Lịch trình ban đầu được đưa ra là ngày 29/11, một ngày trước khi hội nghị chính thức được bắt đầu, SCMP dẫn lời một nguồn tin ẩn danh cho hay.
Nếu được xác nhận, đây sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo trong gần một năm, cho thấy cả Washington và Bắc Kinh đã sẵn sàng dỡ bỏ căng thẳng thương mại.
Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, một trong những trợ lý kinh tế hàng đầu của ông Tập Cận Bình cho biết, Bắc Kinh và Washington "đang liên lạc với nhau".
Phát biểu của ông Lưu Hạc được đưa ra khi nền kinh tế thứ hai thế giới đang cố gắng củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán và nền kinh tế.
Cả Nhà Trắng lẫn Bộ ngoại giao Trung Quốc đều không tiết lộ chi tiết về lịch trình của các nhà lãnh đạo cho hội nghị thượng đỉnh G20.
Derek Scissors, một học giả tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, có liên kết chặt chẽ với chính quyền Tổng thống Trump, cho biết Tổng thống Trump và ông Tập Cận Bình "sẽ có một cuộc họp" và hai nước đang cố gắng đưa ra một khuôn khổ trong cuộc họp đó. Có thể là một thỏa thuận ngắn hạn trong tháng, ông Scissors nói.
Tin tức về một cuộc họp giữa Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Mỹ xuất hiện giữa một loạt các căng thẳng giữa 2 nước trên nhiều vấn đề ngoài cuộc chiến thương mại như Biển Đông, vấn đề Đài Loan, Tân Cương và cáo buộc gián điệp.
Zhao Quansheng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á tại Đại học Washington, Mỹ cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump cần một cơ hội để "tuyên bố chiến thắng" trong cuộc chiến thương mại cho người dân Mỹ, trong khi Trung Quốc sẽ dễ dàng thỏa hiệp hơn về thương mại so với các vấn đề nhạy cảm như Đài Loan.
"Nếu Mỹ tiếp tục kích động Trung Quốc về vấn đề Đài Loan, nó có thể vượt qua ranh giới của Bắc Kinh và điều đó có thể dẫn đến một cuộc đụng độ trên thực địa", ông nói.
Trong khi các cuộc đàm phán chính thức giữa Bắc Kinh và Washington bị đình trệ vì căng thẳng thương mại, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Thống đốc ngân hàng trung ương của Trung Quốc Yi Gang đã đồng ý rằng Bắc Kinh sẽ không tham gia vào việc giảm giá tiền tệ để hỗ trợ các nhà xuất khẩu.
Tương tự, Bộ Tài chính Mỹ đã không gọi Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ.
Ông Weiwen, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa ở Bắc Kinh, cựu cố vấn kinh tế tại lãnh sự quán Trung Quốc ở New York và San Francisco, nói rằng Trung Quốc và Mỹ cần phải "tạo điều kiện" cho cuộc họp của các nhà lãnh đạo diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina.
Trong kịch bản tốt nhất, cả hai bên sẽ không đưa ra bất kỳ biện pháp trừng phạt mới nào trước hội nghị thượng đỉnh G20 để đảm bảo cuộc đàm phán giữa ông Tập Cận Bình và ông Donald Trump có thể diễn ra.
Một quan chức chính phủ Trung Quốc, từ chối nêu tên, nói rằng thời gian của cuộc họp được đề xuất vào cuối tháng 11 để cả hai nhà lãnh đạo có thể giải quyết xong chương trình nghị sự trong nước.
Cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ sẽ được diễn ra vào ngày 6/11 trong khi Trung Quốc có nhiều sự kiện được lên kế hoạch trong những tuần tới để đánh dấu kỷ niệm 40 năm cải cách và mở cửa.
Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires sẽ là sự kiện đa phương cuối cùng trong năm mà cả hai nhà lãnh đạo cùng tham dự. Nhà Trắng trước đó đã hủy chuyến đi được lên kế hoạch của Trump cho Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương APEC dự kiến diễn ra vào 17-18/11 tại Papua New Guinea.