“Ông lớn” ngân hàng bắt đầu vào cuộc cạnh tranh phí giao dịch

Linh Linh |

Việc đưa ra các chính sách giao dịch ưu đãi sẽ giúp ngân hàng thu hút và tạo cơ sở khách hàng cá nhân lớn để đẩy mạnh bán chéo sản phẩm, dịch vụ...

Sau khi hàng loạt các ngân hàng thương mại cổ phần công bố triển khai chính sách miễn phí dịch vụ cho khách hàng cá nhân như Techcombank, SeABank, MB hay VIB, thì mới đây, một số “ông lớn” ngân hàng có vốn Nhà nước cũng đã bắt đầu có nhiều động thái thu hút khách hàng.

Vietcombank là một ví dụ. Ngân hàng này mới đây cho ra mắt 4 gói tài khoản mới dành cho khách hàng cá nhân khi giao dịch thẻ và giao dịch trên ngân hàng số VCB Digibank bao gồm VCB Eco, VCB Plus, VCB Pro, VCB Advanced.

Các gói tài khoản bao gồm các dịch vụ ngân hàng thường xuyên và thiết yếu cho khách hàng như: Tài khoản thanh toán; Ứng dụng Ngân hàng số VCB Digibank; Thông báo thay đổi số dư qua tin nhắn OTT (OTT Alert); Thẻ ghi nợ nội địa Vietcombank Connect 24 hoặc Thẻ ghi nợ quốc tế Vietcombank Visa.

Theo đó, khi sử dụng các gói tài khoản này, khách hàng chỉ cần đóng 1 mức phí “trọn gói”, các phí riêng lẻ của từng dịch vụ trong gói đều được hoàn toàn miễn phí như miễn phí chuyển tiền trên VCB Digibank với hạn mức giao dịch lên tới 3 tỷ đồng/ngày; Miễn phí duy trì dịch vụ VCB Digibank; Miễn phí phát hành thẻ ghi nợ nội địa; Miễn phí phát hành và duy trì tài khoản thẻ ghi nợ quốc tế.

Đặc biệt, khi duy trì số dư trên tài khoản thanh toán đáp ứng mức yêu cầu, khách hàng sẽ không phải đóng phí duy trì gói hàng tháng.

Theo giới phân tích, việc đưa ra các chính sách giao dịch ưu đãi sẽ giúp ngân hàng thu hút và tạo cơ sở khách hàng cá nhân lớn để ngân hàng đẩy mạnh bán chéo sản phẩm, dịch vụ. Đặc biệt, cơ sở khách hàng cá nhân thu hút được càng lớn, tài nguyên phát triển các dịch vụ khác, điển hình như môi giới bảo hiểm, càng lớn.

Bên cạnh đó, việc lượng khách hàng gia tăng nhanh chóng cũng đồng nghĩa với việc một lượng tiền lớn được chu chuyển thông qua ngân hàng.

Nhờ đó, ngân hàng sẽ thu hút được lượng lớn tiền gửi không kỳ hạn (CASA) có lãi suất thấp, tạo nguồn kinh doanh chi phí thấp cho nhà băng. Đây cũng là tiền đề giúp ngân hàng cạnh tranh lãi suất cho vay.

Trong năm 2020, thống kê sơ bộ cho thấy, những ngân hàng thương mại dẫn đầu tỷ lệ CASA đều là những thành viên đến từ khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, như Techcombank, MB, MSB..., khi sớm thực hiện các chính sách ưu đãi phí dịch vụ cho cả khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp.

Chính sách phí ưu đãi đang trở lên quan trọng trong cạnh tranh trên thị trường, khi Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt bùng nổ những năm gần đây. Đặc biệt, dịch Covid-19 cũng là "cú hích" đối với nhu cầu giao dịch qua các kênh ngân hàng điện tử.

Theo đó, việc các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cạnh tranh chất lượng dịch vụ và phí sẽ tăng cường lợi ích cho cả hai phí. Cạnh tranh này trở nên mạnh mẽ hơn khi có thêm những "ông lớn" nhập cuộc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại