LTS: Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu tới bạn đọc bài viết về quan điểm đối với lĩnh vực an ninh quốc phòng của Donald Trump trước khi ông đắc cử trở thành vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ vào tháng 11/2016.
Bài viết được trích từ cuốn sách Đã đến lúc phải cứng rắn để khôi phục sự vĩ đại của nước Mỹ do chính Tổng thống Donald Trump là tác giả. Sách do AlphaBooks phối hợp với nhà xuất bản Thế giới phát hành.
---
Nước Mỹ cần tăng cường sức mạnh quốc phòng
Nếu cái mạng ta không giữ được thì các quyền tự do dân sự của ta sẽ thành vô nghĩa. Đó là lý do tại sao chức năng quan trọng nhất của chính phủ liên bang là quốc phòng.
Các vị quốc phụ của chúng ta hiểu điều này. Họ hiểu rằng ta chẳng thể tận hưởng điều tốt đẹp nào của cuộc sống, nếu phải lo sợ cho sự an toàn tính mạng của mình. Thế nhưng, đáng tiếc là chúng ta đang sống trong một thế giới mỗi ngày một trở nên nguy hiểm hơn.
Trung Quốc đang tiến hành xây dựng năng lực quân sự trên diện rộng và tạo ra những vũ khí chiến tranh mạng có khả năng buộc nước Mỹ phải khụy gối. Nga đang nổi lên, Iran, đất nước rót tiền cho những kẻ khủng bố trên khắp thế giới, ngày càng tiến gần hơn đến việc tạo ra một vũ khí hạt nhân có khả năng vận hành.
Pakistan đã lộ ra là quốc gia che giấu cho Osama bin Laden ngay cạnh chỗ chẳng khác gì với West Point của nước Mỹ, và tổ chức tình báo của nước này hỗ trợ mạng lưới Haqqani, một nhóm khủng bố còn nguy hiểm hơn cả al Qaeda. Afghanistan vẫn trong tình trạng lộn xộn và là ổ khủng bố. Syria đang đứng trên bờ vực của một cuộc nội chiến, còn Libya thì đã rơi vào tình trạng này...
Nói tóm lại, những mối đe dọa đối với an ninh quốc gia xuất hiện khắp nơi và ngày càng nhiều. Đó là lý do tại sao tôi lại dành sự ngưỡng mộ và trọng thị với 2,4 triệu quân nhân trong Lực lượng Vũ trang của chúng ta đến vậy.
Nước Mỹ xứng đáng có một vị tổng tư lệnh tôn trọng những khó khăn và thực tế mà Lực lượng Vũ trang của chúng ta hiện đang phải đối mặt trong một thế giới đầy rẫy nguy hiểm.
Cụ thể, quân đội của chúng ta xứng đáng có được trang thiết bị, những khóa huấn luyện và vũ khí tốt nhất. Họ cũng xứng đáng được hưởng mức lương tốt cho công việc hiểm nguy và anh hùng của mình. Họ không đơn thuần là kiếm được nó.
Nếu lịch sử có dạy chúng ta điều gì thì đó là những quốc gia vững mạnh cần những nhà lãnh đạo mạnh mẽ với những nguyên tắc an ninh quốc gia được xác định rõ ràng.
Thực tế thay đổi với tốc độ chóng vánh; các sự kiện quốc tế có thể đổi chiều trong tích tắc. Các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9, chiến tranh ở Iraq, Afghanistan, Libya, Mùa Xuân Ả-rập – tất cả những biến cố này đều xảy ra trong chớp mắt.
Một tổng thống không phải lúc nào cũng có thể dự đoán "đám cháy" an ninh quốc gia tiếp theo sẽ bùng lên ở đâu, nhưng ông ta có thể và phải có một chiếc la bàn ổn định và đáng tin cậy làm kim chỉ nam cho các quyết định của mình. Tôi tin rằng bất kỳ học thuyết chính sách ngoại giao đáng tin cậy nào của nước Mỹ cũng cần được định nghĩa bởi ít nhất bảy nguyên tắc cốt lõi sau:
Lợi ích của nước Mỹ là trên hết, luôn luôn là như vậy, không có gì phải biện bạch ở đây; chuẩn bị sẵn sàng tối đa về hỏa lực và sức mạnh quân sự; chỉ bước vào cuộc chiến khi chắc thắng; trung thành với bằng hữu và hoài nghi kẻ thù; luôn giữ lưỡi kiếm công nghệ sắc bén; nhìn thấy những điều ẩn giấu, chuẩn bị sẵn sàng đối mặt với các mối đe dọa trước khi chúng trở thành hiện thực; tôn trọng và hỗ trợ những chiến binh hiện tại và trước đây của chúng ta.
Và một Tổng thống mới
Đáng buồn là Tổng thống Obama lại đánh giá thấp tất cả các nguyên tắc cốt lõi kể trên.
Thứ nhất, chẳng bao lâu sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông ấy đã làm một chuyến công du đi xin lỗi cả thế giới Ả-rập. Bạn có biết cuộc phỏng vấn đầu tiên của Obama trên cương vị tổng thống là với kênh tin tức Al Arabiya của Ả-rập?
Tôi có tin cần báo cho Tổng thống Obama đây: Nước Mỹ chẳng phải là điều gì sai trái với cái thế giới này. Tôi không tin chúng ta cần xin lỗi vì bị những kẻ khủng bố cực đoan Hồi giáo căm ghét, những kẻ ghét tôn giáo của chúng ta, tự do của chúng ta, và ghét thực tế rằng chúng ta đang mở rộng quyền con người cho nữ giới.
Thứ hai, trong khi thổi tung hàng nghìn tỷ đô-la tiền thuế của chúng ta cho các kế hoạch "kích thích" của mình, Tổng thống Obama lại đề xuất cắt giảm 400 tỷ đô-la ngân sách quốc phòng.
Thứ ba, bằng việc tuyên bố ngày giờ rút khỏi Afghanistan, và không xác định rõ các mục tiêu của chúng ta trong cuộc nội chiến Libya, Obama hoàn toàn làm hỏng mọi chuyện, khiến chúng ta gần như không thể xác định được thế nào là chiến thắng và đạt được nó.
Thứ tư, vị tổng thống này cũng xa rời các đồng minh như Israel, hay Ba Lan và Cộng hòa Czech, khi nhường bước trước các đòi hỏi của Nga về việc chúng ta không xây các hàng rào phòng thủ tên lửa để bảo vệ những người bạn của mình.
Thứ năm, bằng việc cắt bỏ ngân sách quân sự, Obama đã đe dọa đến khả năng giữ ưu thế công nghệ về hệ thống vũ khí của chúng ta.
Thứ sáu, Obama đã bị bắt quả tang không phòng bị gì khi Trung Quốc phát triển máy bay chiến đấu J-20, điều mà chính quyền của ông này nghĩ là còn lâu mới xảy ra.
Và cuối cùng, bằng việc nhằm vào ngân sách quốc phòng mà tấn công để chi trả cho các chương trình xã hội của mình, Obama tiếp tục làm suy yếu khả năng tôn vinh những chiến binh trước đây và hiện thời của chúng ta.
Khi các sỹ quan quân sự và tình báo của chúng ta tìm ra Osama bin Laden, ngay giữa Pakistan, họ đã tìm tới tổng thống để báo tin và hỏi liệu nên xử lý tay này bằng một quả tên lửa hay bằng một cuộc tấn công (cả hai giải pháp đều hợp lý). Giải pháp duy nhất còn lại là để cho tay này yên.
Chà, Obama đã có một quyết định để thực hiện. Chúng ta sẽ có bin Laden − hay chúng ta sẽ để hắn yên? Tôi không thể tin nổi bất kỳ ai ngồi ở Phòng Bầu Dục lại nói: "Đừng làm gì cả."
Vì vậy, ông ấy quả thật chỉ có đúng một lựa chọn cần thực hiện: thủ tiêu hắn ta bằng tên lửa hay bằng một cuộc tấn công. Ông ấy đã quyết định, và dù là theo hướng nào thì quyết định đó cũng đều đúng đắn, và Osama bin Laden đã chết.
Việc chúng ta tóm được hắn ta thật tuyệt vời, nhưng có người tỉnh táo nào mà lại hành động khác đi trong trường hợp này? Tại sao Obama lại được ghi nhận công trạng lớn lao đến vậy?
Tôi biết nói thế này thì không đúng về mặt chính trị, nhưng nếu ai có thể giải thích chuyện này cho tôi, tôi rất lấy làm cảm kích. Người xứng đáng nhận được mọi công trạng là quân đội của chúng ta, chứ không phải Obama.
Ngoài ra, chính sách ngoại giao mà Obama đã thực hiện trong ba năm đầu tiên ở cương vị tổng thống cũng có vấn đề. Thêm nữa, ông ấy còn phá hỏng hệ thống an ninh quốc gia của nước Mỹ. Một cái nhìn cận cảnh hơn sẽ vén lộ một số thực tế đáng báo động.
Nước Mỹ có một vị thế trong các quốc gia mà nếu không bị mất hoàn toàn thì cũng sẽ bị kìm lại bởi cái tiếng là yếu nhược. Nếu chúng ta muốn tránh bị sỉ nhục, chúng ta phải có khả năng đẩy lùi nó; nếu chúng ta muốn đảm bảo hòa bình, một trong những công cụ mạnh mẽ nhất mang đến sự thịnh vượng cho đất nước của chúng ta, mọi người cần phải hiểu rằng chúng ta luôn sẵn sàng chiến đấu. — TỔNG THỐNG GEORGE WASHINGTON
Tổng tư lệnh phải là người có trực giác chuẩn. Đó là một trong những vấn đề của Obama. Ví dụ: Trên đường vận động tranh cử năm 2008, Obama đã hứa sẽ đóng cửa nhà tù chống khủng bố ở vịnh Guantanamo.
Rồi sau đó, khi được bầu làm tổng thống, gặp gỡ những người trưởng thành trong giới quân đội và tình báo, ông ấy buộc phải làm quen với thực tế rằng Guantanamo tồn tại là có lý do, như Tổng thống George W. Bush và Phó Tổng thống Dick Cheney đã quả quyết suốt thời gian dài.
Rồi tiếp đến là quyết định gần đây của Obama rút ruột quân đội Mỹ bằng việc cắt giảm 400 tỷ đô-la khỏi ngân sách quốc phòng, một con số lớn hơn gấp hai lần con số mà Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates khi đó xác định là khôn ngoan.
Và giờ đây ta có Obama, một người đàn ông chưa bao giờ gặp phải chi phiếu chi tiêu nào mà ông ta không ưa, nhưng khi vấn đề là rót ngân sách cho các đội quân của chúng ta và cung cấp cho họ trang thiết bị, khóa huấn luyện và sự hỗ trợ cần thiết, Obama lại vắng bóng. Nói như Bộ trưởng Quốc phòng Gates khi nghe nói đến quyết định đó của ông sếp của mình, một động thái như thế sẽ làm suy yếu "cấu trúc lực lượng và năng lực quân sự."
Thỏa thuận là thế này: khi bộ trưởng quốc phòng nói với ta rằng các biện pháp cắt giảm mà ta đề xuất sẽ làm xói mòn năng lực quân sự của nước Mỹ, ta cần chú ý. Nhưng Obama thì không. Ông ấy nghĩ mình biết cách điều hành quân đội tốt hơn những người cầm súng chiến đấu. Ông ấy đã lầm.
Lý do những người bảo thủ ủng hộ một hệ thống quân đội vững mạnh, được rót ngân sách đầy đủ là vì họ biết rằng mọi sự tự do đều bắt nguồn từ an ninh quốc gia.
Đó là lý do tại sao chúng ta cần một tổng thống mới. Đó cũng là lý do tại sao chúng ta cần cứng rắn trong chính sách ngoại giao khi đối phó với những mối đe dọa và thách thức mà nước Mỹ phải đối mặt từ các địch thủ và các quốc gia kẻ thù.