Không chuẩn bị những bài tham luận nhiều trang giấy, bằng tình cảm thật sự của mình dù chỉ đôi ba lần được gặp bác Bảy nhưng những câu chuyện về đạo đức cách mạng của bác vẫn in dấu trong đầu của ông Huỳnh Văn Cang, nguyên Giám đốc Sở Thương binh-Xã hội TP lúc bấy giờ.
Bằng chất giọng run run, chậm chạp vì đau dây thanh quản, ông Cang bồi hồi nhớ về ông Phạm Văn Chiêu mà ông gọi thân mật là bác Bảy. Hội trường im bặt để lắng nghe ông Cang được rõ hơn.
Báo Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu một số câu chuyện về bác Bảy Phạm Văn Chiêu qua lời kể của ông Cang đến với bạn đọc.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm thăm hỏi các đại biểu. Ảnh: L.THOA
* Dành trọn 20 trang hồi ký cho nhân dân
Bác Phạm Văn Chiêu viết 20 trang hồi ký về cuộc kháng chiến chống thực dân nhưng không nêu riêng về mình một trang nào, một dòng nào.
“Đó là điều đáng trân trọng, ai nấy đều hết sức yêu quý bác vì tinh thần chỉ lo việc chung, không bao giờ nghĩ về chuyện riêng của mình” - ông Huỳnh Văn Cang chia sẻ.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Tất Thành Cang (bìa phải) và Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm thăm hỏi các cán bộ lão thành. Ảnh: L.THOA
* Hy sinh con gái, không trao đổi sĩ quan giặc
Bác Bảy có người con gái thứ ba, năm 16 tuổi cô tham gia công tác dân phòng và giao liên thì bị bắt. Khi giặc biết cô là con của bí thư tỉnh ủy, chúng đã gợi ý bác Bảy trao đổi với một sĩ quan của chúng bị quân ta bắt được. Bác Bảy thẳng thừng là không thể được.
“Con gái tôi chỉ là một giao liên, làm sao có thể đi đổi với một sĩ quan của giặc. Nếu tôi quyết việc này thì tôi nói được ai” - bác nói và vì vậy con gái của bác phải ngồi tù hết thời gian mới được ra.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong trao đổi với cán bộ lão thành. Ảnh: L. THOA
* Từ chối tăng lương
Khi bác Bảy về hưu, tổ chức TW đề nghị tăng bậc lương cho bác trước kỳ lương nhưng bác nói: “Thôi lương của tôi cũng đã đủ sống rồi, nên chú ý tăng lương cho những người lương thấp”.
Ông Cang chắc nịch: “Tôi nghĩ chắc chưa có ai đề nghị tổ chức tăng lương mà từ chối tăng lương cho mình”.
* Từ chối nhận nhà công vụ vì… công lao chưa đủ
Khi bác Bảy Chiêu ở ngoài Bắc về, TP.HCM lo nhà cho bác.
Khi định cho bác ở một ngôi nhà số 20 Hàn Thuyên, gần dinh Độc Lập, bác nói: “Nhà này lớn quá, tốt quá, công lao của tôi chưa xứng đáng để nhân dân phải bố trí ở một nhà đẹp như thế này. Tôi về hưu rồi, ở một nhà tầm thường cũng được”.
Vậy nên bác không nhận nhà này mà sau đó xin về ở nhờ nhà của người thân. “Vấn đề chỗ ở là bác lại có đến chín người con mà nhiều người con cũng ở lại TP.HCM, cuộc sống rất khó khăn.
Ấy thế mà bác nghĩ nhà này lớn quá, quá với công lao của bác nên ái ngại không dám nhận, nhưng thực sự công lao của bác đếm sao cho hết” - ông Cang nghẹn ngào.
Ông nói thêm việc từ chối tăng lương, từ chối nhận nhà chứng tỏ đạo đức của bác Bảy hết sức trong sáng, một người tài đức, hết lòng vì dân vì nước.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP. HCM Thân Thị Thư khẳng định, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của ông Phạm Văn Chiêu đã có những cống hiến quan trọng, góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp nghiệp đấu tranh dân tộc, thống nhất đất nước.
Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông, tọa đàm nhằm khẳng định và tôn vinh những đóng góp, cống hiến của ông đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của miền Nam của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Gia Định năm xưa– TP.HCM hôm nay.
Ông đã để lại cho đời, cho thế hệ hôm nay và mai sau nhiều bài học quý báu để vận dụng xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
….
Ông Phạm Văn Chiêu, sinh ngày 16-6-1907 trong một gia đình nông dân ở huyện Mỹ Đức, tỉnh Gia Định (nay thuộc quận 9, TP.HCM). Sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, ông đi dạy và hoạt động yêu nước; sau đó bị thực dân Pháp bắt giam.
Sau khi ra tù, ông trở thành Đảng viên cộng sản và cùng Đảng bộ, nhân dân Gia Định tổ chức thành công cách mạng Tháng Tám, giành chính quyền trên toàn tỉnh.
Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, đảm nhiều nhiều cương vị tại Ban Quan hệ Bắc Nam, Bộ Ngoại giao, Tổng cục Thống kê. Kháng chiến chống Mỹ thành công, ông trở về TP.HCM góp sức xây dựng chính quyền. Ông từ trần ngày 8-9-1992.