Tên gọi ở Mỹ là như vậy, còn trong thực chất FED là ngân hàng trung ương với chức năng phát hành tiền của nhà nước Mỹ.
FED quan trọng như thế nào ở Mỹ được thể hiện ở chỗ cương vị Chủ tịch FED được coi là quan trọng và quyền lực thứ 2 ở nước Mỹ - chỉ sau tổng thống, vì đồng USD của Mỹ được sử dụng rộng rãi và làm chức năng đồng ngoại tệ dự trữ trên thế giới. Do đó, chính sách của FED và nhân sự lãnh đạo FED ảnh hưởng trực tiếp tới cả thế giới bên ngoài nước Mỹ.
Từ khi còn vận động tranh cử tổng thống, ông Trump đã nhiều lần phê phán nặng nề giám đốc đương nhiệm của FED, bà Janet Yellen - người được tổng thống Barack Obama đề cử, về chính sách tiền tệ lỏng lẻo thể hiện rõ nét nhất ở mặt bằng lãi suất rất thấp và khối lượng tiền tệ rất dồi dào trên thị trường.
Ai cũng hiểu là ông Trump sau khi trở thành tổng thống Mỹ sẽ thay thế bà Yellen. Về sau, cũng có thời điểm ông Trump khen ngợi bà Yellen, làm khuấy động đồn thổi về khả năng ông để cho bà Yellen đảm trách một nhiệm kỳ Chủ tịch FED nữa như truyền thống từ hơn 40 năm nay ở nước Mỹ.
Việc tổng thống chọn người khác chứ không tái bổ nhiệm bà Yellen vào thời điểm này cho thấy ông đang củng cố hình ảnh ở Mỹ về thực hiện cam kết tranh cử.
Tổng thống Trump đề cử ông Jerome Powel làm Chủ tịch FED
Lãnh đạo mới, chính sách không mới
Ban đầu, ứng viên mà ông Trump hướng tới là cựu quốc vụ khanh Bộ tài chính Mỹ John Taylor. Ông Taylor rất nổi danh trong giới kinh tế Mỹ và có hẳn trường phái riêng mang tên mình trong chính sách tiền tệ, cụ thể là gắn chính sách của FED vào những nguyên tắc và tiêu chí nhất định, chẳng hạn như nhịp độ tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp hay mức độ lạm phát giống như theo những công thức nhất định.
Trường phái này khác biệt hẳn định hướng chính sách tiền tệ của bà Janet Yellen là một khi chưa thật sự chắc chắn về chiều hướng và mức độ bền vững của tăng trưởng kinh tế, diễn biến của lạm phát và thị trường lao động thì cứ tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất thấp và khối lượng tiền tệ phong phú trên thị trường.
Ông Trump không lựa chọn ông Taylor mà là ông Jerome Powell, thành viên của Hội đồng Chủ tịch FED từ năm 2012, làm người kế nhiệm bà Yellen.
Ông Powell khác với tất cả những người tiền nhiệm ở chỗ ông không phải là nhà kinh tế học mà là một chuyên gia về ngân hàng đầu tư. Ông trở thành triệu phú nhờ hoạt động trên lĩnh vực ngân hàng đầu tư và trên thực tế là một "bản sao" của bà Yellen về phương diện chính sách tiền tệ và điều hành FED.
Trong Hội đồng Chủ tịch FED, ông Powell chưa một lần biểu quyết trái với chủ ý của bà Yellen. Cho nên với ông Powell, FED chẳng khác gì "có bình mới đựng rượu cũ", và ông Trump chủ ý rõ ràng là thay Chủ tịch FED chứ không thay đổi chính sách của FED.
Thực ra, tổng thống Trump có lợi ích rất thiết thực trong chuyện này.
Jerome Powell là sự đảm bảo cho chính sách tiền tệ với lãi suất thấp và tiền dễ kiếm với giá rất rẻ trên thị trường. Điều này gắn liền với các dự tính của ông Trump trong cuộc cải cách thuế mà ông đang theo đuổi. Trên phương diện này, ông Taylor "khó lay chuyển" hơn nhiều so với ông Powell.
Rủi ro đối với ông Trump là ông Powell là con người của thực tế chứ không phải của lý thuyết kinh tế học, nên suy nghĩ và hành động sẽ không giống như những người tiền nhiệm.
Chính sách tiền tệ của FED vì thế sẽ không gây bất ngờ gì đối với thị trường, và ông Powel bị chi phối bởi thị trường nhiều hơn là bởi chính trị. Do vậy hệ lụy đối với nước Mỹ và thế giới không phải không đáng kể gì.
Mặt khác, nếu muốn làm cuộc cách mạng thật sự ở FED như ông Trump từng nhiều lần tuyên bố thì ông đã bỏ lỡ cơ hội khi đề cử ông Powell, bởi tổng thống không thể truất quyền người này được nữa mà phải đợi đến năm 2022 khi nhiệm kỳ đầu của ông Powell kết thúc, và ông Trump tái đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử vào năm 2020.