Ông Kim Jong Un đảo chiều chính sách hàng thập kỷ của Triều Tiên, chuyên gia nói tình hình nguy cấp

An An |

Triều Tiên "không muốn chiến tranh nhưng sẽ không né chiến tranh" - Chủ tịch Kim Jong Un tuyên bố tại một cuộc họp chính trị vào tháng trước.

Khi xung đột ở Ukraine bước sang năm thứ ba và giao tranh ở Gaza gây ra một cuộc khủng hoảng rộng khắp Trung Đông, bán đảo Triều Tiên cũng đang thu hút sự chú ý của giới quan sát an ninh toàn cầu.

Trong những tuần gần đây, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã thay đổi một số chính sách đối với Hàn Quốc trong nhiều thập kỷ: Tuyên bố sẽ không tìm cách hòa giải và thống nhất với miền Nam bán đảo và gọi Seoul là kẻ thù chính.

Triều Tiên "không muốn chiến tranh nhưng sẽ không né chiến tranh", ông Kim Jong Un tuyên bố tại một cuộc họp chính trị vào tháng trước.

Sự thay đổi chính sách sâu rộng ở quốc gia có năng lực hạt nhân này đi kèm với hàng loạt vụ thử vũ khí tên lửa và lời kêu gọi đẩy nhanh quá trình chuẩn bị chiến tranh nhằm đáp lại “các động thái đối đầu của Mỹ càng thu hút sự quan tâm của quốc tế.

Chia sẻ trên tờ 38north hôm 11/1, hai chuyên gia nổi tiếng Robert Carlin và Siegfred Heckler nhận xét:

"Chúng tôi không biết ông Kim bóp cò [súng] khi nào và bằng cách nào nhưng mối nguy hiểm đã vượt xa những cảnh báo thường lệ ở Washington, Seoul và Tokyo về những hành động... của Bình Nhưỡng".

Ông Kim Jong Un đảo chiều chính sách hàng thập kỷ của Triều Tiên, chuyên gia nói tình hình nguy cấp- Ảnh 1.

Chủ tịch Kim Jong Un phát biểu trong sự kiện kỷ niệm 76 năm thành lập quân đội Triều Tiên hồi đầu tháng này. Ảnh: AP

Nhiều nhà quan sát khác không đồng ý, cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên hiểu rõ bất kỳ động thái quân sự lớn nào nhằm vào Hàn Quốc và đồng minh Mỹ đều có thể gây nguy hiểm ngược lại với Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, những nhà quan sát này cũng bày tỏ lo ngại về nguy cơ căng thẳng leo thang dẫn đến một số hình thức can thiệp quân sự trên Bán đảo Triều Tiên, làm tăng nguy cơ xung đột hạt nhân.

Trong bài báo của hãng tin CNN hôm 15/1, Eul-Chul Lim, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Đại học Kyungnam (Hàn Quốc) nói rằng: "Tình hình trên Bán đảo Triều Tiên đã bước vào giai đoạn rất nguy cấp".

"Với mức độ căng thẳng chung cao, có khả năng xảy ra xung đột ngẫu nhiên do hiểu lầm, đánh giá sai và nhận thức sai lầm, ngay cả khi ông Kim có thể thấy ít lợi ích chính trị hoặc kinh tế trong chiến tranh", ông Lim nói thêm.

Mặt khác, nhiều chuyên gia cho rằng những thay đổi hiện nay từ phía Triều Tiên có thể bắt nguồn từ những lo ngại ngày càng tăng của Chủ tịch Kim Jong Un khi Hàn Quốc và Mỹ tăng cường tập trận và phối hợp quân sự cũng như quan điểm mới của ông về bầu không khí địa chính trị đang thay đổi, đã kéo Bình Nhưỡng đến gần hơn với một đối tác quan trọng là Nga.

Chính sách của Triều Tiên thay đổi lớn

Trong nhiều thập kỷ, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn khẳng định hai miền là thành viên cùng một gia đình với mục tiêu cuối cùng là thống nhất hòa bình.

Hai bên chia cắt từ năm 1953, khi hiệp định đình chiến được ký kết. Trên thực tế, hai miền bán đảo Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.

Các chuyên gia cho rằng, việc coi Hàn Quốc là một quốc gia thù địch sẽ cho phép Triều Tiên dễ dàng lý giải cho việc tiếp tục xây dựng kho vũ khí hạt nhân và tên lửa của mình.

Bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế nặng nề trong những năm gần đây, Triều Tiên vẫn tiếp tục xây dựng kho vũ khí, phát triển các loại vũ khí có thể tấn công tầm xa, không chỉ vươn tới Hàn Quốc và Nhật Bản mà còn cả lãnh thổ Guam của Mỹ và lục địa Mỹ, được coi là cần thiết để ngăn chặn một cuộc tấn công tiềm tàng.

Triều Tiên cũng ngày càng trở nên lo lắng trước mối quan hệ tăng cường giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thúc đẩy các kế hoạch răn đe và phối hợp của hai nước trước các mối đe dọa và phát triển vũ khí của Triều Tiên.

Bao gồm việc mở rộng các cuộc tập trận chung trong khu vực và hợp tác an ninh, bao gồm cả với Nhật Bản, những điều này bị coi là mối đe dọa đối với Triều Tiên.

Ông Kim Jong Un đảo chiều chính sách hàng thập kỷ của Triều Tiên, chuyên gia nói tình hình nguy cấp- Ảnh 2.

Các tàu hải quân Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản trong cuộc tập trận chung vào năm ngoái. Ảnh: Getty

Sự thay đổi chính sách của Triều Tiên cũng có thể liên quan đến quan điểm cho rằng đàm phán với Mỹ không còn là con đường khả thi.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng có thể coi việc bãi bỏ chính sách thống nhất không phải là một bước tiến tới chiến tranh mà là một biện pháp phòng vệ cần thiết.

Chuyên gia Lim cho hay, trong bối cảnh hiện nay, thay vì "nói suông về thống nhất”, ông Kim muốn tập trung nguồn lực vào việc xây dựng kho vũ khí và nền kinh tế, đồng thời hợp tác với các đối tác mới vì lợi ích kinh tế.

Nhiều quan chức Mỹ gần đây cũng nói với CNN rằng, Nhà Trắng không thấy dấu hiệu nào cho thấy Triều Tiên đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công tiềm tàng với Hàn Quốc hoặc một hành động khiêu khích rộng hơn liên quan đến vũ khí hạt nhân.

Bối cảnh quốc tế ảnh hưởng

Theo CNN, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng có thể cảm thấy tự tin hơn về kho vũ khí và các lựa chọn khi quan sát bối cảnh toàn cầu đang thay đổi.

Các chuyên gia cho rằng, ông Kim Jong Un nhận thấy ảnh hưởng của Mỹ đang suy yếu và bị thử thách trong các cuộc xung đột từ Ukraine đến Trung Đông, song song với một Trung Quốc đang trỗi dậy được vây quanh bởi nhiều quốc gia có mối quan hệ căng thẳng với phương Tây.

Chuyên gia Rachel Minyoung Lee thuộc trung tâm nghiên cứu Stimson (Mỹ) nhận định, sự thay đổi chính sách của Triều Tiên đối với Hàn Quốc là một phần trong “sự thay đổi cơ bản và rộng hơn trong chính sách đối ngoại, cụ thể là từ bỏ bình thường hóa quan hệ với Mỹ thông qua phi hạt nhân hóa và chuyển hướng sang Trung Quốc và Nga".

Sự xoay trục đó đã được thúc đẩy mạnh mẽ vào tháng 9/2023, khi ông Kim Jong Un tới thăm Nga.

Các nhà phân tích suy đoán, Nga sẽ hỗ trợ Triều Tiên trong chương trình vệ tinh do thám cũng như xây dựng nền kinh tế.

Trung Quốc, cho đến nay là huyết mạch kinh tế quan trọng nhất của Triều Tiên, vẫn cảnh giác với bất kỳ động thái nào từ Bình Nhưỡng có thể gây bất ổn hoặc thu hút thêm lực lượng Mỹ đến khu vực.

Tuy nhiên, trong bối cảnh bất đồng gia tăng với Washington, Bắc Kinh trong những năm gần đây đã ngăn chặn Mỹ chỉ trích Triều Tiên và đang tìm cách tiếp tục hợp tác với Bình Nhưỡng, đặc biệt là khi nước này xích lại gần Moscow hơn.

Chuyện gì sẽ xảy ra?

Các chuyên gia cảnh báo rằng, bán đảo Triều Tiên có thể sẽ tiếp tục gia tăng căng thẳng gia trong năm nay, khi Washington tăng cường tập trận và hợp tác với các đối tác khu vực.

Làm thế nào để giảm bớt những căng thẳng đó vẫn còn là vấn đề tranh luận, trong đó một số chuyên gia chính sách nhấn mạnh rằng việc phô trương sức mạnh răn đe của Mỹ-Hàn vẫn là biện pháp ngăn chặn tốt nhất trước Triều Tiên.

Chuyên gia Won Gon Park từ Đại học Nữ sinh Ewha ở Seoul thì dự đoán, một khả năng có thể là Triều Tiên sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ bảy, đây sẽ là vụ thử đầu tiên kể từ năm 2017.

Xa hơn nữa, bất chấp những thay đổi sâu rộng, nếu nhà lãnh đạo Triều Tiên nhìn thấy cơ hội để thúc đẩy các mục tiêu lớn hơn bằng cách ngồi lại với Hàn Quốc và Mỹ, ông Kim Jong Un có thể thay đổi chiến thuật trong tương lai.

Chuyên gia Park nhấn mạnh: "Đây là cách xử lý (có thể mong đợi từ) Triều Tiên".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại