Từ vụ tấn công tên lửa của Mỹ vào Syria có thể rút ra hai nhận thức rất hữu ích cho việc nhìn nhận diễn biến tới đây trong mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên.
Thứ nhất, về việc sẵn sàng sử dụng quân sự ở bên ngoài nước Mỹ để đạt mục đích ở bên trong nước Mỹ, tổng thống Donald Trump hơn hẳn người tiền nhiệm gần nhất là Barack Obama, nhưng chưa đạt đến "trình độ" như người tiền nhiệm xa hơn là George W. Bush.
Thứ hai, cuộc không kích vừa rồi của Mỹ vào Syria không gây ra thiệt hại ghê gớm gì cho quân đội chính phủ Syria, nhưng ông Trump vẫn được đánh giá là thành công, vì cái ông cần là gây dựng hình ảnh về người lãnh đạo nước Mỹ quyết đoán, dám nói dám làm, tức là nhằm trước hết vào tác động chính trị và tâm lý của hành động chứ không phải hiệu quả trên thực tế.
Khi trước, thiệt hại của việc sử dụng vũ khí hoá học ở Syria còn lớn hơn vừa rồi rất nhiều lần nhưng cũng chính ông Trump kịch liệt phản đối chính phủ của ông Obama tấn công quân sự vào Syria.
Thiên hạ cho rằng ông Trump dùng vụ tấn công kia để phát đi thông điệp cảnh báo cả Nga lẫn Trung Quốc. Có thể như vậy nhưng cũng có thể không vì trên thực tế thông điệp kiểu như thế và phát đi bằng cách như thế chưa thể đủ để gây ấn tượng đáng kể gì ở Nga và Trung Quốc.
Nhưng với Triều Tiên thì lại khác và chắc chắn có. Sau chuyện vừa rồi ở Syria, Triều Tiên mới là thách thức thực sự và khó xử lý hơn cả đối với ông Trump.
Những người tiền nhiệm của ông Trump ở Mỹ đều đã sử dụng ngôn từ lẫn phương cách mà ông Trump và cộng sự đang sử dụng đối với Triều Tiên, nhưng đều bế tắc đối sách. Cho tới nay, ông Trump và cộng sự chưa cho thấy khá khẩm hơn những người tiền nhiệm trong chuyện này.
Sau vụ tấn công Syria, ông Trump phải đối phó với áp lực ngày càng tăng từ chuyện hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, như thể đã lao ở Syria rồi thì phải theo lao ở Triều Tiên. Ông Trump đã đưa lực lượng hải quân hùng hậu đến gần Triều Tiên nhưng không phải để chuẩn bị tấn công Triều Tiên mà chỉ để diễu võ giương oai, để tận dụng cái dư âm của hành động vừa rồi ở Syria.
Sau này thì chưa biết thế nào chứ hiện tại, ông Trump không dám tấn công quân sự vào Triều Tiên, đơn giản vì Triều Tiên khác xa Syria về mọi phương diện và chắc chắn Triều Tiên sẽ đáp trả ông Trump chứ không như Syria vừa rồi.
Ông Trump hiện có 4 lựa chọn đối sách đối với Triều Tiên là tấn công quân sự, đàm phán trực tiếp, xiết chặt trừng phạt và dùng Trung Quốc ép Triều Tiên.
Triều Tiên khác Syria ở chỗ có tiềm lực quân sự mạnh hơn nhiều và có khả năng thực sự trả đũa Mỹ. Ở Syria, Mỹ phóng tên lửa từ ngoài khơi và Syria không phản công lại được. Nhưng Mỹ có mấy chục ngàn binh lính trên bán đảo Triều Tiên và xưa nay giữa Mỹ và Triều Tiên còn thù địch nhau hơn nhiều so với giữa Mỹ và Syria.
Về địa lý và địa chiến lược, Triều Tiên ở giữa Trung Quốc và Hàn Quốc. Cả hai nước này đương nhiên không thể tránh khỏi bị vạ lây nếu chiến tranh hoặc đụng độ vũ trang bùng phát giữa Mỹ và Triều Tiên. Tất cả bốn đối tác này chắc chắn đều chỉ thua chứ không thể thắng nếu để xảy ra chiến tranh hoặc nếu Mỹ và Triều Tiên xô đẩy nhau vào cuộc chiến.
Có thông tin nói Mỹ đang tính đến việc triển khai vũ khí hạt nhân ở Hàn Quốc - sau 25 năm. Dân Hàn Quốc chắc chắn phải nghĩ kỹ trước khi cho phép Mỹ triển khai loại vũ khí huỷ diệt này vì nếu nó được sử dụng thì Mỹ vẫn còn nhưng Hàn Quốc không còn.
Hơn nữa, mới chỉ có vài khẩu đội của hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ được triển khai trên lãnh thổ Hàn Quốc thôi mà Trung Quốc đã bực bội đến mức thẳng tay trừng phạt kinh tế, thương mại Hàn Quốc. Thêm cả vũ khí hạt nhân nữa thì không biết Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào.
Ông Trump không kích Syria còn phải báo trước cho Nga huống hồ chuyện Mỹ tấn công Triều Tiên ảnh hưởng trực tiếp đến Trung Quốc và đồng minh của Mỹ ở khu vực hơn nhiều so với Nga ở Syria.
Mỹ hiện lớn giọng doạ Triều Tiên và ép Trung Quốc, lại còn đưa cả tàu sân bay đến khu vực, chẳng qua chỉ nhằm giảm bớt sự khác biệt giữa mạnh tay ở Syria và chùn tay ở Triều Tiên, để khoả lấp tình thế khó xử giữa muốn và không làm được cũng như che đậy bế tắc chiến lược trong đối phó Triều Tiên.
Ông Trump và Triều Tiên hiện còn giống nhau ở chỗ cả hai đều "không lường trước được" và tác động răn đe lẫn nhau của đặc tính này rất đáng kể.
Ngoài ra, Triều Tiên chắc chắn đã phòng thủ kỹ càng hơn Syria và không thể không chuẩn bị sẵn sàng đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra và do Mỹ gây ra. Ông Trump tuy chưa trải nghiệm chính trường và thông thạo chuyện quan hệ quốc tế, nhưng thừa thực dụng để ý thức rằng Triều Tiên không phải như Syria và Trung Quốc ở khu vực này không phải như Nga ở Syria.