Ông Trump liên tục kêu gọi "lựa chọn sự vĩ đại", nhưng Thông điệp Liên bang có thể là mở đầu của bế tắc

Terry F. Buss, PhD - Đồ họa: Đỗ Linh |

Khoảng 59% số người tham gia khảo sát của hãng tin CNN về bản Thông điệp Liên bang cho rằng ông Trump đã "làm rất tốt".

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bước lên bục để gửi tới Quốc hội và nước Mỹ Thông điệp Liên bang (từ sau đây sẽ được viết tắt là TĐLB), có lẽ ông đang đối mặt với đối tượng khán giả chia rẽ, thù nghịch nhất trong thời hiện đại.

Những kẻ gièm pha, những vai phản diện, đối đầu và những người thù ghét ông Trump vẫn hằn học về chuyện bà Hillary Clinton thua trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. Nhóm người này đang đoàn kết để cản trở mọi chính sách và hành động của ông Trump qua Quốc hội, điều tra hình sự, xét xử và biểu tình công khai. Mục tiêu lớn nhất của họ là buộc ông Trump rời khỏi Nhà Trắng. Truyền thông Mỹ cũng góp sức vào quá trình ấy: 85-90% thông tin đưa ra đều bất lợi cho ông Trump.

Nhưng hãy nhớ, ông Trump tham gia tranh cử với phương châm đảo ngược lại "tất cả" chính sách đã được thông qua, thi hành và dự kiến bởi người tiền nhiệm Barack Obama. Trong 2 năm đầu tại nhiệm, ông Trump đã làm được điều đó. Vậy có thể thấy rằng căng thẳng là rất lớn. Những dòng công kích trên Twitter của ông Trump cũng không có mấy tác dụng.

Trong số khán giả của TĐLB có ít nhất 10 người thuộc đảng Dân chủ hiện đang lên kế hoạch tranh cử Tổng thống năm 2020. Sự hiện diện của họ đem lại một không khí đe dọa cho ông Trump. Và cũng có nhiều kẻ thù khác, không chỉ thuộc đảng Dân chủ, mà thuộc đảng Cộng hòa, những người không ưa ông Trump và mong Tổng thống đương nhiệm rời văn phòng.

Ông Trump liên tục kêu gọi lựa chọn sự vĩ đại, nhưng Thông điệp Liên bang có thể là mở đầu của bế tắc - Ảnh 1.

Ông Trump phải đối diện với một Quốc hội bị chia rẽ. Đảng Dân chủ đang điều hành Hạ Viện, và không loại trừ khả năng họ sẽ "phá" bài nói của ông Trump. Ngồi ngay sau ông Trump là Chủ tịch Hạ viện mới Nancy Pelosi, một đối thủ đáng sợ. (Cảnh báo trước nội dung: Các thành viên của đảng Dân chủ đều cư xử tốt trong khi ông Trump nói).

Vậy ông Trump chọn hướng nào trong TĐLB: tìm kiếm sự hòa giải và đoàn kết, hay công kích thẳng thừng? Ông Trump đã chọn công kích!

Những điểm nhấn chính

Ông Trump bắt đầu bằng việc ca ngợi sự vĩ đại của nước Mỹ. Tại hầu hết các quốc gia, việc này sẽ giúp đoàn kết người dân, nhưng tại Quốc hội, phe Dân Chủ cảm thấy rất khó chịu bởi vấn đề liên quan chặt chẽ tới khẩu hiệu tranh cử của ông Trump: "Làm nước Mỹ Vĩ đại Trở lại".

Ông Trump dành thời gian nhắc lại những thành tựu trong năm 2018. Thành tựu lớn nhất là sức mạnh của nền kinh tế Mỹ, đặc biệt số việc làm tăng thêm, tỉ lệ thất nghiệp thấp và tiền lương tăng cao. Dù đây thường được coi là tin tốt lành, đảng Dân Chủ lại không mấy ủng hộ. Họ tin rằng kinh tế Mỹ ngày hôm nay là kết quả từ các chính sách của ông Obama 2 năm trước đây.

Ông Trump "tấn công" đảng Dân Chủ về vấn đề nhập cư, phá thai giai đoạn cuối, và điều tra hình sự.

Về vấn đề nhập cư, ông Trump chỉ trích phe Dân chủ không thông qua cải cách nhập cư, tài trợ an ninh biên giới, và xây dựng bức tường dọc biên giới Mexico, mặc dù trước đây Đảng này đã cam kết sẽ thực hiện. Ông Trump muốn giải quyết vấn đề nhập cư một lần và mãi mãi. Quan trọng hơn cả, ông Trump không nói rằng ông sẽ xây bức tường bằng quỹ khẩn cấp.

Về vấn đề phá thai, ông Trump phản đối việc phá thai muộn - một trong những chính sách lớn của Đảng Dân chủ. Nhiều ngày trước TĐLB, chính quyền Dân chủ ở bang Virginia tuyên bố rằng họ ưa chuộng việc an tử cho trẻ sơ sinh hơn là phá thai.

Về vấn đề an ninh Mỹ, ông Trump nói "các cuộc điều tra đảng phái kì quặc" nhằm vào ông đã làm cản trở khả năng đưa ra các chính sách có hiệu quả. Ông cũng kêu gọi chấm dứt việc "trả thù chính trị". Nói cách khác, ông Trump xác nhận rằng các chiến lược của đảng Dân chủ nhằm vào ông đang có hiệu quả!

Một khoảnh khắc hài hước hiếm hoi xảy ra khi ông Trump nhắc tới sự thật rằng phụ nữ đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong tỉ lệ người lao động và Quốc hội. Những phụ nữ Dân chủ lắng nghe trong im lặng, và không nhận ra rằng đó là lời ca ngợi từ ông Trump. Các thành viên của đảng Dân chủ thận trọng không vỗ tay, đứng dậy hoặc cổ vũ ông Trump vì e sợ rằng họ sẽ xuất hiện trên kênh truyền hình với hình ảnh đang ủng hộ ông Trump. Khi nhận ra đó là lời ca ngợi, họ đột ngột đứng dậy hưởng ứng. Ông Trump mới nói đùa rằng: "Mọi người không cần phải như vậy đâu, cổ vũ là chuyện hoàn toàn OK".

Ông Trump thông báo sẽ có cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un Thân mến vào cuối tháng 2 ở Việt Nam nhằm đàm phán sâu hơn vấn đề "phi hạt nhân hóa" trên bán đảo Triều Tiên.

Ông Trump đề xuất xử lí các chính sách vẫn đang dở dang: y tế, thuốc giảm đau có tính chất gây nghiện opioid, giá thuốc, cơ sở hạ tầng, cải cách tư pháp hình sự và ung thư ở trẻ em. Đối với các vấn đề nước ngoài, ông Trump khẳng định cam kết rút khỏi Trung Đông bất chấp các chỉ trích.

Ông Trump không nhắc tới vùng Châu Á - Thái Bình Dương, đối đầu với Trung Quốc tại Biển Đông, hoặc các hành vi khiêu khích của Nga.

Những người lớn đã rời căn phòng

TĐLB năm nay đặc biệt thú vị khi bà Nancy Pelosi - Chủ tịch Hạ viện của đảng Dân chủ, người được coi là quan chức quyền lực thứ 2 trong chính quyền Mỹ - gửi lá thư tới ông Trump với mục đích trì hoãn TĐLB. Bà cho rằng Quốc hội không thể đảm bảo an ninh cho ông Trump bởi ông Trump đã đóng cửa 1/3 chính phủ. Bà Pelosi đã từ chối thông qua quỹ tiền xây dựng bức tường biên giới Mexico để chặn đứng hàng nghìn người nhập cư trái phép tìm đường vào Mỹ.

Ván cược của bà Pelosi nhằm khiến ông Trump mất mặt đã ngay lập tức bị "phản đòn". Những người ủng hộ ông Trump chỉ ra rằng Bộ An ninh Nội địa và Mật vụ Mỹ có thể và sẵn sàng cung cấp đầy đủ dịch vụ an ninh. Các chuyên gia an ninh quốc gia chỉ ra rằng khu vực Capitol chỉ rộng khoảng 0,24 km2, và nếu Mỹ không thể đảm bảo an toàn cho khu vực này, thì rõ ràng Mỹ đang gặp họa lớn.

Ông Trump đáp trả bằng việc hủy bỏ chuyến đi của bà Pelosi cùng 20 nghị sĩ đảng Dân Chủ khác tới Brussels, Ai Cập và Afghanistan. Ông Trump đợi cho tới khi các thành viên Dân Chủ đã lên xe buýt tới sân bay rồi mới ra lệnh hủy chuyến đi. Ông Trump nói rằng nếu bà Pelosi không thể đảm bảo an ninh cho TĐLB, thì rõ ràng bà không cần phải đi ra nước ngoài làm gì cả.

Ông Trump liên tục kêu gọi lựa chọn sự vĩ đại, nhưng Thông điệp Liên bang có thể là mở đầu của bế tắc - Ảnh 3.

Các lá thư, công kích trên Twitter, và họp báo đã cho thấy hàng loạt lời bình luận xoay quanh việc có nên tiến hành TĐLB hay không. Tại một thời điểm, bà Pelosi yêu cầu ông Trump gửi mail bức thông điệp tới Quốc hội thay vì đọc trên TV và sóng radio quốc gia, trong khi ông Trump lại tìm địa điểm để thu hút nhiều sự chú ý hơn.

Rõ ràng, bà Pelosi hi vọng sẽ khiến ông Trump mất hứng và khiến bài TĐLB không được đăng tải rầm rộ trên các kênh truyền thông quốc gia. Bài TĐLB năm 2018 của ông Trump đã thu hút được 46 triệu khán giả, khiến đây trở thành cơ hội tốt nhất để một vị Tổng thống tiếp cận được số lượng tối đa người dân Mỹ.

Cuối cùng, sau màn diễn chính trị đáng xấu hổ, cả hai bên đã đồng ý tổ chức bài nói này.

Cạnh tranh về khách mời chính trị

Tổng thống Trump và các thành viên Quốc hội được phép mời các công dân người Mỹ tới dự buổi đọc TĐLB như một cách ghi nhận những đóng góp của họ đối với quốc gia. Nhưng càng về sau, thì các vị khách mời càng bị "chính trị hóa" hơn.

Trước khi Tổng thống đọc TĐLB, các phóng viên thường sẽ đi quanh tòa nhà Điện Capitol để tìm kiếm những vị khách mời sẵn sàng đưa ra tuyên bố chính trị trước khán giả toàn quốc, và trong trường hợp này, là để công kích ông Trump hoặc các chính sách của ông.

Một lời bình luận dài một phút trên truyền hình quốc gia sẽ có giá từ 5-10 triệu USD, nếu như người ta phải trả tiền để được lên hình.

Phe dân chủ lựa chọn tất cả các khách mời đều là nạn nhân, trong đó gồm một học sinh là nạn nhân trong vụ xả súng ở trường trung học Parkland (liên quan tới đạo luật kiểm soát súng đạn), hai binh sĩ chuyển giới sắp bị bắt giải ngũ (quyền lợi cho cộng đồng LGBT), một người nhập cư trái phép từng bị sa thải khỏi khu sân golf nghỉ dưỡng thuộc sở hữu của ông Trump (chính sách mở cửa biên giới, công dân nhập cư), một công chức nhà nước giận dữ vì chuyện chính phủ đóng cửa gần đây (vấn đề thất nghiệp), một người biểu tình gốc Latinh phản đối việc ông Trump đề cử ông Bret Kavanaugh lên Tòa án Tối cao (vấn đề liên quan tới phụ nữ), và một người ủng hộ việc phá thai.

Trái lại, ông Trump đã mời 6 người hùng của nước Mỹ, nhưng đồng thời ông cũng lựa chọn một số nạn nhân giống đảng Dân chủ.

Danh sách người hùng của ông Trump bao gồm: một sĩ quan cảnh sát từng bị bắn trúng 7 phát đạn khi giải cứu những công dân gốc Do Thái trong vụ tấn công khủng bố nhằm vào một giáo đường, một sĩ quan đặc nhiệm tại biên giới đã có đóng góp lớn trong việc giải cứu các nạn nhân của đường dây buôn người, một phi hành gia từng đặt chân lên mặt trăng, và 3 vị anh hùng trong Thế chiến II.

Danh sách nạn nhân của ông Trump gồm có: nạn nhân của tội phạm thù ghét, một người sống sót qua nạn diệt chủng (chủ nghĩa bài Do Thái), nạn nhân khủng bố, nạn nhân bị người nhập cư trái phép sát hại, người từng nghiện thuốc gây nghiện, hai tội phạm ma túy vừa được ra tù, và một đứa trẻ đã chiến thắng căn bệnh ung thư.

Phản ứng của phe Dân chủ hậu TĐLB

Đảng đối lập luôn đưa ra lời phản bác đối với TĐLB ngay sau khi Tổng thống kết thúc phần phát biểu. Thông thường, các bên sẽ lựa chọn một ngôi sao triển vọng để đại diện cho hướng đi tương lai của đảng.

Đảng Dân chủ đã lựa chọn bà Stacey Abrams - một thành viên cực tả người Mỹ gốc Phi, năm nay 45 tuổi, và vừa thua cuộc trong cuộc đua giành vị trí thống đốc của bang Georgia.

Abrams không thể chấp nhận thua cuộc như vậy, và cho rằng kết quả của bà này là do sự gian lận trong khâu kiểm phiếu, và những hành động gây áp lực đối với những cử tri da màu tham gia cuộc bầu cử. Đối với Abrams, thống đốc mới của bang Georgia, Stacey Kemp, là không hợp pháp. Những tuyên bố của bà này đã khiến giới chuyên gia phải đau đầu tranh cãi, và các nhà điều tra phải vào cuộc.

Điều quan trọng khi lựa chọn bà Abrams là đảng Dân chủ gần đây đã tuyên bố rất mạnh mẽ rằng tất cả những cuộc bầu cử họ không giành thắng lợi đều không hợp pháp, và kêu gọi những người ủng hộ của họ phải mạnh mẽ đấu tranh để giành thắng lợi trong những vấn đề này trong thời gian họ còn tại nhiệm.

Chiến lược trên đã được sử dụng trong suốt 2 năm qua để chống lại ông Trump. Phe Cộng hòa sẽ không thể tập trung lãnh đạo trước những cuộc biểu tình, các vụ kiện cáo ở tòa án, các hành động cản trở việc thi hành luật pháp, v.v.

Abrams và đảng Dân chủ cũng ủng hộ việc mở rộng đáng kể quy mô cử tri đoàn để trao quyền cho những người bỏ phiếu cho các ứng viên đảng Dân chủ, cụ thể là bà này muốn trao quyền bỏ phiếu cho những đối tượng nhập cư trái phép, trẻ em và tội phạm.

Ngoài ra, Abrams cũng muốn các cử tri được quyền bỏ phiếu mà không cần phải trình giấy tờ tùy thân, và tái định hình các khu vực bỏ phiếu để có lợi hơn cho đảng Dân chủ. Phe Cộng hòa thì cho rằng phe Dân chủ đôi khi không thể giành chiến thắng trong hệ thống hiện tại, nên họ muốn thay đổi toàn bộ hệ thống để đáp ứng như cầu của mình.

Phần phản bác của Abrams bắt đầu bằng lời tự chúc mừng rằng đảng Dân chủ hành động dựa trên các giá trị đạo đức ra sao, sau đó bà này chuyển sang đổ lỗi cho ông Trump vì những vấn đề của nước Mỹ, kèm theo một danh sách tiêu chuẩn gồm các chính sách để khắc phụ những vấn đề đó.

Không chịu thua kém, ông Bernie Sanders, thành viên đảng Dân chủ, năm nay 77 tuổi và từng thua cuộc trước bà Hillary Clinton - cũng tuyên bố rằng ông này sẽ đưa ra lời phản bác TĐLB của ông Trump trên Facebook. Sanders hiện là người đứng đầu Đảng Xã hội, với sự ủng hộ của số lượng lớn cử tri Mỹ. Sanders vẫn chưa có ý định từ bỏ việc chạy đua trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 với đối thủ là Tổng thống Trump và các ứng cử viên Dân chủ khác.

Kịch bản tương tự cho năm 2020

Vậy ông Trump có thành công với bài phát biểu TĐLB của mình? Hãng tin CNN đã mở một cuộc thăm dò ý kiến của những người theo dõi bài phát biểu. Khoảng 59% số người tham gia khảo sát cho rằng ông Trump đã "làm rất tốt".

TĐLB năm 2018 của ông Trump chỉ nhận được tỉ lệ ủng hộ là 48%, còn trong năm 2017 thì tỉ lệ ủng hộ ông Trump là 57%. Những cuộc thăm dò kĩ lưỡng và chặt chẽ hơn trong những ngày tới sẽ thu được ý kiến rõ ràng hơn.

Ông Trump liên tục kêu gọi lựa chọn sự vĩ đại, nhưng Thông điệp Liên bang có thể là mở đầu của bế tắc - Ảnh 6.

Liệu bài phát biểu này sẽ tạo ra sự khác biệt trong khả năng hoàn thành công việc của ông Trump, đặc biệt là khi làm việc với phe Dân chủ hay không? Câu trả lời là "không".

Ông Trump không còn gì để mất khi đối đầu với những kẻ gièm pha về ông và lôi kéo sự ủng hộ của công chúng Mỹ. Bởi vậy nên ông đã lựa chọn cách trấn an những người ủng hộ mình, rằng ông không chỉ giữ lời hứa trong chiến dịch tranh cử, mà còn không từ bỏ chúng. Ông không thuyết phục những đối tượng khác.

Phe Dân chủ đã "ngửi" được mùi vị chiến thắng, và họ không bằng lòng trao cho ông Trump bất kỳ "thắng lợi" nào có thể giúp ông tái đắc cử vào năm 2020, nếu như ông tiếp tục tham gia tranh cử. Phe Dân chủ vốn đã rất phấn khích kể từ sau chiến thắng vững chắc của họ trước phe Cộng hòa, trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2018.

Cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa, trong hai năm qua (và thậm chí là dưới thời Tổng thống Obama), đều chứng tỏ rằng họ không bằng lòng thỏa hiệp với nhau để giải quyết các vấn đề mà nước Mỹ và người dân Mỹ đang phải đối mặt. Hiện nay nước Mỹ không thể ngăn chặn hàng ngàn người nhập cư trái phép, các tay buôn lậu ma túy và những kẻ buôn người tràn vào đất Mỹ qua biên giới.

Hơn nữa, đảng Dân chủ đang ngày càng dịch chuyển sang cánh tả, tán thành chủ nghĩa xã hội, chính trị bản sắc và sự đúng đắn chính trị, tất cả những điều này đều sẽ phân rẽ nước Mỹ.

Trong khi đó, đảng Cộng hòa dịch chuyển về phía cánh hữu, nhưng lại bị chia rẽ sâu sắc trong chính những chính sách của họ, hơn nữa họ cũng bất đồng về việc tiếp tục phản đối ông Trump, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc trao quyền lực cho đảng Dân chủ.

Ông Trump liên tục kêu gọi lựa chọn sự vĩ đại, nhưng Thông điệp Liên bang có thể là mở đầu của bế tắc - Ảnh 7.

Một điều còn tệ hơn nữa, đó là không ai trong số các ứng cử viên cho cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 có nền tảng thống nhất. Tất cả đều chống lại ông Trump, và không ai có những chính sách thu hút đối với đa số người dân Mỹ.

Ông Trump đã đưa ra các lựa chọn: "Chúng ta phải lựa chọn giữa vĩ đại hoặc bế tắc, đạt được kết quả hay chống đối, tầm nhìn xa hay sự thù hằn thiển cận, sự tiến bộ đáng kinh ngạc hay sự hủy diệt vô nghĩa". Có lẽ câu trả lời lại là sự bế tắc!

Tuần tới, ông Trump sẽ lại phải đứng trước một sự chọn lựa, giữa nên hay không nên đóng cửa chính phủ lần nữa, như ông đã từng làm trong vài tuần qua. Lựa chọn của Tổng thống Trump sẽ là dấu hiệu cho kế hoạch hành động của ông này trong vòng hai năm tới.

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại