Thời gian từ ngày 1/10 đến ngày 7/10 không chỉ là tuần lễ vàng kỷ niệm Quốc khánh Trung Quốc mà còn là thời điểm kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Triều Tiên.
Trước đó, vào ngày 2/9, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tiến hành hội đàm với người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong Ho ở Bình Nhưỡng và đạt được sự đồng thuận về các hoạt động kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Chuyến thăm của ông Vương Nghị khiến dư luận bắt đầu suy đoán rằng Chủ tịch Kim Jong Un sẽ thăm Trung Quốc vào ngày kỷ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (6/10). Suy đoán này ngày càng lan rộng và câu trả lời chính thức của Bắc Kinh mới đây càng khiến dư luận liên tưởng mạnh mẽ hơn.
Quan hệ Mỹ-Trung được cho có ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ-Triều. Ảnh: Getty
Chủ tịch Kim Jong Un thăm Trung Quốc vào 6/10?
Vào ngày 27/9, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, một phóng viên Hàn Quốc đã đặt câu hỏi: "Nhân kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Triều Tiên, Chủ tịch Kim Jong Un có phải sẽ sang thăm Bắc Kinh hoặc khu vực đông bắc Trung Quốc không?".
Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đưa ra câu trả lời rất tế nhị khi không phủ nhận cũng không trực tiếp xác nhận. Ông nói: "Điều tôi có thể nói với bạn là, hai đảng, hai nước duy trì truyền thống tốt đẹp về giao lưu hữu hảo, có lợi cho việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực, và cũng có lợi cho việc giải quyết ổn thỏa các vấn đề liên quan".
Đáng chú ý, hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) dẫn nguồn tin thân cận từ Bắc Kinh cho biết, gần đây, các thành phố giáp biên giới Trung-Triều như Đồ Môn, Đan Đông đều đang tăng cường siết chặt an ninh. Điều này dẫn đến suy đoán cho rằng, ông Kim Jong Un có khả năng sẽ sang thăm Trung Quốc, có thể là vào ngày 6/10.
Tờ báo tiếng Hoa Đa chiều dẫn lời một quan chức cấp cao thuộc Đại sứ quán Hàn Quốc ở Trung Quốc tiết lộ, phía Seoul dự đoán khả năng Chủ tịch Kim Jong Un sang thăm Trung Quốc vào ngày 6/10 là rất lớn.
Giới phân tích cho rằng, dự đoán của quan chức Hàn Quốc không phải không có cơ sở, bởi điều này dựa trên sự chuyển đổi của mối quan hệ Mỹ-Triều Tiên.
Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong Un tại Bàn Môn Điếm vào tháng 6 vừa qua, thế cục bế tắc trong đàm phán Mỹ-Triều Tiên đã được phá vỡ và mối quan hệ song phương xuất hiện sự chuyển đổi.
Ông Kim Jong Un đã gửi thư cho ông Donald Trump vào tháng 8, đề xuất cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ ba giữa hai nước và theo truyền thông Hàn Quốc, nhà lãnh đạo Triều Tiên còn gửi lời mời Tổng thống Mỹ tới thăm Bình Nhưỡng.
Vào ngày 12/9, Tổng thống Trump đã bày tỏ sẵn sàng gặp Chủ tịch Kim Jong Un vào cuối năm nay để tái khởi động cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa.
Đến ngày 16/9, tiếp tục phát biểu trước báo chí, ông chủ Nhà Trắng khẳng định quan hệ Mỹ-Triều đang phát triển thuận lợi nhưng từ chối bình luận về thông tin lãnh đạo Triều Tiên gửi lời mời ông tới thăm Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump cũng cho biết, ông chưa sẵn sàng thăm Triều Tiên.
"Tôi sẽ làm vậy vào một thời điểm nào đó trong tương lai và tùy thuộc tình hình thực tế. Tôi chắc chắn rằng ông ấy [Kim Jong Un] cũng muốn đến thăm Mỹ. Tuy nhiên, tôi không cho rằng hai bên đã sẵn sàng", ông nói.
Dấu hiệu tương tác giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong Un cho thấy các cuộc đàm phán Mỹ-Triều sẽ sớm có tiến triển mới.
Trong khi đó, ông Kim Jong Un thường sang thăm Trung Quốc trước mỗi sự kiện quan trọng trên bán đảo Triều Tiên. Ví dụ, ông đã sang Bắc Kinh trước thời điểm diễn ra thượng đỉnh liên Triều lần đầu hồi tháng 4/2018 hay trước thời điểm diễn ra thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tại Singapore hồi tháng 6/2018
Những "thông lệ" như vậy đã vô hình trung làm tăng khả năng chuyến thăm Trung Quốc lần này của Chủ tịch Kim Jong Un.
Tuy nhiên, luồng ý kiến khác cho rằng, khả năng chuyến thăm này không lớn bởi hai yếu tố.
Thứ nhất, thông tin Ngoại trưởng Vương Nghị có hay không gặp Chủ tịch Kim Jong Un nhân chuyến thăm đến Bình Nhưỡng hồi tháng 9 đến nay vẫn rất mập mờ. Với vai trò là Ngoại trưởng Trung Quốc, chuyến thăm thời điểm đó của ông rất có thể nhằm mục đích chuẩn bị cho chuyến thăm Trung Quốc - nếu xảy ra - của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Theo nghi thức ngoại giao, ông Kim Jong Un nên gặp ông Vương Nghị. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông chính thức của cả Trung Quốc và Triều Tiên đều không đề cập đến việc Chủ tịch Kim Jong Un đã gặp Ngoại trưởng Vương Nghị..
Thứ hai, quan hệ Trung-Mỹ được cho có ảnh hưởng đến quá trình đàm phán Mỹ-Triều. Hiện nay, một vòng đàm phán thương mại cấp cao mới giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ được tái khởi động ở Washington trong tuần đầu tiên sau ngày Quốc khánh.
Do ảnh hưởng của quan hệ Trung-Mỹ đối với các cuộc đàm phán Mỹ-Triều nên dù ông Kim Jong Un thực sự muốn gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, thì có thể ông sẽ chờ đến khi Phó Thủ tướng Lưu Hạc kết thúc đàm phán và trở về Trung Quốc, một động thái được cho có thể gây áp lực tới Mỹ về các cuộc đàm phán hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.