Sáng 28/6, Tổ đại biểu đơn vị 9, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM và đại biểu HĐND TP.HCM có buổi tiếp xúc cử tri quận 4.
“Ngoại công, nội kích”
Đại diện đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP cho biết, TP.HCM gặp những khó khăn bên trong mà không địa phương nào có, điển hình như vụ việc vi phạm liên quan đến Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Vụ việc này tác động rất lớn đến kinh tế, xã hội của thành phố. Nó cũng tác động đến một bộ phận cán bộ của các cơ quan vì họ sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm.
Trong 6 tháng qua, TP.HCM đã chịu “ngoại công, nội kích”, tăng trưởng chỉ đạt 3,55%.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi
Theo ông Mãi, TP.HCM khó khăn hơn so với nhiều địa phương khác do thành phố có sự ảnh hưởng đồng thời, cùng lúc với khó khăn của nền kinh tế thế giới. Trong khi đó, ở các địa phương khác, việc ảnh hưởng này diễn ra chậm hơn.
“ Trên thị trường thế giới, lượng đơn hàng đã giảm trung bình từ 30 - 50%, cá biệt có một số ngành giảm đến 70%. Đơn hàng giảm khiến cho việc sản xuất, kinh doanh trong nước bị thu hẹp. Công ăn việc làm cũng bị giảm, bị cắt và thu nhập của người lao động cũng bị giảm sâu. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, an sinh xã hội, an ninh trật tự ”, ông Mãi nói.
Mong được "khơi thông" vốn kinh doanh
Tại buổi tiếp xúc cử tri, ông Nguyễn Văn Hưng, cử tri đại diện Hội Doanh nghiệp quận 4 cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp đang rất khó khăn trong khâu sản xuất, kinh doanh do thị trường bị thu hẹp. Khó khăn phổ biến nhất mà doanh nghiệp gặp phải đó là thiếu hụt dòng tiền, không tiếp cận được nguồn vốn vay, các doanh nghiệp không được giải ngân dẫn đến nợ xấu.
Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP.HCM đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 4 ngày 28/6. (Ảnh: Đại Việt)
“ Chương trình kích cầu đầu tư nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường đã được triển khai. Tuy nhiên, đến nay, thành phố vẫn chưa duyệt hỗ trợ lãi suất cho vay theo chương trình kích cầu này khiến cho doanh nghiệp vất vả giải quyết vốn vay với ngân hàng ”, ông Hưng nói.
Theo ông Hưng, thành phố cần quan tâm đến doanh nghiệp nhiều hơn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp có cơ hội phục hồi và tồn tại. Mức lãi suất cho vay cần giảm bằng hoặc thấp hơn so với thời điểm trước khi tăng và ngang bằng hoặc cao hơn một chút so với lạm phát.
Cũng theo ông Hưng, hiện nay, lãi suất cho vay đang “ăn mòn” dòng vốn của doanh nghiệp. Cần mở rộng room tín dụng cho các tổ chức tài chính có tiềm lực tài chính lành mạnh, huy động các nguồn tiền gửi sẵn có, chưa dùng tới của ngân sách Nhà nước để cho vay cũng như “nới rộng” các điều kiện cho vay, tỷ lệ thế chấp, cầm cố tài sản vay.
Cử tri quận 4 nêu ý kiến với các đại biểu. (Ảnh: Đại Việt)
Bà Nguyễn Thị Diệu Linh, cử tri phường 4, quận 4, chia sẻ, hiện nay, "kinh tế đêm" đang được phát triển, ứng dụng rộng rãi với nhiều cách làm và khai thác hiệu quả bao gồm các hoạt động kinh doanh dịch vụ như ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, sự kiện…
Phát triển kinh tế đêm là cách giữ chân khách du lịch lâu hơn, đồng thời thúc đẩy gia tăng chi tiêu của du khách trong thời gian lưu trú. Việc này sẽ làm tăng doanh thu cho nền kinh tế, thúc đẩy sự phát triển du lịch tại địa phương.
Theo bà Linh, để đẩy mạnh kinh tế đêm thì cần triển khai công tác quảng bá cho các điểm đến. Nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch. Vận động các doanh nghiệp cùng chung tay khiển khai chương trình. Triển khai các chương trình biểu diễn định kỳ tại cộng đồng, các khu vui chơi.
Các suất diễn âm nhạc, nghệ thuật, phim ảnh về đêm cần có khung giờ kéo dài hơn nhưng vẫn đảm bảo an ninh. Điển hình như biểu diễn xiếc, ảo thuật, sân khấu tuồng cổ, lễ hội nhạc số…
Ngoài ra, các cử tri cũng đề nghị UBND và HĐND TP.HCM cần tháo gỡ các cơ chế chính sách còn đang “tắc nghẽn” cản trở sự phát triển của thành phố. Cử tri mong muốn thành phố có sự đột phá mạnh mẽ, phát triển có trọng tâm, không dàn trải.
Chia sẻ với cử tri Nguyễn Văn Hưng về việc doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết, từ đầu năm đến nay, tháng nào ông cũng làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và lãnh đạo các ngân hàng thương mại để thực hiện các chủ trương của Trung ương cũng như kết nối với doanh nghiệp tốt hơn.
Lãnh đạo UBND thành phố cũng liên tục làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM để chỉ ra những dự án cụ thể, những vấn đề cụ thể cần giải quyết.
Thành phố và ngành ngân hàng đã phối hợp để giải quyết “uyển chuyển” các quy định của Trung ương. Điển hình như quy định về hạn mức tín dụng, tài sản thế chấp…
“ Ví dụ, một doanh nghiệp có hạn mức vay là 100 tỷ đồng nhưng đang có đơn hàng tốt, điều kiện tốt thì ngân hàng có thể sẽ giải quyết cho vay hơn hạn mức này. Ngoài việc xem xét tài sản thế chấp, định giá tài sản thì ngân hàng sẽ xem sét lịch sử tín dụng, xem xét lượng đơn hàng để điều tiết vốn tốt hơn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tái cơ cấu, xác định đúng nhu cầu tín dụng và chỉ vay khi cần. Điều này cho thấy sự cố gắng rất lớn của ngân hàng và doanh nghiệp trong thời gian vừa qua” , ông Mãi đánh giá.
Theo ông Mãi, hiện ngân hàng có tiền nhưng doanh nghiệp không vay vì lãi suất cao. Do đó, kiến nghị hạ lãi suất của cử tri là rất xác đáng. UBND TP.HCM cũng đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị với Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước về việc này. Việt Nam cũng là một trong những số ít quốc gia đang điều hành lãi suất giảm.
Đối với ý kiến phát triển kinh tế đêm, ông Mãi cho biết, thành phố đang tập trung chương trình kích cầu với 3 trụ cột là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu đang gặp khó, thành phố phải tập trung cho thị trường trong nước. Do đó, trong tháng 7, 8, 9, thành phố sẽ đẩy mạnh khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng nội địa.
Cũng theo ông Mãi, mới đây, Quốc hội đã thông qua chính sách kéo dài thời hạn visa lên 90 ngày, việc này sẽ góp phần phát triển du lịch thành phố. Trước đó, TP.HCM cũng đã có chỉ đạo triển khai phát triển kinh tế đêm và nghiên cứu, phát triển kinh tế vỉa hè.
Ông Lê Văn Chiến, Chủ tịch UBND quận 4 cho hay, trong thời gian qua, UBND quận đã cố gắng tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể, quận phối hợp với các tổ chức tài chính hỗ trợ nguồn vốn khoảng 276 tỷ đồng cho doanh nghiệp. Quận cũng tổ chức nhiều buổi đối thoại với doanh nghiệp để cung cấp thông tin, giải đáp các thắc mắc.
" Chúng tôi cũng duy trì chương trình cà phê với doanh nhân sáng thứ 7 hàng tuần để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp nhằm xem xét, giải quyết cho họ ", ông Chiến nói.