úng một năm trước, tôi có làm một cuộc trò chuyện vô cùng thẳng thắn với Lê Mạnh Hà khi anh còn đang là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Chúng tôi đã dành 2 tiếng đồng hồ trong một ngày giáp Tết bận bịu để thẳng thắn nói về câu chuyện "con ông cháu cha" mà chính anh, với tư cách con trai của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh cũng là người trong cuộc. Và nhờ sự thẳng thắn của anh, bài phỏng vấn nhận được sự ủng hộ rất lớn từ độc giả. Năm nay Lê Mạnh Hà nhận quyết định nghỉ hưu từ ngày 1.11.2017. Tôi nhắn tin đề nghị anh dành cho Trí Thức Trẻ một bài trò chuyện riêng thật đặc biệt. Và anh đồng ý....
Tô Lan Hương: Vậy là anh đã về hưu, đúng dịp sinh nhật tuổi 60 của anh. Tôi nên nói lời chúc mừng anh, hay nên tiếc nuối cho anh đây?
Ông Lê Mạnh Hà: Chị nên nói lời chúc mừng. Tuy nhiên rất nhiều người đã tiếc nuối khi tôi nghỉ hưu vì đánh giá cao năng lực và phẩm chất của tôi. Tôi rất vui và tự hào về điều đó.
Riêng tôi, tôi thanh thản với việc nghỉ hưu nên đã chủ động thông báo trước vài ngày trên facebook cá nhân. Ít quan chức có facebook và càng ít người hồ hởi đăng tin mình về hưu nên tôi có lẽ đã gây ồn ào chút ít.
Tô Lan Hương: Nhiều người cứ đinh ninh con trai chủ tịch nước Lê Đức Anh nếu đã ra Hà Nội làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thì chắc là phải được cơ cấu cho một vị trí cao hơn sau này. Nhưng con đường chính trị của anh chỉ dừng lại ở đó. Có người bảo khá đáng tiếc khi mà với gia thế của mình, với bằng cấp mà anh có, đúng ra anh có thể tiến xa hơn thế…
Ông Lê Mạnh Hà: Thật ra tôi về hưu đúng tuổi đó chứ. Chỉ có chuyện tôi đã đưa tin trên facebook và tôi là con ai khiến việc về hưu của tôi bỗng nhiên bị chú ý hơn người khác mà thôi.
Nếu quan niệm là với gia thế và bằng cấp thì có thể tiến xa hơn thì hoàn toàn sai. Không ít người nghĩ và hành động như vậy nên vấp ngã. Thăng tiến là phải dựa trên năng lực của mình.
Việc tôi ra Hà Nội làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ mấy năm về trước không hề là một sự toan tính chính trị về sau nào đó như một số người nghĩ. Bởi nếu định toan tính, thì chắc là tôi đã phải toan tính từ rất lâu trước đó rồi chứ chẳng đợi đến tận hôm nay.
Quyết định đó đơn giản là sự phân công của tổ chức, ngoài ra cũng là nguyện vọng của cá nhân tôi. Ba mẹ tôi sống ở Hà Nội trong khi con cháu thì ở cả trong Sài Gòn. Là con trai duy nhất trong nhà, tôi muốn dành thời gian ở bên ông bà những năm cuối đời.
Tô Lan Hương: Ngày anh nhận quyết định nghỉ hưu từ Thủ tướng, tôi thấy trên facebook cá nhân của mình, anh treo một dòng chữ "Về với nhân dân". Bạn bè tôi đã dành cả buổi tối để bàn tán về cái caption đấy...
Ông Lê Mạnh Hà (cười): Họ bàn tán gì thế?
Tô Lan Hương: Đủ thứ cả khen lẫn chê! Chắc tại lời anh nói nghe có vẻ "nguy hiểm"!
Ông Lê Mạnh Hà: Cũng có nhiều người hỏi tôi ý nghĩa của dòng chữ “về với nhân dân”. Các nhóm trên không gian mạng cũng bàn tán sôi nổi.
Tôi từng là bộ đội. Quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Đấy là những điều tôi rõ từ nhỏ và được nhắc nhở hàng ngày trong quân ngũ. Khi làm công chức cũng luôn tâm niệm mình vẫn phải tiếp tục gần dân, vì dân. Tôi luôn nghĩ thế, không phải là khẩu hiệu đâu.
Tiếc là một bộ phận công chức của chúng ta đang xa dân. Tôi ở trong bộ máy có những người xa dân đó, bây giờ tôi về làm dân và về với nhân dân.
Tô Lan Hương: Có nghĩa là anh đã không làm được việc mà anh tâm niệm?
Ông Lê Mạnh Hà: Không chỉ là tôi, nhiều người trong bộ máy của chúng ta chưa làm được việc đó. Có vẻ như bây giờ chính quyền và người dân đang ở hai bên cánh cửa, không phải là đối lập nhưng xa nhau. Cái cơ chế xin-cho là hàng rào ngăn cách công chức với người dân. Người dân phải giao tiếp với chính quyền qua ô cửa cấp phép lạnh lùng và xa cách. Xin-cho tạo ra quyền lực, hình thành nhóm lợi ích và là môi trường cho tham nhũng. Người dân căm ghét tham nhũng và từ đó ác cảm với nhiều người làm chính quyền. Không ít người trong chính quyền đang thu lợi không chính đáng từ cơ chế này.
Tô Lan Hương: Thế tiền anh kiếm được có chính đáng không - ý tôi là trong số tài sản anh tích luỹ được có cái gì do nhận hối lộ mà có?
Ông Lê Mạnh Hà: Chắc chắn là tôi không bao giờ nhận hối lộ. Nhưng thu nhập từ nhận phong bì là có, việc này tôi đã nói ở bài phỏng vấn trước. Và đó là một khoản thu nhập không nhỏ so với đồng lương công chức. [Trong bài phỏng vấn 1 năm trước, khi được hỏi về chuyện giàu nghèo, ông Lê Mạnh Hà có nhắc đến nguồn thu nhập từ phong bì khi đi họp, thứ khiến ông "vừa buồn cười, vừa xấu hổ" nhưng rất khó từ chối, vì nó đã trở thành một "văn hoá" ở Việt Nam- PV]
Còn thì tôi luôn có nguyên tắc của mình: khi giải quyết một việc gì đó, tôi không bao giờ ra điều kiện, không bao giờ đòi hỏi. Mọi quyết định tôi đưa ra đều phải dựa trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Dĩ nhiên, trong khuôn khổ pháp luật, mình có lúc phải vận dụng linh hoạt để mang lại lợi ích cao nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Tô Lan Hương: Đã bao giờ trước một sự việc mà anh biết là sai nhưng do áp lực của cấp trên, anh vẫn đặt bút kí?
Ông Lê Mạnh Hà: Nguyên tắc của tôi là sai thì không làm, bất kỳ cấp nào ép cũng không làm, kể cả cấp cao nhất. Thế mới có chuyện thời tôi làm Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, có những thời điểm, có những vụ việc, một mình tôi một phía, các lãnh đạo thành phố một phía.
Khi tôi chỉ là giám đốc sở, có những việc sai từ cấp trung ương tôi vẫn mạnh dạn và kiên quyết đấu tranh như về trò chơi trực tuyến, truyền hình cáp, đề án 112. Đối với đề án 112, tôi phát hiện cái sai của Văn phòng Chính phủ hồi đó như phần mềm dùng chung, triển khai áp đặt gây lãng phí, người không biết về tin học nhưng chỉ đạo về triển khai tin học hóa. Đề án này sau đó phải dừng lại, một phó chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ phải đi tù.
Tô Lan Hương: Hình như có lần anh từng nói với tôi, anh không được lòng cấp trên...
Ông Lê Mạnh Hà (cười): Nói đúng hơn là tôi không tìm cách lấy lòng cấp trên. Tôi luôn được cấp dưới nể trọng và ủng hộ. Tôi thường đơn độc trong các “trận đánh”, nghĩa là chỉ có tôi và cấp dưới.
Tô Lan Hương: Tôi nghĩ không được lòng cấp trên thì đi đâu cũng khó làm việc!
Ông Lê Mạnh Hà: Mệt mỏi thì không, vì tôi vẫn làm những việc tôi thấy đúng. Mình không lấy lòng cấp trên thì các đề xuất, kiến nghị của mình phải rất chuẩn, đúng quy định và sáng tạo nữa thì sẽ được chấp thuận.
Nhưng mà cũng có lúc tôi có cảm giác chán nản với những người mà nhiều người đang phục vụ họ.
Tô Lan Hương: Những người biết anh đều nói với tôi là anh rất "ngoan": anh không bia rượu, không thuốc lá, không cờ bạc, không mê đàn bà. Chuyện đó có đúng không - vì tôi nghĩ cuộc sống không có bất cứ đam mê gì như thế sẽ tẻ nhạt lắm!
Ông Lê Mạnh Hà (cười tủm): Tôi cũng có những đam mê của riêng mình, nhưng chắc họ không biết đó thôi. Khi có nhiều bạn bè, có công việc yêu thích, đam mê công việc thì không thể gọi là tẻ nhạt được
Tô Lan Hương: Những ngày đầu về hưu, cuộc sống của anh có gì khác?
Ông Lê Mạnh Hà: Không còn phải dậy đi làm đúng giờ, không còn những chồng hồ sơ mang về nhà làm thêm, tôi thanh thản tận hưởng buổi cafe sáng với bạn bè, hoặc chơi môn thể thao mà tôi yêu thích mà không bận tâm về những cuộc họp hay những chuyến công tác trong ngày. Ngày đầu nghỉ hưu, tôi ngồi với bạn bè bên li rượu đến tận khuya, dù bình thường tôi rất ít ngồi lâu. Rất thanh thản!
Tô Lan Hương: Về hưu có làm anh nghèo đi?
Ông Lê Mạnh Hà: Tôi không giàu nhưng tiền tiêu thì không sợ bị thiếu. Mà nhu cầu sống của tôi đơn giản lắm. Ở thành phố Hồ Chí Minh tôi đi một cái xe hơi Deawoo mua 15 năm rồi, giờ không thấy chiếc nào tương tự ở cả 2 thành phố lớn nhất nước. Ở Hà Nội trừ lúc đi xe công vụ, tôi dùng uber hoặc taxi.
Ngày trước mỗi lần bay ra bay vào thành phố Hồ Chí Minh, tôi bay hạng thương gia. Giờ về hưu rồi nếu bay nhiều thì tôi sẽ bay hàng không giá rẻ. Nếu bay ít thì vẫn có thể bay hạng thương gia để tự thưởng cho mình sau những ngày vất vả.
Nên nói chung tôi không có gì lo lắng với quỹ lương hưu của mình.
Tô Lan Hương: Cả đời công chức của mình, anh tích luỹ được những tài sản gì?
Ông Lê Mạnh Hà: Tôi có 2 căn nhà. Một căn nhà tự xây trên đất do quân đội cấp khi tôi là sĩ quan quân đội. Một căn nhà là do vợ chồng tôi cùng tích luỹ để mua. Một căn nữa đã bán để lấy tiền cho con mua nhà. Giờ chúng tôi cho thuê nhà nên cuộc sống cũng không có gì lo toan.
Tô Lan Hương: Nhưng tôi không tin là ba anh chẳng để lại gì cho anh sau ngần ấy năm ông làm Đại tướng và Chủ tịch nước...
Ông Lê Mạnh Hà: Dĩ nhiên là tôi cũng có nhận được đôi chút. Nhưng thật ra lúc ba tôi còn đương chức thì ông lại không hề có tiền. Thời gian ông tại chức chưa có “văn hóa” phong bì. Đến lúc ông về hưu, thì nhiều người đến thăm hỏi ông mỗi dịp lễ tết hay mang phong bì đưa cho mẹ tôi để biếu ông chăm lo sức khỏe. Mẹ tôi dành một phần chia cho con cái những khoản tiền đó (cười). Chỉ thế thôi, chứ không có tài khoản ngân hàng tiền tỉ, không có biệt thự nọ, chung cư kia như chị nghĩ đâu.
Tô Lan Hương: Anh có thông báo cho cha mình chuyện anh nghỉ hưu?
Ông Lê Mạnh Hà: Tôi chỉ nói với ông sau khi đã nhận quyết định nghỉ hưu được vài ngày.
Tô Lan Hương: Và ông phản ứng...
Ông Lê Mạnh Hà: Ông nói một câu ngắn gọn lắm: “Vẫn còn trẻ, vẫn còn năng lực mà nghỉ thì cũng phí…” - và không có ý kiến gì thêm.
Sức khỏe của ba tôi không như trước và những chuyện như chuyện nghỉ hưu của tôi cũng là chuyện rất bình thường với ông nên chẳng cần nói nhiều hơn.
Tô Lan Hương: Tôi luôn rất tò mò về mối quan hệ gia đình anh. Tuổi thơ của anh có khác gì tuổi thơ của một đứa trẻ bình thường khi mà anh có một người cha là quan chức - tướng lĩnh cấp cao?
Ông Lê Mạnh Hà: Ở thời của chúng tôi thì hầu như không có khác biệt gì, tất cả những đứa trẻ sống như nhau, thiếu thốn như nhau, dù xuất thân có "ghê gớm" thế nào đi chăng nữa.
Hồi đó đang là chiến tranh phá hoại miền Bắc, trẻ con Hà Nội thì đi sơ tán, không có bố mẹ theo nên đâu biết ai với ai. Có những lúc cả một đám trẻ con gia đình quân đội chúng tôi ngồi nói chuyện về quân hàm của bố, nhưng chỉ là để vui thôi, để chứng tỏ mình biết đọc quân hàm, chứ không phân biệt gì, có đứa còn chưa biết thiếu tá thì to hơn đại úy. Sau này rất nhiều ông bố lên tướng, những vị tướng nổi tiếng như Đồng Sỹ Nguyên, Vũ Lăng, Phan Hàm, Hồng Cư...
Chỉ có điều, vì ba tôi công tác ở Bộ Quốc phòng đang đi B (đi chiến đấu ở miền Nam) nên mỗi dịp Tết gia đình tôi và gia đình cán bộ quân đội cao cấp đi B khác sẽ được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng mời đến ăn tiệc năm mới. Tôi nhớ là tiệc đó có bánh xu xê ngon lắm, ngày thường chẳng bao giờ được ăn.
Hay như mỗi dịp ba tôi ra Bắc công tác, ông sẽ cho xe lên nơi sơ tán đón tôi về thăm nhà và được ăn “tiểu táo” theo tiêu chuẩn của ông do trạm 83 nấu, nhiều món lắm so với bữa ăn của đám trẻ sơ tán nhưng không là gì so với tiệc bây giờ.
Có lần ra Bắc ông được bố trí ở một ngôi nhà trên đường Phan Đình Phùng cùng với bác Nguyễn Văn Linh. Nấu bếp cho cả 2 ông là một cô người miền Nam, tôi nghe nói là có nấu cho Bác Hồ, nấu cơm ngon lắm, rất nhiều món, ngoài sức tưởng tượng lúc bấy giờ, cả 2 gia đình cùng ăn. Mấy anh em tôi được ăn mấy bữa như thế.
Đó là vài thứ có vẻ là "đặc quyền" mà tôi được hưởng.
Tô Lan Hương: Vậy anh có ý thức được quyền lực của ba mình?
Ông Lê Mạnh Hà: Ba tôi là lính trận. Người ra trận thì có quyền gì ngoài sự hy sinh? Ông ở các chiến trường cho đến năm tôi gần 30 tuổi. Tôi thấy vợ con của người ở chiến trường thiệt thòi hơn người khác.
Đến tận bây giờ tôi vẫn nhìn ba tôi như một người cha bình thường - chứ không nhìn ông như người ta nhìn Chủ tịch nước. Ở nhà, tôi chỉ thấy ở ông hình ảnh một người cha hiền lành như bao người cha khác và đặc biệt không bao giờ can thiệp vào sự lựa chọn của con cái.
Tô Lan Hương: Là con trai của Đại tướng, Chủ tịch nước thì áp lực hay hạnh phúc?
Ông Lê Mạnh Hà: Tôi có hai chị gái và một em gái. Điểm giống nhau của chúng tôi là sống rất đơn giản. Một chị thì theo ngành mẫu giáo, làm hiệu trưởng trường cao đẳng sư phạm mẫu giáo, đã được giới thiệu để làm thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng không nhận, giờ về hưu mở nhà trẻ tư nhân. Một chị làm hàng không, cô em gái út làm hải quan, chỉ là cán bộ cấp phòng, ban. Nhìn vào nghề nghiệp, chức vụ của chúng tôi, chị có nghĩ chúng tôi phải chịu áp lực thành công nào từ cha mình không?
Nhưng chúng tôi tự hào là công dân tốt, là con của vị Đại tướng đã trải qua cả 4 cuộc chiến một cách vinh quang.
Tô Lan Hương: Chẳng nhẽ ba anh không có tham vọng gì, không có yêu cầu gì với anh - người con trai duy nhất?
Ông Lê Mạnh Hà: Tôi nhớ một lần duy nhất, ba tôi nói sau này tôi phải đi nghiên cứu sinh, làm tiến sỹ. Nguyện vọng của ba tôi chỉ có thế thôi đấy!
Thế hệ của ba tôi, đa phần con của các tướng đều được cha hướng vào làm kỹ thuật. Cho nên các trường kỹ thuật đều tập trung con của các lãnh đạo và những sinh viên giỏi là vì thế.
Lúc bấy giờ, nước ta rất chú trọng phát triển vào khoa học-kỹ thuật, cách mạng kỹ thuật là then chốt. Thế nên thế hệ "con ông cháu cha" như tôi thời đó học kỹ thuật là chính, học để làm khoa học, làm kỹ thuật giúp đất nước phát triển lĩnh vực này, không có quan niệm học để làm quan, để thăng tiến. Mà dân kỹ thuật thì hầu như không thành đạt về chức vụ đâu.
Tô Lan Hương: Tôi đọc hồ sơ về anh, phát hiện ra chuyện này: năm 27 tuổi anh mới là Đảng viên. Mà lúc đó ba anh đã là Đại tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Với xuất thân như thế thì thời đó anh vào Đảng khá muộn. Đấy là do anh không chịu phấn đấu, hay tại anh không có gì xuất chúng?
Ông Lê Mạnh Hà: Tại sao phải vào Đảng mới là phấn đấu? Phải là Đảng viên mới là người xuất chúng? Chính quan niệm một thời như thế đã tạo nên phân biệt đối xử giữa Đảng viên với người dân, làm mất cơ hội phục vụ, cống hiến của biết bao người tài giỏi. Không lẽ đại đa số người dân, những người không phải là Đảng viên là bất tài, là những người lạc hậu?
Tôi học trong trường quân đội, trường kỹ thuật của quân đội. Mô hình ra trường là sỹ quan-kỹ sư-đảng viên. Tôi ở trong số không nhiều người chỉ là sỹ quan-kỹ sư. Lúc đó tôi chưa được kết nạp Đảng bởi vì tôi không làm những chuyện gượng ép, hình thức theo phong trào mà khi ấy người ta gọi là phấn đấu. Tôi không thích kiểu phấn đấu đó. Tôi thấy nó buồn cười lắm và tính tôi không ưa bề ngoài, sự giả tạo.
Lúc ra trường, tôi làm việc cật lực và không phấn đấu gì cả. Chỉ một thời gian ngắn sau tôi được kết nạp Đảng vì cấp trên cũng thuộc loại ngang tàng, đánh giá qua bản chất con người, không qua bề ngoài. Nếu ở đơn vị khác thì chắc còn lâu tôi mới được vào Đảng.
Tô Lan Hương: Hình như anh sống rất đủng đỉnh và không có tham vọng...
Ông Lê Mạnh Hà: Nói đủng đỉnh trong công việc thì không đúng vì tôi làm việc nhanh, quyết liệt. Nhưng đủng đỉnh về công danh thì đúng. Có lẽ đó là khiếm khuyết của tôi.
40 tuổi tôi mới chỉ là một công chức bình thường sau khi chuyển ngành từ quân đội ra. Thậm chí tôi xuống chức từ trưởng khoa của trường Hàng Không Việt Nam sang làm chuyên viên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tôi giữ chức vụ giám đốc sở đến 7 năm, rất đủng đỉnh. Trong khi bây giờ có người giữ chức vụ cao chỉ 1-2 năm đã sốt ruột mà muốn thăng tiến thần tốc. Một trong những giai đoạn mà tôi tự hào nhất là làm giám đốc sở, tôi đã làm được biết bao nhiêu chuyện rất đình đám và rất hữu ích. Trong 7 năm làm giám đốc sở tôi không đi nước ngoài một lần nào, rất “lạc hậu”.
Tô Lan Hương: Nhiều người nhận xét anh không có tố chất làm chính trị, có phải chính vì anh không có tham vọng công danh?
Ông Lê Mạnh Hà: Nếu gọi là làm chính trị theo kiểu lá mặt lá trái thì vâng, đúng là tôi không có tố chất ấy. Nhưng làm chính trị một cách chính trực thì tôi có quá nhiều tố chất. Tôi thực lòng nghĩ vậy đấy!
Tóm lại, tôi không phải người đủ gian để làm chính trị kiểu lá mặt lá trái, nhưng thừa chính trực để làm chính trị.
Và tôi có định nghĩa khác về tham vọng và quyền lực: tham vọng của tôi là làm tốt nhất, giỏi nhất công việc của mình.
Tô Lan Hương: Tố chất của anh là?
Ông Lê Mạnh Hà: Tôi thông minh, giải quyết công việc nhanh và rất công tâm, không vụ lợi, không luồn cúi
Tô Lan Hương: Anh nghĩ tại sao ba anh lại nâng đỡ nhiều người khác mà không nâng đỡ con mình? Anh có từng xin ông việc đó?
Ông Lê Mạnh Hà: Sử dụng từ nâng đỡ trong trường hợp này là không chuẩn. Nâng đỡ là giúp cho người không đủ tiêu chuẩn. Ba tôi không nâng đỡ ai, ông đánh giá con người qua công việc và đặt họ vào đúng vị trí. Tất nhiên, có thể ông có những đánh giá nhầm con người cụ thể nào đó, nhưng không phải vì họ nịnh nọt rồi ông nâng đỡ.
Cá nhân tôi, tôi không xin cha mình cái gì bao giờ. Có chăng là khi tôi còn bé, nếu muốn mua gì, tôi thường sẽ xin ba chứ không xin mẹ. Vì những ông bố không bao giờ từ chối con cái những đòi hỏi như thế.
Tô Lan Hương: Thế thì hẳn là ba anh không thích anh đi theo nghiệp quan trường?
Ông Lê Mạnh Hà: Tôi không hỏi nhưng có lẽ trong thâm tâm ông vẫn thích tôi làm về kỹ thuật như ngày xưa.
Người mà có mong muốn tôi thành công về chính trị hơn thật ra lại chính là mẹ tôi. Bà không bao giờ can thiệp, nhưng luôn theo dõi những câu chuyện chính trị. Bà cũng theo dõi cả con đường sự nghiệp của tôi nữa. Mẹ tôi đã luôn nghĩ tôi xứng đáng có được thành công hơn.
Khi tôi ra làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, lúc đó mẹ tôi đã yếu lắm. Mẹ chỉ hỏi một câu: Đã ngồi vào chỗ rồi à? Tôi gật đầu và bà mỉm cười. Bà rất vui vì tôi về gần ông bà. Còn tôi cũng rất vui vì được ở cạnh mẹ những năm cuối đời.
Thật ra tất cả những nhà chính trị ngày xưa như ba tôi không phải họ muốn làm chính trị, mà họ làm cách mạng, sau đó thì được sắp xếp và được đặt vào vị trí đó. Chứ lúc đi làm cách mạng không ai vì một mục đích phải ở các vị trí như thứ trưởng, bộ trưởng.
Cho nên với con cái thì ba tôi cũng nghĩ như thế, không việc gì phải sắp đặt cho con cái cả. Có lẽ đó là cái trong sáng mà ở thời nay mình không tìm được.
Tô Lan Hương: Tôi nghe nói là thời còn ở thành phố Hồ Chí Minh, anh đã từ chối rất nhiều cơ hội thăng quan tiến chức. Tại sao thế?
Ông Lê Mạnh Hà: Đúng là từng có những lời đề nghị tôi ra Hà Nội làm thứ trưởng mà tôi từ chối.
Tô Lan Hương: Lý do là...
Ông Lê Mạnh Hà: Khi đó tôi thấy làm giám đốc sở mình làm được nhiều việc, làm cấp trưởng dù là ở cơ quan bé đến đâu cũng chủ động, tự quyết định được. Làm phó chủ tịch thành phố thì vẫn được gần nhà. Ngoài ra lúc đó ba mẹ tôi tuy ở xa nhưng vẫn còn khỏe.
Tô Lan Hương: Tóm tắt cuộc đời vừa làm công chức vừa làm chính trị, anh thấy anh làm được những gì?
Ông Lê Mạnh Hà: Tôi thấy mình làm được rất nhiều. Tôi đã kể trong bài phóng vấn với chị lần trước và nhiều bài khác. Và tôi tự hào về điều đó.
Tô Lan Hương: Những từ nào miêu tả về con người anh rõ nhất?
Ông Lê Mạnh Hà: Rất thông minh, trong sáng. Tự nói ra như vậy cũng có chút tự cao thì phải…
Tô Lan Hương: Nhược điểm của anh là gì?
Ông Lê Mạnh Hà: Ở vị trí của tôi, nếu tôi mà tận dụng được các lợi thế sẵn có thì có lẽ tôi đã phát triển hơn và có ích hơn.
Tô Lan Hương: Anh đang ân hận đấy à?
Ông Lê Mạnh Hà: Không, tôi tin là nếu mình thực sự giỏi, thực sự tài, không có nghĩa là mình phải làm cho nhà nước mới là đúng vị trí. Mình còn 30 năm nữa để làm việc, để chứng tỏ nữa cơ mà. Và chị sẽ thấy tôi sẽ làm việc không nghỉ trong 30 năm tới - đấy là nếu như tôi còn sống đến lúc đó.
Tô Lan Hương: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này. Tôi rất hy vọng, rất chờ đợi một ngày nào đó sẽ tình cờ gặp anh trên một chuyến bay giá rẻ nào đó...