Ông Trịnh Xuân Thanh 'phù phép' tiền dự án thế nào để có biệt thự triệu USD trên đỉnh Tam Đảo?

Hoàng Đan |

Theo cáo trạng, bị can Trịnh Xuân Thanh đã dùng nhiều thủ đoạn để tạm ứng 25 tỷ đồng tiền dự án để mua 3.400m2 đất tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) rồi chuyển nhượng lòng vòng để hưởng lợi.

Lấy tiền dự án ra mua 3.400m2 đất Tam Đảo

Ngày 17/11, Viện KSND tối cao đã ban hành cáo trạng vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" và "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Công ty Cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB).

Đồng thời Viện KSND tối cao truy tố ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC) cùng 10 bị can khác.

Ngoài làm rõ hành vi sai phạm trong dự án Ethanol Phú Thọ, cáo trang cũng làm rõ hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của bị can Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Văn Hồng, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Đào Viên trong việc mua 3.400 m2 đất Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

Theo đó, năm 2009 bị can Trịnh Xuân Thanh, chủ tịch HĐQT PVC, bàn bạc với bị can Đỗ Văn Hồng thành lập Công ty cổ phần Đầu tư và xây lắp dầu khí Kinh Bắc (PVC Kinh Bắc). Trong đó, bị can Hồng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PVC Kinh Bắc.

Tháng 8/2009, PVC ký hợp đồng với PVC Kinh Bắc về việc thi công một số hạng mục thuộc dự án Nhà máy Polyester Đình Vũ - Hải Phòng với giá trị tạm tính hơn 131 tỷ đồng.

Trong quá trình PVC Kinh Bắc thực hiện hợp đồng, Trịnh Xuân Thanh đã bàn bạc với Đỗ Văn Hồng tìm mua đất để đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng. Cả hai cùng đi khảo sát và đồng ý mua lô đất 3.400m2 tại thôn 1, thị trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

Ông Trịnh Xuân Thanh phù phép tiền dự án thế nào để có biệt thự triệu USD trên đỉnh Tam Đảo? - Ảnh 1.

Biệt thự tuyệt đẹp trên đỉnh Tam Đảo của Trịnh Xuân Thanh có giá triệu USD, được Thanh chỉ đạo thuộc cấp rút tiền từ dự án PVTex để mua. Ảnh: Tuấn Hợp.

Sau đó, Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Văn Hồng đã bàn bạc thống nhất phương án lợi dụng việc PVC Kinh Bắc đang thực hiện hợp đồng trên, với tư cách Chủ tịch HĐQT PVC, bị can Thanh sẽ chỉ đạo PVC cho PVC Kinh Bắc tạm ứng 25 tỷ để có tiền mua đất.

Tháng 6/2010, tại cuộc họp giao ban công trường xây dựng Nhà máy xơ sợi Polyester Đình Vũ, Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo PVC cho PVC Kinh Bắc tạm ứng 25 tỷ đồng.

Từ chỉ đạo của Trịnh Xuân Thanh, ông Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng giám đốc PVC, đã có bút phê đồng ý với đề nghị tạm ứng tiền của PVC Kinh Bắc.

Ông Nguyễn Huy Hòa, Phó tổng giám đốc PVC và Nguyễn Thanh Sơn, Kế toán trưởng đã ký ủy nhiệm chi chuyển 25 tỷ từ tài khoản của PVC sang PVC Kinh Bắc.

Sau khi được PVC cho tạm ứng 25 tỷ từ ngày 30/6 - 4/10/2010, Đỗ Văn Hồng đã sử dụng gần 23,8 tỷ đồng chuyển cho Công ty Mefrimex để thanh toán tiền mua 3.400m2 đất tại Tam Đảo.

Tháng 7/2010, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 3.400m2 đất tại thôn 1 thị trấn Tam Đảo cho PVC Kinh Bắc.

Sau khi mua được khu đất tại Tam Đảo, Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Văn Hồng đã bàn bạc thống nhất tăng vốn điều lệ của PVC Kinh Bắc từ 50 tỷ lên 150 tỷ đồng.

Ngày 18/8/2010, dù HĐQT PVC chưa họp để xem xét việc tăng vốn điều lệ nhưng Trịnh Xuân Thanh vẫn ký công văn gửi PVC Kinh Bắc với nội dung: "Chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ PVC Kinh Bắc từ 50 tỷ lên 150 tỷ đồng".

Để hợp thức số tiền 25 tỷ đã dùng mua đất, Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Văn Hồng bàn bạc thống nhất chuyển tiền tạm ứng thành tiền góp vốn của PVC tại PVC Kinh Bắc. Ngày 15/12/2010, bị can Thanh chủ trì cuộc họp và kết luận chỉ đạo việc này.

Trịnh Xuân Thanh và việc chuyển nhượng 3.400 m2 đất lòng vòng

Với mục đích sở hữu khu đất 3.400m2, Trịnh Xuân Thanh đã đề nghị Đỗ Văn Hồng chuyển nhượng lại cho mình với giá 23,8 tỷ đồng. Sau đó, bị can Hồng đồng ý.

Để thực hiện, Trịnh Xuân Thanh đã thành lập Công ty Mai Phương và nhờ bố đẻ mình là ông Trịnh Xuân Giới đứng tên chủ sở hữu.

Sau đó, HĐQT PVC Kinh Bắc có Nghị quyết phê duyệt giá chuyển nhượng khu đất. Ngày 10/6/2011, bị can Đỗ Văn Hồng đã ký hợp đồng chuyển nhượng thửa đất 3.400m2 cho công ty Mai Phương.

Tuy nhiên, Trịnh Xuân Thanh đã lợi dụng chức vụ Chủ tịch HĐQT PVC, có sự chi phối ảnh hưởng đến hoạt động của PVC Kinh Bắc nên chỉ trả tiền mua thửa đất trên là 20,8 tỷ đồng còn 3 tỷ đồng không trả.

Đến nay trên hệ thống sổ sách kế toán của PVC Kinh Bắc vẫn hạch toán số tiền 3 tỷ đồng là khoản phải thu của Công ty Mai Phương. Sau khi bị can Hồng hoàn tất thủ tục chuyển nhượng, Sở TN-MT Vĩnh Phúc đã cấp giấy chứng nhận chủ sở hữu cho công ty Mai Phương.

Sau khi nhận chuyển nhượng từ PVC Kinh Bắc, ngày 26/8/205, ông Trịnh Xuân Giới tiếp tục chuyển nhượng toàn bộ công ty Mai Phương gồm cả thửa đất trên cho vợ của Trịnh Xuân Thanh là bà Trần Dương Nga.

Đến tháng 6/2016, vợ của Trịnh Xuân Thanh tiếp tục chuyển nhượng công ty cho ông Kiều Đào Lâm (trú tại Vĩnh Phúc) với giá 45 tỷ đồng.

Tại cơ quan điều tra, ông Trịnh Xuân Giới trình bày xác nhận việc bị can Trịnh Xuân Thanh nhờ đứng tên thành lập công ty Mai Phương là để nhận chuyển nhượng 3.400 m2 đất tại thị trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

Liên quan đến khu đất này, ngày 24/12/2019, cơ quan điều tra đã tiến hành tạm giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng 3.400m2 đất này cấp cho chủ sở hữu là công ty Mai Phương.

Cuối năm 2017, Cơ quan điều tra cũng tiến hành kê biên với biệt thự tại khu đất ở Tam Đảo nói trên của Trịnh Xuân Thanh.

Tháng 6/2018, cơ quan ANĐT- Bộ Công an đã hủy bỏ quyết định này nhưng gửi công văn đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc cùng các đơn vị chức năng tạm ngừng việc giao dịch, chuyển nhượng thửa đất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại