Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định, chuyến thăm của Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn là chuyến thăm quan trọng nhất của các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong vòng 18 năm qua.
Lý do là vì, khi ông Vương Kỳ Sơn tới thăm Israel, hai nước đã ký kết tới 8 thỏa thuận hợp tác thuộc các lĩnh vực, khoa học, công nghệ, y tế, nông nghiệp và dự án hành động của Ủy ban hợp tác sáng tạo chung giai đoạn 2018-2021.
Quan trọng hơn, lịch trình thăm viếng của Phó Chủ tịch Trung Quốc cũng rất tạo điểm nhấn. Ông tới thăm Bức tường than khóc ở thánh địa của người Do Thái ở Jerusalem, đặt một mảnh giấy nhỏ ghi lời cầu nguyện về hòa bình thế giới vào kẽ hở của bức tường.
Ông Vương Kỳ Sơn đang trong chuyến công du 4 nước Trung Đông trên cương vị Phó Chủ tịch Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Trên thực tế, Bức tường than khóc có ý nghĩa chính trị vô cùng quan trọng và chủ quyền của nó hiện vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi. Trong khi theo giới phân tích ngoại giao Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh thường có một "quy tắc ngầm": Tránh đề cập một số vấn đề ngoại giao nhạy cảm.
Bức tường than khóc là nơi người Do Thái hành hương và cầu nguyện, mang màu sắc tôn giáo đặc trưng. Ngoài thăm Bức tường than khóc, ông Vương còn tới thăm một thánh địa tôn giáo khác: Nhà thờ Giáng Sinh (Church of the Nativity) ở Bethlehem, Palestine.
Trước đây, lãnh đạo Trung Quốc cùng lúc công du hai nước Israel và Palestine là cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân (tháng 4/2000). Tuy nhiên, ông Giang không tới thăm Bức tường than khóc nên ông Vương đã trở thành quan chức Trung Quốc cấp cao nhất lần đầu tiên tới thăm thánh địa này.
Nhưng nếu nhìn rộng ra, sự xuất hiện của Phó Chủ tịch Trung Quốc ở Bức tường than khóc không phải là một ngoại lệ bởi rất nhiều lãnh đạo thế giới đã tới địa điểm này.
Ví dụ, Tổng thống Nga Vladimir Putin khi công du Israel vào tháng 4/2005 cũng đã tới thăm Bức tường than khóc hay Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tới đây nhân chuyến thăm Israel vào tháng 1/2015. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tới thăm Bức tường than khóc vào tháng 5/2017 - trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên tới thánh địa này.
Hoàng tử Anh William cũng là thành viên hoàng gia Anh lần đầu tới thăm Bức tường than khóc kể từ năm 1948 đến nay, nhân chuyến công du Israel và Palestine vào tháng 6/2018.
Việc ông Vương Kỳ Sơn tới thăm Bức tường than khóc mang ý nghĩa đặc biệt, đó là Trung Quốc rất cởi mở đối với các nền văn hóa khác nhau, báo tiếng Hoa Đa chiều nhận định.
Đây là động thái ngoại giao đột phá của Bắc Kinh và người đi đầu thực hiện nó là Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn. Ông có thể thực hiện dễ dàng hành động này xuất phát từ hai nguyên nhân.
Một mặt, ông là Phó Chủ tịch Trung Quốc, hơn nữa còn là cựu Ủy viên thường vụ Bộ chính trị, có ý nghĩa đại diện cho nhà lãnh đạo tối cao. Việc ông tới Bức tường than khóc sẽ mang hiệu ứng cộng hưởng rất cao.
Nhưng bên cạnh đó, ông lại chỉ là một đảng viên bình thường của đảng Cộng sản Trung Quốc. Điều này giúp đội ngũ lãnh đạo Trung Quốc giảm nhẹ được nhiều mối lo ngại và ràng buộc về mặt chính trị.
Ông Vương Kỳ Sơn - với "hành trang gọn nhẹ" sẽ càng linh hoạt hơn trong việc xử lý các vấn đề ngoại giao, càng dễ dàng ra mặt xử lý một số vấn đề nhạy cảm tương tự như tới thăm Bức tường than khóc - nơi tồn tại mâu thuẫn về chủ quyền giữa Israel và Palestine. Có thể nói, ông Vương Kỳ Sơn đại diện cho hình thức ngoại giao "kỵ binh nhẹ" quan trọng của Trung Quốc, Đa chiều nhận định.
Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn đang tiến hành chuyến công du 4 nước Trung Đông gồm Israel, Palestine, Ai Cập và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất trong thời gian từ 22-30/10.