Trung Quốc bị ông Trump lên án thậm tệ giữa LHQ, ông Tập "phản đòn" thản nhiên

Hải Võ |

Năm nay, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không tới New York để tham dự phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 73.

Tổng thống Donald Trump gần như "chiếm" diễn đàn ĐHĐLHQ để khẳng định chính sách "Nước Mỹ trên hết" (America First) và chỉ trích nhiều quốc gia, bao gồm Trung Quốc, về chính sách thương mại-kinh tế bất công.

Trong khi đó, Trung Quốc không để lại nhiều dấu ấn ở phiên toàn thể năm nay. Ngày 25/9, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới tỉnh Hắc Long Giang ở vùng Đông Bắc nước này để bắt đầu cuộc thị sát.

Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc cần "dựa vào chính mình"

Chiều cùng ngày, ông Tập tới Cục quản lý đất nông nghiệp khai hoang ở Kiến Tam Giang tìm hiểu tình hình sản xuất và thu hoạch lương thực. Khu vực này nằm ở đồng bằng Tam Giang, nơi được coi là "căn cứ" hàng hóa lương thực của Trung Quốc với biệt danh "thủ đô gạo sạch".

Trong chương trình khảo sát sáng 26, ông Tập kêu gọi các lĩnh vực lương thực, các thực thể kinh tế và ngành chế tạo của Trung Quốc "phải dựa vào chính mình", bởi chưa khi nào Trung Quốc tiến gần mục tiêu phát triển "hai 100 năm" gần như thế nhưng cũng chưa khi nào vấp phải nhiều thách thức như hiện nay.

Đề cập chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy và vấn đề phát triển công nghệ, ông Tập nói: "Trên quốc tế hiện nay, các công nghệ tiên tiến và cốt lõi ngày càng khó [để Trung Quốc] nắm được. Chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ đang vươn lên, ép chúng ta phải đi theo con đường tự lực cánh sinh."

"Đây không phải là chuyện xấu," ông cho hay, "bởi Trung Quốc cuối cùng sẽ phải dựa vào chính bản thân mình."

Chuyến công tác của ông Tập Cận Bình là động thái mới nhất của ban lãnh đạo Trung Quốc trong nỗ lực thúc đẩy các nguồn lực trong nước để đẩy mạnh phát triển các ngành nghề và sản lượng nông sản, nhằm ứng phó với nguồn cung bị thiếu hụt do Bắc Kinh áp thuế quan lên một số mặt hàng nông sản Mỹ để trả đũa Washington trong chiến tranh thương mại.

Cũng trong chương trình thị sát, nhà lãnh đạo Trung Quốc còn thăm tập đoàn ô tô Zhongche Jiche, nhấn mạnh ngành chế tạo trang thiết bị là lĩnh vực mũi nhọn của Trung Quốc, với không gian phát triển rất lớn khi nước này khuếch trương sáng kiến "Vành đai, Con đường".

"Cần phải tiếp tục rèn luyện tốt 'nội công', tiếp tục đổi mới cải cách, bảo đảm giữ vững tư thế bất bại, luôn luôn nắm giữ quyền chủ động," ông Tập yêu cầu.

Tổng thống Trump chỉ trích gay gắt chính sách thương mại-kinh tế của Trung Quốc

Thông điệp "tự lực cánh sinh" mà chủ tịch Trung Quốc đưa ra được cho là màn đáp trả nhằm vào bài diễn văn chỉ trích thậm tệ Bắc Kinh mà ông Trump đọc trước ĐHĐLHQ ngày 25.

"Mỹ vừa tuyên bố áp thuế lên 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc. Tôi tôn trọng và quý mến người bạn của tôi, Chủ tịch Tập, nhưng tôi đã nói rõ rồi, sự mất cân bằng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là không thể chấp nhận được. Hành động bóp méo thị trường của Trung Quốc và cách họ xử lý không thể chấp nhận được," ông Trump nói.

Tổng thống Mỹ báo buộc Bắc Kinh lợi dụng nền kinh tế do nhà nước quản lý cùng các công ty quốc doanh để hướng hệ thống theo hướng có lợi cho mình, đồng thời "tham gia vào các hoạt động bán hạ giá sản phẩm, chuyển đổi công nghệ một cách ép buộc và đánh cắp tài sản trí tuệ".

Theo ông Trump, Mỹ đã mất hơn 3 triệu việc làm và 60.000 nhà máy tính từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), với thâm hụt thương mại khiến Mỹ thiệt hại 13.000 tỉ trong vòng hai thập kỷ qua.

"Nhưng những ngày ấy đã qua rồi. Chúng tôi sẽ không chịu đựng sự ngược đãi ấy nữa," ông Trump tuyên bố.

"...Như chính quyền của tôi đã thể hiện, nước Mỹ sẽ luôn hành động dựa trên lợi ích quốc gia."

Ngày 24/9 vừa qua, thuế quan 10% mới nhất do Mỹ áp lên 200 tỉ USD hàng Trung Quốc nhập khẩu sẽ chính thức có hiệu lực và sẽ tăng lên 25% kể từ ngày 1/1 tới. Ông Trump đe dọa có thể đánh thuế lên thêm 267 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc khác nếu Bắc Kinh không xuống thang trong hành động trả đũa của mình.

Đáp trả động thái mới nhất này của Mỹ, chính phủ Trung Quốc đã áp thuế với mức 5% và 10% lên 60 tỉ USD hàng Mỹ, nhưng thâm hụt thương mại lớn giữa hai nước khiến Bắc Kinh không còn nhiều vốn liếng để duy trì cuộc chiến thuế quan với Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại