Ông Trump mở tiệc linh đình đãi Tổng thống Pháp tại Nhà Trắng

Bích Ngọc |

Trong chuyến thăm chính thức Mỹ ngày 24.4 tới, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Đệ nhất phu nhân sẽ là thượng khách đầu tiên của tiệc tối cấp nhà nước ở Nhà Trắng, do vợ chồng Tổng thống Mỹ Donald Trump tổ chức linh đình.

Ông Trump là Tổng thống Mỹ đầu tiên (trong gần 100 năm) kết thúc năm đầu tiên ở Nhà Trắng mà không tiếp một lãnh đạo nước ngoài có chuyến thăm cấp nhà nước đến Mỹ.

Lãnh đạo nhiều nước đã đến Nhà Trắng sau khi ông Trump nhậm chức năm 2017, nhưng ông Macron sẽ là người đầu tiên được tiếp đón theo nghi lễ chính thức - nghi thức bắn 21 phát đại bác chào mừng, nhân kỷ niệm gần 250 năm quan hệ Mỹ-Pháp.

Tiệc hoành tráng ở Nhà Trắng sau khi ông Trump bị "hớp hồn" trong chuyến thăm Paris

Lần gần đây nhất một Tổng thống Mỹ thuộc đảng Cộng hòa đãi tiệc cấp nhà nước với người đồng nhiệm Pháp là Tổng thống George Bush tiếp Tổng thống Nicolas Sarkozy mới ly dị vợ, hồi tháng 11.2007.

Theo kế hoạch, ngày 23.4, Tổng thống Trump và Đệ nhất phu nhân Melania sẽ có bữa ăn tối riêng với vợ chồng Tổng thống Pháp ở Núi Vernon (quê hương của Tổng thống Mỹ đầu tiên George Washington) bên sông Potomac (bang Virginia). Nhà Trắng nói bữa ăn này nhằm tôn vinh vị thế Pháp là đồng minh đầu tiên của Mỹ.

Sáng 24.4, vợ chồng Tổng thống Mỹ đón tiếp vợ chồng Tổng thống Pháp ở Nhà Trắng. Đây là lần đầu tiên ông Macron có cuộc họp ở Phòng Bầu dục, tiếp đó hai vị lãnh đạo họp báo chung. Đến trưa, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence mở tiệc đón tiếp ở trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ. Đến tối thì ông bà Macron dự tiệc tối ở Nhà Trắng.

Theo hãng tin AP, quan hệ giữa hai vị Tổng thống Mỹ-Pháp bắt đầu bằng cú bắt tay mạnh, đến độ ông Trump tái xanh mặt vì đau, nhân cuộc họp thượng đỉnh khối NATO ở Bỉ tháng 5.2017, ngay sau khi ông Macron trở thành vị Tổng thống trẻ nhất trong lịch sử Pháp, ở tuổi 39.

Ngày 14.7, ông Trump là thượng khách của ông Macron, trong cuộc diễu binh mừng Lễ Quốc khánh Pháp. Sự kiện kỷ niệm ngày phá ngục Bastille này trùng với dịp kỷ niệm 100 năm Mỹ nhảy vào Thế chiến 2.

Theo AP, ông Trump rất ấn tượng với cuộc duyệt binh hoành tráng ở trung tâm thủ đô Paris, đến độ sau đó ông kêu gọi phô trương khí tài quân sự Mỹ ở Washington vào cuối năm 2018. Ông bà Macron cũng đưa vợ chồng Tổng thống Mỹ viếng mộ Hoàng đế Napoléon, rồi hai cặp vợ chồng ăn tối trên Tháp Eiffel.

Bà Trump cùng nhân viên lãnh trách nhiệm tổ chức bữa tiệc hoành tráng ở Nhà Trắng, chú ý kỹ những tiểu tiết, ví dụ dọn món ăn gì, tiếp loại rượu nào, ai ngồi cạnh ai, nghệ sĩ nào biểu diễn sau tiệc và trang trí phòng tiệc thế nào.

Bộ váy dạ tiệc của bà Trump cũng là tâm điểm chú ý, nhưng chi tiết này được giữ bí mật cho đến khi vợ chồng Tổng thống Mỹ bắt đầu đón khách.

Cựu Đệ nhất phu nhân Michelle Obama thường chọn các bữa tiệc cấp nhà nước này để giới thiệu tài năng của các nhà thiết kế thời trang mới nổi.

Một số nhà thiết kế không ưa cách làm chính trị của ông Trump, đã từ chối phục vụ Đệ nhất phu nhân Melania Trump, một cựu người mẫu thời trang. Nhưng có dự báo bà sẽ chọn bộ váy của Christian Dior, nhà thời trang cao cấp ưa thích của bà, hoặc của Hervé Pierre, nhà tạo mẫu người Mỹ gốc Pháp đã thiết kế cho bà bộ váy dự lễ nhậm chức tổng thống của chồng bà.

Vẫn theo hãng tin Mỹ, giới doanh nghiệp và chính khách rất muốn có vé dự tiệc ở Nhà Trắng. Khách mời dự tiệc đãi vợ chồng Tổng thống Pháp gồm bà Christine Lagarde, lãnh đạo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis.

Nhưng ông Trump phá vỡ truyền thống khi không mời bất kỳ nhà báo hoặc thành viên đảng Dân chủ nào, theo một quan chức Nhà Trắng giấu tên.

Khoảng 150 khách sẽ nhận chỗ ở Phòng Tiệc Quốc gia tại Nhà Trắng hôm 24.4 để tạo bầu khí thân mật, khác với những tiệc mà cựu Tổng thống Barack Obama thường đãi hàng trăm khách, dưới một tấm lều lớn ở Vườn Nam vì ở Nhà Trắng không có phòng nào đủ tiếp đón quá đông người.

Nhưng Mỹ-Pháp bất đồng gay gắt về Thỏa thuận hạt nhân Iran

Nhưng hai vị Tổng thống bất đồng với nhau về nhiều vấn đề lớn như Thỏa thuận chống thay đổi khí hậu Paris 2015 mà ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận này năm 2017.

Thỏa thuận này được lập năm 2015, giữa Iran với Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc và Đức, nên được gọi là Thỏa thuận G5+1, còn tên chính thức là Hành động chung toàn diện (JCPOA) buộc Iran từ bỏ tham vọng vũ khí hạt nhân, đổi lại là được Mỹ dỡ bỏ nhiều trừng phạt kinh tế trị giá hàng tỉ USD.

Theo một quan chức cấp cao chính phủ Mỹ nói hôm 20.4, hai vị lãnh đạo Mỹ-Pháp sẽ bàn luận về JCPOA.

Ông Trump đã gọi JCPOA là “một thỏa thuận tồi tệ’ và dọa sẽ hủy bỏ vì thỏa thuận có nhiều sơ hở, không giải quyết rốt ráo hoạt động tên lửa của Iran và Iran ủng hộ các tổ chức chính trị nước ngoài, như lực lượng vũ trang Hezbollah được Iran cung cấp vũ khí và huấn luyện, đang chiến đấu giúp chính phủ Syria trong cuộc nội chiến.

Hồi đầu năm nay, ông Trump gởi “tối hậu thư” đến Pháp, Anh, Đức (nhóm E3), yêu cầu họ phải đồng ý xem xét sửa những điều mà Mỹ cho là “sơ hở” của JCPOA, nếu không thì ông sẽ trì hoãn sự nới lỏng trừng phạt Iran. “Tối hậu thư” ra hạn chót ngày 12.5 tới, khi lệnh cấm vận Iran của Mỹ sẽ tái lập, trừ phi ông Trump lại ra quyết định chưa nối lại sự trừng phạt.

Iran nói sẽ tôn trọng thỏa thuận, khi nào các bên khác còn tôn trọng, nhưng Iran sẽ hủy nếu Mỹ rút khỏi. Iran luôn nói chương trình hạt nhân chỉ vì mục tiêu có điện, không sản xuất vũ khí hạt nhân như Mỹ, Israel và Ả rập cáo buộc.

Ngày 21.4, Tổng thống Hassan Rouhani của Iran nói Tổ chức năng lượng hạt nhân Iran đã có sẵn “những hành động phản ứng bất ngờ và không bất ngờ” nếu Mỹ rút khỏi JCPOA.

Tại New York, Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif nói Iran “có nhiều phương án nếu Mỹ rời khỏi JCPOA” và phản ứng của Iran “sẽ không vui chút nào”, đồng thời cảnh báo sẽ có những hậu quả. Ông cho biết Iran có thể tái sản xuất hạt nhân.

JCPOA không cấm Iran phát triển tên lửa nhưng sau khi thỏa thuận có hiệu lực hồi năm 2016, Hội đồng bảo an LHQ ra nghị quyết, kêu gọi Iran không nên tiến hành các hoạt động liên tên lửa đạn đạo “được thiết kế có khả năng phóng vũ khí hạt nhân” trong 8 năm. Iran nói biện pháp này chỉ áp dụng với tên lửa được thiết kế đặc biệt để mang đầu đạn hạt nhân.

Hai vị Tổng thống Mỹ-Pháp sẽ còn bàn những vấn đề khác như vụ Mỹ-Anh-Pháp không kích Syria đêm 13.4 với cớ quân đội nước này tấn công hóa học giết dân thường ngày 7.4.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại