Ông vua duy nhất trong lịch sử Việt Nam: Gả chồng cho vợ cũ!

Lan Hương |

Dưới thời đại phong kiến, việc đàn ông năm thê bảy thiếp là chuyện quá bình thường. Nhưng một vị vua với quyền lực tối cao lại quyết định... gả chồng cho vợ cũ thì quả thực xưa nay sao mà hiếm!

Sau khi kết hôn với Lý Chiêu Hoàng - vị nữ vương duy nhất trong lịch sử Việt Nam từ năm mới lên bảy, Trần Cảnh (tức vua Trần Thái Tông) đã được nàng xuống chiếu nhường ngôi và mở ra một triều đại hoàn toàn mới.

Tuy nhiên, mối duyên tình trong sáng ấy cũng phải sớm đứt gánh giữa đường vì Chiêu Hoàng không sinh được quý tử nối dõi cho nhà vua.

Bởi vậy, chú ruột của Trần Thái Tông là thái sư Trần Thủ Độ đã ép buộc vua phải truất ngôi hoàng hậu từ Chiêu Hoàng, đồng thời lập Thuận Thiên công chúa lên đảm nhiệm ngôi vị "mẫu nghi thiên hạ".

Ông vua duy nhất trong lịch sử Việt Nam: Gả chồng cho vợ cũ! - Ảnh 1.

Giữa đường đứt gánh tương tư. Hình minh họa

Có thể nói, chính Lý Chiêu Hoàng đã đóng góp một phần công sức trong việc gây dựng nên triều đại nhà Trần dù mọi sự đều là do thái sư Trần Thủ Đô ra tay sắp đặt. Tuy nhiên tình cảm của công chúa họ Lý với chàng trai họ Trần từ khi còn tấm bé hoàn toàn xuất phát từ tự nhiên.

Đại Việt Sử ký Toàn Thư có ghi lại, vào ngày 21 tháng 10 năm Ất Dậu (tức 22 tháng 11 năm 1225), Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho Trần Cảnh.

Ngày mồng 1 tháng Chạp năm ấy (tức 31 tháng 12 năm 1225), Chiêu Hoàng gỡ bỏ hoàng bào, mời Trần Cảnh lên ngôi Hoàng đế ở điện Thiên An, dựng lên nhà Trần, sử gọi là Trần Thái Tông. Chiêu Hoàng được Thái Tông phong làm Hoàng hậu.

"...Khốn nổi trẫm là nữ chúa, tài đức đều thiếu, không người giúp đỡ, giặc cướp nổi lên như ong, làm sao mà giữ nổi ngôi báu nặng nề. Nay trẫm suy đi tính lại một mình, duy có Trần Cảnh là người văn chất đủ vẻ, thực thể cách quân tử hiền nhân, uy nghi đường hoàng, có tư chất thánh thần văn võ, dù đến Hán Cao Tổ, Đường Thái Tông cũng không hơn được.

Sớm hôm nghĩ chín từ lâu nghiệm xem nên nhường ngôi báu, để thỏa lòng trời, cho xứng lòng trẫm, mong đồng lòng hết sức, cùng giúp vận nước, hưởng phúc thái bình".

Cứ ngỡ rằng "gái có công thì chồng chẳng phụ", ấy vậy mà sống với nhau được 12 năm thì Chiêu Hoàng bị truất ngôi hoàng hậu vì không sinh được con nối dõi. Lúc ấy, Trần Thái Tông bị thái sư Trần Thủ Độ ép cưới công chúa Thuận Thiên, đồng thời là chị gái của nguyên hoàng hậu.

Lâm vào cảnh mất chồng lại chẳng có con, Lý Chiêu Hoàng đành xin phép triều đình cho rời khỏi cấm cung và lên núi xuất gia tu hành. Nhưng cũng chẳng được bao lâu thì cuộc đời của nguyên hoàng hậu lại bị xáo trộn bởi chính người chồng cũ là vua Trần Thái Tông.

Gả chồng cho vợ cũ

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ nhất, có một vị tướng tên Lê Tần lập được nhiều chiến công hiển hách, đặc biệt là hộ giá cứu vua Trần Thái Tông trong một trận đánh diễn ra vào giữa tháng 12 năm Đinh Tị (1257).

Ghi nhận điều này, nhà vua đã phong tước hiệu cho Lê Tần là Lê Phụ Trần, đồng thời còn định ban thưởng bằng cách... gả vợ cũ cho. Và ông đã phải tìm gặp lại Lý Chiêu Hoàng để thuyết phục.

Ngoài ra, Thái Tông hoàng đế cũng không quên nhắc tới công lao của vợ cũ bởi nàng đã hy sinh tất cả cho triều đại nhà Trần, cho quyền lợi của vua. Vì thế, dù có không được "kết tóc se duyên" với nhau cả đời, nhưng vua vẫn phải có bổn phận với nàng cho trọn nghĩa phu thê.

Nhưng nào đâu ngờ, cách mà vua nhà Trần dùng để bù đắp cho vợ cũ sao mà lạ đến thế! Ông muốn dùng Chiêu Hoàng để ban thưởng cho tướng quân Lê Phụ Trần, đồng thời cũng như để bù đắp cho vợ cũ.

"Mùa xuân, tháng giêng ngày mồng một (tức năm Mậu Ngọ, 1258), Vua ngự ra chính điện, trăm quan vào chầu. Trăm họ yên nghiệp như cũ. Vua định công ban tước cho Lê Phụ Trần làm ngự sử đại phu, lại đem công chúa Chiêu Thánh gả cho. Vua nói: Trẫm không có khanh thì đâu lại có ngày nay. Khanh hãy cố gắng để mãi được trọn vẹn", theo ghi chép từ Đại Việt Sử kí toàn thư.

Bình luận

Trước sự việc gây chấn động triều đình, sử thần Ngô Sĩ Liên đã từng nói: "Vua tôi nhà Trần coi thường đạo vợ chồng lại thấy ở đây một lần nữa".

Thậm chí, theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần cũng ghi: "Hậu thế chẳng ai dám trách Lê Phụ Trần, chỉ tiếc cho vua Trần, rằng khen sao hay vậy mà thưởng sao lạ vậy. Trong đạo vợ chồng, Thái Tông chi mà bạc, bạc đến vậy, chi mà tệ, tệ đến vậy!".

Đã phụ bạc một lần, nhưng nhà vua vẫn tiếp tục sử dụng vợ cũ để làm trao thưởng cho vị tướng có công sau hơn mấy năm xa hình cách bóng.

Khoan nói tới vấn đề gả chồng cho vợ cũ của vua Trần Thái Tông. Ta chỉ nhìn thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến cũng thấy họ chưa được coi trọng. Dẫu họ có được yêu thương thực sự, nhưng tình yêu ấy vẫn xen lẫn với tính toán thiệt hơn.

Tài liệu tham khảo:

- Đại Việt Sử kí toàn thư - NXB KH&XH - Bản kỷ, quyển 4 trang 157.

- Lĩnh Nam Chích Quái - Câu chuyện thứ 3

- Việt Sử giai thoại - NXB giáo dục - tập 3 trang 11

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại