Hôm qua 22/6, tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh tạm thời tạm dừng việc cấp thị thực làm việc, đặc biệt bao gồm cả chương trình thị thực H-1B cho những người lao động có tay nghề cao. Hành động này ngay lập tức đã cắt đứt một nguồn cung lao động nước ngoài quan trọng cho các công ty công nghệ Mỹ, vốn từ lâu đã phàn nàn về sự thiếu hụt nhân tài.
Theo một ước tính của một quan chức chính quyền cấp cao chia sẻ với tờ Wall Street Journal, thì các hạn chế sẽ cấm khoảng 525.000 người vào nước này, bao gồm 170.000 người có thẻ xanh đã bị ngăn chặn vào Mỹ kể từ tháng 4 .
Tuy nhiên sắc lệnh này không áp dụng cho những người lao động đã có thị thực hợp lệ và nó được đưa ra nhằm giúp hỗ trợ việc làm cho những người Mỹ đang thất nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19, theo chính quyền Trump nói. Ông Trump cho biết tỷ lệ thất nghiệp đã tăng gấp bốn lần từ giữa tháng hai và tháng ba năm nay.
"Công nhân Mỹ cạnh tranh với các công dân nước ngoài để tìm việc làm trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế của chúng ta", ông Trump chia sẻ. "Nếu không có sự can thiệp, Mỹ sẽ phải đối mặt với khả năng kéo dài sự phục hồi kinh tế, với tỷ lệ thất nghiệp cao liên tục nếu nguồn cung lao động vượt xa nhu cầu lao động".
Ông Trump đang tìm mọi cách để giảm tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ.
Nhưng các đại diện của ngành công nghệ rõ ràng không thoải mái với sắc lệnh này. Họ đã lên tiếng cảnh báo rằng quyết định này sẽ cản trở khả năng tuyển dụng công dân nước ngoài có tay nghề cao của các công ty. Bởi khoảng 3/4 trong số 85.000 thị thực H-1B được phân bổ mỗi năm là dành cho những người làm việc trong ngành công nghệ.
Nhiều tập đoàn công nghệ khổng lồ đã lên tiếng bày tỏ quan điểm không đồng tình với quan điểm của chính quyền Trump.
"Bây giờ không phải là lúc để ngăn cách quốc gia của chúng ta khỏi các nhân tài của thế giới hoặc tạo ra sự không chắc chắn và lo lắng", Brad Smith, cố vấn trưởng của Microsoft, chia sẻ trên mạng xã hội Twitter. "Người nhập cư đóng một vai trò quan trọng tại công ty của chúng tôi và hỗ trợ các cơ sở hạ tầng quan trọng của đất nước chúng ta. Họ đang đóng góp cho đất nước này vào thời điểm chúng ta cần họ nhất."
Amazon thì thẳng thừng gọi sắc lệnh này là "thiển cận".
"Ngăn chặn các chuyên gia có tay nghề cao vào đất nước và đóng góp cho sự phục hồi kinh tế của Mỹ khiến khả năng cạnh tranh toàn cầu của Mỹ gặp rủi ro", một phát ngôn viên của Amazon cho biết. "Giá trị của các chương trình visa cho người có kỹ năng cao rất rõ ràng và chúng tôi rất biết ơn nhiều nhân viên Amazon từ khắp nơi trên thế giới đã đến Mỹ để đổi mới các sản phẩm và dịch vụ cho khách hàng".
Google cũng bày tỏ quan điểm tương tự.
"Người nhập cư không chỉ thúc đẩy các đột phá công nghệ và tạo ra các doanh nghiệp và việc làm mới mà còn làm phong phú thêm cuộc sống của người Mỹ", phát ngôn viên của Google - Jose Castaneda - nói trong một tuyên bố. "Thành công liên tục của Mỹ phụ thuộc vào các công ty có quyền thu hút các tài năng tốt nhất từ khắp nơi trên thế giới. Đặc biệt bây giờ, chúng tôi cần những tài năng đó để góp phần phục hồi kinh tế của Mỹ."
Giám đốc điều hành Google, Sundar Pichai, chính là một người nhập cư Ấn Độ. Ông cũng chia sẻ: "Thất vọng vì tuyên bố hôm nay. Chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh với người nhập cư và làm việc để mở rộng cơ hội cho tất cả mọi người."
Giám đốc điều hành YouTube, Susan Wojcicki, có bố là người nhập cư, đến từ Ba Lan vào năm 1949. Bà viết trên Twitter: "Nhập cư là trung tâm của các câu chuyện của nước Mỹ và nó là trung tâm trong câu chuyện của chính gia đình tôi. Gia đình tôi đã thoát khỏi nguy hiểm và tìm được một ngôi nhà mới ở Mỹ."
H-1B là cơ sở của nguồn cung lao động nước ngoài quan trọng cho các công ty công nghệ.
Phát ngôn viên của Facebook thì cho biết tuyên bố của Trump đang cố gắng tận dụng đại dịch để hạn chế nhập cư nhưng sẽ việc này khiến quá trình phục hồi kinh tế của quốc gia trở nên khó khăn hơn.
Đại diện Twitter thì cho rằng hành động này sẽ làm suy yếu sự đa dạng, thứ vốn được coi là "tài sản kinh tế lớn nhất của nước Mỹ".
"Mọi người từ khắp nơi trên thế giới đến đây để tham gia lực lượng lao động của chúng ta, đóng thuế và đóng góp cho khả năng cạnh tranh toàn cầu của nước Mỹ trên trường quốc tế", Jessica Herrera-Flanigan, phó chủ tịch về chính sách công của Twitter, cho biết trong một tuyên bố.
Uber cũng chỉ trích sắc lệnh này, nói rằng nhập cư giúp thúc đẩy sự đổi mới.
Một nhóm ngành đại diện cho những gã khổng lồ công nghệ như Apple, Google và Facebook thì cho biết động thái này sẽ cản trở khả năng của các công ty công nghệ trong việc đưa ra quyết định về lực lượng lao động.
"Đây là chính sách tồi tệ không thể tin được ở mọi cấp độ", Aaron Levie, CEO của công ty dịch vụ điện toán đám mây Box chia sẻ.
Còn Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ thì cáo buộc chính quyền Trump đang sử dụng đại dịch như một cái cớ để viết lại luật nhập cư.
"Đây không phải là động thái phản hồi với Covid-19 hay phản ứng kinh tế", đại diện liên minh này tuyên bố. "Đó là việc khai thác một đại dịch để đưa ra các chính sách gây chia rẽ và định hình lại luật nhập cư, trong khi thay thế cho Quốc hội."
Tham khảo Cnet