RT hôm qua, 23/8, đưa tin Tổng thống Putin đã ra lệnh cho Bộ Quốc phòng Nga và các cơ quan khác nghiên cứu mức độ đe doạ từ vụ thử tên lửa mới nhất của Mỹ, đồng thời chuẩn bị kĩ càng để có biện pháp đối phó tương xứng.
Tuyên bố trên của ông Putin được đưa ra vài ngày sau khi quân đội Mỹ hôm 18/8 phóng thử phiên bản mặt đất của tên lửa hành trình Tomahawk. Tên lửa đi được quãng đường hơn 500km, và nhắm trúng mục tiêu giả định.
Loại vũ khí này trước đó từng bị cấm theo Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) mà Nga và Mỹ kí kết năm 1987, nhưng bị “khai tử” hôm 2/8.
Theo ông Putin, Nga biết rõ Mỹ đã phát triển các vũ khí cấm suốt một thời gian dài.
Nay, vì Mỹ không còn bị ràng buộc bởi INF, Moscow sẵn sàng làm mọi thứ để tự bảo vệ mình trước các mối đe dọa mới xuất hiện hoặc đã có từ lâu, Tổng thống Nga cảnh báo.
“Chúng tôi buộc phải đảm bảo an ninh cho người dân Nga, cho đất nước Nga. Chúng tôi đang và sẽ tiếp tục làm điều đó trong tương lai”, ông Putin nói.
Trên thực tế, quân đội Nga đang xây dựng hệ thống vũ khí mới hiện đại, và nỗ lực đó đã được củng cố bằng việc Washington rút khỏi một thỏa thuận kiểm soát vũ khí khác là Hiệp ước tên lửa chống đạn đạo (ABM) năm 2002.
Dù vậy, theo ông Putin, Nga – với ngân sách quân sự nhỏ hơn Mỹ, Trung Quốc, Ả Rập Saudi, Anh, Pháp và Nhật Bản - không bao giờ muốn tham gia một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém, có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Trong những năm gần đây, Nga liên tục lên tiếng về các hệ thống tên lửa của Mỹ, được triển khai tại các quốc gia như Romania, hoặc có khả năng được đưa tới các quốc gia như Ba Lan, nhằm mục đích tấn công. Tuy nhiên, Washington luôn làm ngơ trước những lo ngại này của Moscow.
Trước khi rút khỏi INF, Washington đã cáo buộc Moscow vi phạm hiệp ước bằng cách phát triển tên lửa 9M729, cũng như các bệ phóng và các thiết bị liên quan bị cấm theo hiệp định.
Đáp lại, Moscow cho biết Washington không chứng minh được rằng tên lửa Nga vi phạm thỏa thuận, đồng thời cho rằng Mỹ chỉ nói vậy để tìm kiếm một cái cớ rút khỏi INF.