Ông Trần Quốc Thuận và câu chuyện muốn nhắn lãnh đạo HN, TPHCM về vỉa hè

Hoàng Đan |

Ông Trần Quốc Thuận đánh giá cao những phát ngôn thẳng thắn của Chủ tịch Chung khi chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng lấn chiếm vỉa hè là do có "chống lưng".

Cần làm rõ ai "chống lưng"

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, thực tế, trong nhiều năm qua, các địa phương đã liên tục có các chính sách, biện pháp, đợt ra quân để giải quyết, lập lại trật tự vỉa hè, đô thị nhưng rồi "đâu lại đóng đó".

"Khi các cơ quan chức năng ra quân rầm rộ thì vỉa hè thông thoáng nhưng cứ sau khi cơ quan chức năng đi thì vỉa hè lại tràn ngập hàng quán, bàn ghế, xe cộ...

Người đi bộ thì phải đi xuống lòng đường và dẫn đến câu chuyện, chúng ta ra luật phạt người đi bộ sai, đi dưới lòng đường nhưng thực tế, vỉa hè không còn chỗ để mà đi", ông Thuận nói.

Từ thực tế đó, ông Thuận đánh giá cao đối với chiến dịch "đòi" vỉa hè đang được TP. HCM thực hiện trong những ngày qua, trong đó, tiêu điểm là Quận 1 với Phó Chủ tịch UBND Đoàn Ngọc Hải.

Đặc biệt, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng thể hiện sự ấn tượng với các phát biểu thẳng thắn của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung khi chỉ ra thực trạng, một trong các nguyên nhân chính của tình trạng lấn chiếm vỉa hè là do "chống lưng".

Theo ông Thuận, điều đáng nói hơn cả là ông Chung không chỉ nói rõ thực trạng mà còn chỉ rõ lực lượng "chống lưng", trong đó, có công an và lực lượng có chức năng quản lý nhà nước về trật tự đô thị.

Ông Trần Quốc Thuận và câu chuyện muốn nhắn lãnh đạo HN, TPHCM về vỉa hè - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

"Điều được Chủ tịch Hà Nội nêu ra là điều mà nhân dân rất hoan nghênh, chính vì có "chống lưng" như vậy nên mới có thực tế, việc giải quyết vấn đề lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, vi phạm trật tự đô thị làm như "bắt cóc bỏ đĩa".

Tôi và người dân, cử tri mong muốn rằng, sau đây, Chủ tịch Chung sẽ có hướng chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ, chỉ ra cụ thể ai là người "chống lưng" và nếu cần thì có thể xử lý kỷ luật, đưa ra khỏi ngành, cơ quan nhà nước những người đã "chống lưng" cho các hành vi lấn chiếm vỉa hè.

Từ đó, sẽ góp phần nhanh chóng "đòi" lại được vỉa hè cho nhân dân", ông Thuận nêu.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng nêu rõ, đối với vỉa hè hiện nay, một câu chuyện thực tế đặt ra rất cần được lưu ý khi, đây là nơi "mưu sinh, nguồn sống của rất nhiều người dân, gia đình".

"Chính ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 khi trả lời trên báo chí cũng cho biết, bố mẹ ông đã buôn bán trên vỉa hè 20 năm và chắc chắn ông cũng như mọi người đều hiểu, vỉa hè là nguồn sống của nhiều gia đình.

Chính vì thế, khi giải quyết vấn đề này, tôi mong lãnh đạo Hà Nội, TP.HCM cần phải có lộ trình cụ thể, các biện pháp để làm sao chuyển đổi, tạo công ăn việc làm mới hoặc có chỗ buôn bán mới, đúng quy định cho người dân.

Thêm vào đó, chúng ta muốn chống tình trạng xe để lấn chiếm vỉa hè, lòng đường thì cần phải có các bãi xe để người dân gửi và nó phải gần các khu vực trung tâm chứ không thể bắt người ta đi bộ cả km mới vào được cửa hàng, khu phố họ cần đến", ông Thuận nói.

Câu chuyện của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Ông cũng kể lại câu chuyện mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi làm Bí thư Thành ủy TP.HCM đã giải quyết đối với vấn đề cải tạo thương nghiệp và cho rằng, lãnh đạo Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có thể áp dụng thêm trong vấn đề "đòi" vỉa hè.

"Khi tiến hành cải tạo công thương nghiệp ở TP Hồ Chí Minh thì nhiều hộ kinh doanh ở các phố được đưa về các vùng kinh tế mới, tuy nhiên, do ở một số vùng, điều kiện rất thiếu thốn, không bằng nơi cũ nên gây ra khó khăn, khiến nhiều người bỏ về.

Biết được việc này, Bí thư Võ Văn Kiệt lúc đó, đã gọi lãnh đạo một số cơ quan lên và cho rằng, trước khi muốn đưa người dân đến vùng kinh tế mới thì hãy đưa bố mẹ của các cán bộ thực hiện chủ trương của thành phố đến đó.

Nếu bố mẹ của những cán bộ đó sống được tốt thì người dân mới sống được. Ở đây, cũng vậy, muốn giải quyết triệt để vấn đề vỉa hè thì cần coi những người buôn bán đó như người thân của mình, để có những chính sách phù hợp, kỹ càng nhất.

Cần quy hoạch những nơi có đủ điều kiện để di chuyển những người buôn bán ở vỉa hè đến đó và khi nơi mới có lợi hơn thì chắc chắn vỉa hè sẽ được thông thoáng...", ông Thuận nêu rõ.

Bên cạnh đó, theo ông Trần Quốc Thuận, trong việc "đòi" vỉa hè cũng cần phải thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật với ba bước.

"Đầu tiên là tuyên truyền nhắc nhở, sau đó, lập biên bản xử lý hành chính và cuối cùng là cưỡng chế, giải tỏa. Khi chúng ta làm thấu tình đạt lý thì người vi phạm sẽ không còn cớ gì để nói được.

Chủ trương "đòi" vỉa hè là chủ trương rất hợp lòng dân nên tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta làm công khai, nghiêm túc, bền vững, có tình, có lý thì sẽ ắt thành công", ông Thuận nhấn mạnh thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại