Ông Trump ngồi trong Nhà Trắng, "giấc mộng Trung Quốc" sẽ dễ dàng hơn?

Kiều Tỉnh |

Sau khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ, giới quan sát tin rằng quan hệ Mỹ-Trung sẽ có thêm nhiều biến động trong tương lai gần.

Do chủ trương, đường lối, chính sách giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa tại Mỹ khác nhau, nên hành trang của cựu Tổng thống Barack Obama để lại, nhất là quan hệ Mỹ-Trung chưa hẳn thích hợp với ông Trump.

Quan hệ Mỹ-Trung hiện là mối quan hệ quan trọng nhất đối với cả hai nước cũng như trên diễn đàn thế giới. Đây là hai thực thể kinh tế lớn nhất và thứ hai thế giới, nhưng luôn ẩn chứa những mâu thuẫn và bất đồng do lợi ích của mỗi nước.

Trong khi ông Trump đã chính thức nắm quyền, ông Tập Cận Bình cũng gần như bảo đảm duy trì vai trò lãnh đạo và quyền lực trong Nhiệm kỳ thứ hai sau Đại hội khóa XIX của đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ diễn ra vào mùa thu năm nay.

Như vậy những sản phẩm về quan hệ Mỹ-Trung do ông Obama để lại nhất định sẽ có điều chỉnh, nhưng điều chỉnh tới mức độ nào là điều dư luận đều quan tâm.

Ông Trump ngồi trong Nhà Trắng, giấc mộng Trung Quốc sẽ dễ dàng hơn? - Ảnh 1.

Những vấn đề tồn tại trong quan hệ hai nước

Kể từ khi Tập Cận Bình và Obama lên nắm quyền, hai ông đã có 9 lần gặp gỡ nhau, trong đó 2 lần ông Tập thăm Mỹ, 2 lần Obama thăm Trung Quốc và 5 lần gặp gỡ bên lề các Hội nghị quốc tế. Nhưng 8 năm qua mâu thuẫn hai nước chẳng những không giảm đi, trái lại ngày càng tăng thêm.

Quan hệ Mỹ-Trung từ trước tới nay vẫn xoay quanh khung hình cơ bản là “Hợp tác có đấu tranh, Đấu tranh để Hợp tác”, “Đấu nhưng không để vỡ, hòa nhưng vẫn bất đồng”.

Giới quan sát cho rằng khung hình này sẽ tiếp tục trong thời kỳ ông Trump làm Tổng thống.

Dư luận các nước đặt câu hỏi liệu ông Trump có tiếp nhận những di sản của Bắc Kinh-Washington trong 8 năm qua hay không?

“Đối thoại chiến lược và kinh tế”, một sản phẩm thời kỳ Hồ Cẩm Đào-Obama, được đưa ra tháng 4/2009 tại London bên lề Thượng đỉnh G20 đã được ông Tập Cận Bình tiếp nhận, nhưng phản ứng của ông Trump vẫn là điều chưa rõ.

Đây là cơ chế đối thoại quan trọng nhất trong số 96 cơ chế đối thoại hiện nay giữa hai nước về quy mô cũng như về cấp bậc tham gia. Nó đại diện cho 15 cơ quan cấp bộ và 14 đại điện ban ngành và do cấp phó Thủ tướng dẫn đầu. Tới nay, hai nước đã tiến hành được 8 vòng đối thoại.

Những sản phẩm khác còn có: Quan hệ nước lớn kiểu mới; Chiến lược tái cân bằng châu Á, trong đó Mỹ ra sức kiềm chế Trung Quốc ở biển Đông, Hoa Đông và Tây Thái Bình Dương. Ngoài ra những vấn đề từ bao năm nay vẫn tồn tại như quan hệ kinh tế buôn bán hai nước không cân bằng, vấn đề Đài Loan, Tây Tạng…

Quan hệ hai nước tính đến thời điểm trước khi Obama rời khỏi Nhà trắng được đánh giá ở mức thấp nhất trong 15 năm qua.

Ông Trump cho rằng một sai lầm lớn nhất của Mỹ trong hơn 100 năm qua là đồng ý để Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Hơn 10 năm qua kể từ khi gia nhập WTO, Trung Quốc đã "lấy" đi của Mỹ hơn 70.000 doanh nghiệp, nên Trump sẽ thi hành biện pháp cứng rắn.

Nếu Trump thực sự đánh thuế nhập khẩu 20% lên hàng hóa Mexico như tuyên bố mới đây, không có gì bảo đảm ông sẽ không đánh thuế quan ở mức 45% đối với hàng hóa Trung Quốc - điều mà Trump đã cảnh báo Bắc Kinh trong giai đoạn tranh cử.

Đánh giá của các học giả và triển vọng quan hệ hai nước

Nhìn chung giới học giả đều cho rằng về tổng thể Trump chủ yếu hướng nội, muốn nước Mỹ từ bỏ chiến lược toàn cầu để co cụm, thu mình lại. Khi ông Trump đang tranh cử, phía Trung Quốc từng hy vọng ông thắng vì Trung Quốc dễ đối phó hơn.

Giáo sư Trần Thụ Cừ thuộc Trường Đại học Phúc Đán, Thượng Hải và Giáo sư Đường Thế Bình thuộc Trường Đại học Trường Giang cho rằng ông Trump ít nói tới chính trị, chủ yếu là kinh tế, nên dễ đối phó hơn.

Theo hai ông, Trump không phải là chính khách, chưa trải nghiệm quản lý đất nước, nên có thể sẽ làm cho nước Mỹ lúng túng, rối tung và bị động, như vậy sẽ tạo cho Trung Quốc có thời cơ phát triển và vươn lên thực hiện "giấc mộng Trung Quốc" mà Chủ tịch Tập Cận Bình nêu ra.

Ông Trump ngồi trong Nhà Trắng, giấc mộng Trung Quốc sẽ dễ dàng hơn? - Ảnh 2.

Giới học giả Trung Quốc tin rằng quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục phức tạp, nhưng ông Trump sẽ "dễ đối phó" hơn người tiền nhiệm Obama. (Ảnh minh họa: Getty Images/Feng Li)

Ngay từ đầu năm 2016 khi ông Trump tuyên bố ra tranh cử, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường từng nói: “Sự phát triển quan hệ kinh tế, buôn bán Trung – Mỹ từ trước tới nay cả hai đều có lợi. Điều này các thương nhân Mỹ đều biết rất rõ”. Dư luận khi ấy cho rằng đây là sự ngầm ủng hộ của Trung Quốc đối với Trump.

Giáo sư Hà Duy Bảo, thuộc Viện nghiên cứu Mỹ, Viện khoa học xã hội Trung Quốc nói vấn đề chủ yếu của Trump là đối nội, chứ không phải là đối phó với Trung Quốc. Những phát biểu về trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc khó thực hiện được vì lợi ích hai nước không cho phép. Những phát biểu trong tranh cử với thực tiễn khi ngồi vào ghế Tổng thống thường khác xa nhau. Nhìn lại các vị Tổng thống Mỹ trước đây đều như vậy.

Còn học giả người Mỹ gốc Hoa Viên Bằng cho rằng quan hệ hai nước khó có thể tránh khỏi vấn đề lịch sử. Đó là một nước Trung Quốc đang cố gắng trỗi dậy để trở thành một thế lực toàn cầu mới, với giấc mộng Trung Quốc nhằm cạnh tranh vị thế với Washington hiện nay, và một nước Mỹ đang tìm cách kiên quyết chống lại.

Nếu trong thời gian 4 năm tới mà ông Trump không thúc đẩy kinh tế Mỹ đi lên hay đưa ra những quyết sách sai lầm thì nước Mỹ rất dễ "nhường" lại vị thế lãnh đạo thế giới cho Trung Quốc, điều đã đang được nhiều nhà quan sát dự báo khi ông Tập lần đầu tiên dự Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ hồi tháng 1 vừa qua và tuyên bố lập trường ủng hộ mạnh mẽ toàn cầu hóa, đối lập với chủ nghĩa bảo hộ mà Trump theo đuổi.

Bởi vậy, quan hệ Trung-Mỹ thời gian tới vẫn nhiều mâu thuẫn, trục trặc. Ở châu Á-Thái Bình Dương, thế giới nhiều khả năng chứng kiến tình hình Đông Á cũng như khu vực Biển Đông xuất hiện những biến số mới phức tạp hơn./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại