Ông Zelensky mới đây đã đến Nhà Trắng trong cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Cuộc gặp diễn ra cùng với một đợt hỗ trợ tài chính khác của Mỹ cho Ukraine, bao gồm gói hỗ trợ an ninh trị giá 60 triệu USD, viện trợ nhân đạo 45 triệu USD và 12,8 triệu USD để chống lại đại dịch Covid-19.
Nhưng những con số này khó có thể được gọi là một sự đổi mới so với các khoản hỗ trợ trước đó, kể từ năm 2014 Ukraine đã nhận được 2,5 tỉ USD chỉ riêng cho các mục đích quân sự.
Nhà báo Episkopos cho rằng: “Tổng thống Ukraine đến Washington không phải để được trợ cấp thêm, mà là để làm dịu căng thẳng gần đây đã hình thành giữa Washington - Kiev kể từ khi Tổng thống Biden lên nắm quyền và đỉnh điểm là trong hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ ở Geneva diễn ra hồi tháng 6”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp người đồng cấp Ukraine Vladimir Zelensky tại Washington. (Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine)
Cũng theo nhà báo của National Interest, ông Zelensky gặp phải ba thách thức chính trị: Thứ nhất, đạt được tiến bộ trong việc phát triển lộ trình Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO); Thứ hai, thuyết phục Washington tham gia “định dạng Normandy” hoặc ít nhất tích cực tham gia đàm phán để chấm dứt xung đột đang diễn ra ở Donbass; Thứ ba, đạt được từ chính quyền ông Biden những nhượng bộ đáng kể liên quan đến việc hoàn thành xây dựng đường ống dẫn khí Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2). Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Ukraine đã không đạt được bất kỳ mục tiêu nào trong số này.
Ukraine ngày càng xa NATO
Trước đây, ông Zelensky hứa sẽ khiến các nhà lãnh đạo phương Tây đưa ra câu trả lời dứt khoát về tư cách thành viên NATO của Ukraine, nhưng ông chưa bao giờ nghe thấy câu trả lời “có” hoặc “không”.
Thay vào đó, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki nhắc lại quan điểm lâu nay của chính quyền ông Biden rằng: “Cánh cửa của NATO vẫn rộng mở cho những người tham vọng”, bà Psaki nói và nói thêm “các quốc gia khao khát như Ukraine vẫn chưa thực hiện các bước để đáp ứng các tiêu chí thành viên NATO”. Lập trường tương tự cũng được Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lên tiếng trong chuyến thăm Kiev vào mùa hè này, và trước ông là một số quan chức Mỹ khác.
Trong khi đó, ông Zelensky đã lập luận rằng cá nhân ông Biden “ủng hộ” tham vọng gia nhập NATO của Ukraine, nhưng cho dù ông cố gắng miêu tả trong cuộc gặp như một tín hiệu báo trước về sự tiến bộ trong lộ trình, thì không có gì cho thấy Nhà Trắng bằng cách nào đó đã thay đổi suy nghĩ về vấn đề này.
Mỹ vẫn “đứng ngoài” ở Donbass
Theo ông Episkopos, trong nhiều năm, Kiev đã cố gắng thuyết phục Washington tham gia trực tiếp theo “định dạng Normandy” - nhóm các nhà lãnh đạo nước ngoài này hiện bao gồm Đức, Nga, Ukraine và Pháp, đang nỗ lực tìm giải pháp cho cuộc chiến ở Donbass.
Một số người ở Ukraine hy vọng rằng, với sự tham gia tích cực hơn của Washington vào “định dạng Normandy” sẽ dẫn đến việc sửa đổi các thỏa thuận Minsk hoặc thậm chí kích thích sự xuất hiện của một số loại định dạng song song. Nhưng Nhà Trắng đã liên tục từ chối mọi lời kêu gọi theo hướng này và chuyến thăm gần đây của ông Zelensky cũng không phải là ngoại lệ.
Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky. (Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine)
Tổng thống Zelensky chia sẻ với báo giới, ông đã đưa ra đề xuất với giới lãnh đạo Mỹ về tiến trình hòa bình ở Donbass. “Mỹ sẽ xem xét đề xuất của tôi, vì tôi đã không đưa ra thông tin chi tiết trước cuộc gặp với Tổng thống Biden”, ông Zelensky nói.
“Do đó, chuyến đi Mỹ của ông Zelensky đã trở thành ‘một cuộc tập trận hùng biện với những lời đảm bảo rỗng tuếch về các chủ đề được tạo ra nhằm xác định mối quan hệ giữa Mỹ và Ukraine kể từ cuộc Maidan Ukraine năm 2014’.
Cả hai nhà lãnh đạo đều ca ngợi sự nghiệp toàn cầu hóa của nền dân chủ và kêu gọi chấm dứt chiến tranh ở Donbass, nhưng các thỏa thuận Minsk không thể thực hiện được”, ông Episkopos giải thích.
Bất chấp những thông điệp khó hiểu của ông Zelensky và sự phản đối kiên quyết của Nga gần như vô hiệu hóa triển vọng về một giải pháp thay thế khả thi cho Minsk. Vì những lý do rõ ràng đó, chính quyền ông Biden không muốn chấp nhận Ukraine gia nhập NATO vì những rủi ro địa chính trị to lớn, nhưng lại thiếu ý chí để tuyên bố trực tiếp điều này trước Ukraine.
Không giống như các cuộc gặp cấp cao trước đây giữa các quan chức Ukraine và Mỹ, cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Ukraine không xác định những gì mà quan hệ song phương hiện nay cần nhất như: “bản chất chính trị và sự rõ ràng về chiến lược”.
“Mong muốn ngoan cố của chính quyền hai nước nhằm loại bỏ các vấn đề nhức nhối mà Mỹ và Ukraine phải đối mặt trong chương trình nghị sự là một thông điệp chính trị sai lầm. Điều này có nguy cơ làm xáo trộn thêm tiến trình hòa bình vốn đã phức tạp ở Donbass và nguy cơ làm trầm trọng thêm các tính toán sai lầm với những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra”, nhà báo Episkopos nhấn mạnh.