Ông Trịnh Văn Quyết muốn tăng gấp đôi số đường bay nội địa, tăng gấp 4 số đường bay quốc tế dù Bamboo Airways lỗ 1,5 nghìn tỷ trong quý 1/2020

PV |

Mặc dù tình hình kinh doanh chưa thoát khỏi khó khăn, ông Quyết cũng cho biết, Bamboo Airways dự kiến niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam trong quý 4/2020.

Mới đây, trả lời hãng tin Bloomberg, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch hãng hàng không Bamboo Airways cho biết, hãng đang lên kế hoạch đặt mua 60 động cơ GE và các dịch vụ liên quan trong năm 2020, với tổng trị giá 2 tỷ USD nhằm phục vụ đội bay Boeing 787-9 Dreamliner mà hãng đang đặt hàng.

Bamboo Airways cũng sẽ thuê thêm máy bay trong năm nay để phục vụ kế hoạch mở rộng, thay vì mua thêm. Hiện hãng đang vận hành 45 – 50 chuyến bay nội địa/ngày, dự kiến sẽ tăng lên hơn 100 chuyến/ngày vào đầu tháng Sáu, ngang 80% tần suất giai đoạn trước dịch bệnh.

Mặc dù ảnh hưởng từ dịch bệnh buộc Bamboo Airways phải giảm tần suất bay, dẫn tới khoản lỗ hơn 1,5 nghìn tỷ đồng trong quý 1/2020, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 đã cơ bản được chặn đứng tại Việt Nam, Chủ tịch Bamboo Airways đặt mục tiêu hãng sẽ tăng gần gấp đôi số đường bay nội địa, lên con số 60 đường bay cho đến hết năm 2020, và tăng số đường bay quốc tế từ 6 đường bay lên 25. Trong đó, dự kiến đường bay Mỹ sẽ được tái khởi động vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.

Trong một văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam đánh giá cụ thể việc áp dụng các chính sách hỗ trợ ngành hàng không do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bamboo Airways cho biết, dự kiến đến hết tháng 5/2020, hoạt động khai thác của Bamboo Airways đã, đang và sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Theo ước tính, thiệt hại của Bamboo Airways lên đến 4.455 tỷ đồng.

Cụ thể, doanh thu thiệt hại ước tính đối với hoạt động kinh doanh thuê chuyến dự kiến ở mức 701 tỷ đồng. Trong đó, Bamboo Airways và các đối tác phải hủy toàn bộ các hợp đồng thuê chuyến bay từ Đài Loan, Ma Cao, Nhật Bản thiệt hại với giá trị lên đến 384 tỷ đồng. Ngoài ra, Bamboo Airways cũng sẽ phải dừng ký các hợp đồng thuê chuyển bay sang Trung Quốc dự kiến với tổng giá trị 317 tỷ đồng mặc dù đã chuẩn bị đầy đủ nguồn lực.

Mặc dù tình hình kinh doanh chưa thoát khỏi khó khăn, trong bài trả lời Bloomberg, ông Quyết cũng cho biết, Bamboo Airways dự kiến niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam trong quý 4/2020, sau khi từng phải hoãn lại tiến độ do dịch Covid-19 trong quý 2 năm nay.

Trước đó, vào cuối năm 2019, tại buổi roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu, ông Trịnh Văn Quyết công bố đang đàm phán bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, giá không dưới 160.000 đồng/cổ phiếu.

Nếu tính theo mức giá kể trên, vốn hoá của Bamboo sẽ vượt xa mức vốn hoá 1 tỷ USD. Từ tháng 10/2019, lộ trình chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) trong năm 2020 của Bamboo đã được công bố. Theo đó, kế hoạch IPO mã cổ phiếu BAV với mức giá khởi điểm dự kiến 60.000 đồng/cổ phiếu.

Bamboo Airways sau đó công bố Công ty Cổ phần Thẩm định giá và Giám định chất lượng Việt Nam (VIVC) định giá cổ phiếu BAV của công ty ở mức 82.280 đồng/cổ phiếu.

Cũng trong khoảng tháng 11/2019, ông Trịnh Văn Quyết nhấn mạnh kế hoạch tập trung bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài chứ không bán cho nhà đầu tư nhỏ lẻ nhiều.

"Hãng sẽ chào sàn trong năm 2020 và không có ý định bán cổ phiếu (mã BAV) ra bên ngoài, cho cả đối tác trong nước và đối tác nước ngoài vào thời điểm này. Khi nào bán cho nhà đầu tư nước ngoài thì ít nhất 150 ngàn đồng/cổ phiếu chúng tôi mới bán. Còn nếu bây giờ mới bán thì chỉ làm chậm tiến trình chuẩn hóa cũng như phát triển của Bamboo Airways mà thôi" – ông Quyết nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại