến Islamabad chán nản.
Theo ông Alam, quân đội Pakistan dường như đã "chịu đựng quá đủ những đòn đe dọa, tống tiền, và phong tỏa thương mại của Mỹ".
Thái độ ác cảm rõ rệt của chính quyền ông Trump đối với chiến thắng của tân Thủ tướng Imran Khan trong cuộc bầu cử tháng trước đã mở ra cơ hội để Moskva tranh thủ tăng cường ảnh hưởng tại Pakistan.
Nga và Pakistan đã tái thiết lập quan hệ, tổ chức đối thoại, hợp tác trong huấn luyện và buôn bán khí tài từ khoảng một thập kỉ nay, thế nhưng Moskva đã nhiều lần nhanh chân hơn Mỹ trong những dịp quan trọng.
Cụ thể, Nga là quốc gia đầu tiên cử quan chức quân sự tới Pakistan sau chiến thắng của ông Khan, với đại diện là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexander Fomin, để thảo luận với Islamabad về chuyện hợp tác trong vấn đề an ninh - quốc phòng.
Moskva cũng nhanh hơn Washington một nhịp trong lĩnh vực ngoại giao, khi đại sứ Nga tại nước này đã đích thân đến tận dinh Thủ tướng Imran Khan để gặp gỡ và chúc mừng vị tân Tổng thống ngay sau chiến thắng của ông.
Mối quan hệ ngày càng nồng ấm giữa Pakistan và Nga cũng có một phần mục tiêu là để đáp trả việc Mỹ xích lại gần hơn với Ấn Độ. New Delhi vốn là đối tác chủ chốt của Moskva ở Nam Á.
"Bởi Ấn Độ và Mỹ xích lại gần nhau hơn, nên Nga đã tìm cơ hội lách dần ra khỏi mối quan hệ này, và bắt đầu hợp tác tự do hơn với các quốc gia như Pakistan", ông Chaudhry nhận định.
Nhà ngoại giao về hưu này cũng cho rằng việc Mỹ dần rút khỏi Pakistan đã để lại khoảng trống và cơ hội cho các quốc gia khác như Nga, Trung Quốc, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường ảnh hưởng trong khu vực.
Những thay đổi này có thể ảnh hưởng rất lớn đến cuộc chiến 17 năm tại Afghanistan. Lời đề nghị tổ chức hòa đàm trực tiếp với Taliban cho thấy chính phủ Mỹ đã bắt đầu nản chí trong cuộc xung đột này.
Ông Chaudhry dự đoán thỏa thuận giữa Pakistan và Nga sẽ ảnh hưởng đến các quốc gia lân cận trong khu vực, bao gồm cả Afghanistan.
Tuy nhiên đại sứ Siddiqui cho biết hiện nay vẫn còn quá sớm để đưa ra quyết định cắt đứt quan hệ giữa Pakistan và Mỹ.
"Tầm quan trọng của mối quan hệ này đã được chứng minh trong nhiều thập kỷ qua. Chúng tôi đang nỗ lực tìm cách hàn gắn nó [thay vì cắt đứt hoàn toàn]", ông Siddiqui nói.