Ông Trump đang đưa nước Mỹ đến gần một cuộc chiến toàn những kẻ thua

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Các đối tác bị ảnh hưởng sẽ không để cho Mỹ muốn làm gì thì làm và muốn đối xử với các họ như thế nào cũng được.

Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã một lần nữa thể hiện chủ ý thực hiện cam kết tranh cử và kiên định với khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết" bằng việc ban hành 2 sắc lệnh hành pháp về chính sách thương mại.

Nội dung sắc lệnh thứ nhất là tìm ra nguyên nhân khiến nước Mỹ bị thâm hụt cán cân thương mại dai dẳng suốt nhiều năm, năm ngoái là 502 tỷ USD, và lập danh sách cụ thể những đối tác thương mại và sản phẩm mà theo phía Mỹ đã gây nên mức độ thâm hụt cán cân thương mại lớn đến như vậy để rồi áp dụng những biện pháp trừng phạt tương thích.

Sắc lệnh thứ hai yêu cầu các cơ quan chính phủ liên quan của Mỹ xem xét việc đánh thuế và phạt đối với những mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ mà Mỹ cho rằng được chính phủ nước xuất khẩu trợ giá. Đặc phái viên của chính phủ Mỹ về thương mại Peter Navarro cho rằng Mỹ đã để lọt hàng năm 2,8 tỷ USD thu nhập từ thuế quan và biện pháp trừng phạt này.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross và cả ông Navarro đều vạch mặt chỉ tên các đối tác thương mại hàng đầu mà chính quyền mới ở Mỹ nhằm vào là Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Canada, Mexico, Pháp, Italy...., trong đó đặc biệt là Trung Quốc với xuất siêu 367 tỷ USD, Nhật Bản với xuất siêu 69 tỷ USD và Đức với xuất siêu 65 tỷ USD trong trao đổi thương mại năm ngoái với Mỹ.

Cả hai sắc lệnh này đều chưa phải những quyết sách cụ thể về chính sách thương mại, nhưng đã bao hàm trong đó định hướng cho thời gian tới. Chúng là bảo hộ mậu dịch, là cách gây khó cho đối tác thương mại để thúc đẩy công nghiệp và dịch vụ trong nước phát triển, là dùng rào cản thuế quan và trở ngại thương mại để ngăn cản hàng hoá và dịch vụ nước ngoài xâm nhập vào thị trường Mỹ.

Cách tư duy và tiếp cận của ông Trump và cộng sự rất đơn giản hoặc cố tình theo cách đơn giản là cho rằng vì nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu mà kinh tế Mỹ bị thua thiệt và việc làm ở Mỹ mất đi, mà bên ngoài xuất khẩu được nhiều như thế vào thị trường Mỹ là bởi được nhà nước bù trợ, bởi với giá thấp hơn so với thực tế, tức là bởi cạnh tranh không lành mạnh.

Họ dùng cách lý giải này để biện luận cho chủ nghĩa bảo hộ, cho sự cần thiết, tính đúng đắn và hợp thời của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Họ khai thác triệt để tác dụng dân tuý của những ngôn từ mạnh mẽ dùng để cáo buộc đối tác như "đánh cắp sự thịnh vượng của nước Mỹ" hay "bảo vệ nền công nghiệp Mỹ" hoặc "tạo ra điều kiện công bằng cho người lao động Mỹ".

Với hai sắc lệnh này, ông Trump cho thấy không phải ông chỉ sử dụng chiêu bài đề cao chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch để vận động tranh cử mà còn thực sự nhận thức rằng chủ nghĩa bảo hộ là chìa khoá giúp giải quyết các vấn đề về kinh tế xã hội chứ không chỉ đơn thuần có chuyện thâm hụt cán cân thương mại đối với nước Mỹ.

Ông Trump sẽ được tiếng là thực hiện cam kết tranh cử chứ không phải hứa rồi bỏ đấy và hành động vì "Nước Mỹ trước hết". Giới kinh tế và nền công nghiệp Mỹ có thể được lợi từ việc có lại thị trường nội địa không còn phải cạnh tranh với bên ngoài. Nhưng cái được này chỉ nhất thời.

Ông Trump đang đưa nước Mỹ đến gần một cuộc chiến toàn những kẻ thua - Ảnh 1.

Nước Mỹ có thị trường nội địa lớn và giàu tiềm năng thật nhưng nền kinh tế Mỹ không biệt lập với kinh tế thế giới nhất là khi đồng USD hiện vẫn là đồng tiền chủ đạo trên thế giới và Mỹ vẫn còn bị ràng buộc vào những cam kết khi tham gia những tổ chức và thể chế, khuôn khổ và diễn đàn đa phương trên thế giới về chính trị cũng như kinh tế, tài chính cũng như thương mại, trong đó đặc biệt có Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tức là Mỹ vẫn còn phải tuân thủ luật chơi chung chứ chưa thể manh động tuỳ thích theo ý mình.

Các đối tác bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của Mỹ sẽ không để cho Mỹ muốn làm gì thì làm và muốn đối xử với các họ như thế nào cũng được. Mỹ cần thị trường ở bên ngoài nước Mỹ như các đối tác cần thị trường Mỹ. Đối đầu nhau, thậm chí cả chiến tranh thương mại giữa Mỹ với các đối tác mà xảy ra thì sẽ chỉ có kẻ thua, toàn kẻ thua chứ không có bên nào thắng.

Mỹ buộc các đối tác bên ngoài phải đồng tâm hiệp lực với nhau thực chất hơn nữa để thúc đẩy tự do hoá mậu dịch và toàn cầu hoá.

Có thể họ không tin nhưng cũng có thể họ bất chấp một sự thật là Mỹ thâm hụt cán cân thương mại như thế bởi khả năng cạnh tranh không tương xứng của nền kinh tế, hàng hoá và dịch vụ của Mỹ cũng như bởi toàn bộ nền kinh tế Mỹ đã bị tụt hậu so với bước tiến của toàn cầu hoá và tự do hoá mậu dịch, của hợp tác và liên kết khu vực, châu lục - tất yếu và khách quan.

Thực tế những ngày cầm quyền đầu tiên của ông Trump đã cho thấy cứ phải thất bại rồi thì ông và cộng sự mới tỉnh ngộ, mới bớt duy ý chí và sơ cứng trong tư duy hoạch định chính sách.

Cho nên phía trước nhiều khả năng sẽ là cuộc cọ sát lợi ích quyết liệt giữa Mỹ và các đối tác, giữa chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và pháo đài hoá thị trường với tự do hoá mậu dịch và mở cửa thị trường, giữa cố thủ nội địa và phân công lao động quốc tế trong khoảng thời gian không dài, nhưng cũng sẽ không ngắn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại