Vấn đề năng lượng tại châu Âu
Theo RT, khi nhắc tới tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên tại EU, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nói với các phóng viên rằng: "Châu Âu đang gặt những gì họ gieo".
Theo ông Erdogan, thái độ của các nước đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin và các lệnh trừng phạt sâu rộng áp đặt lên Moscow là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay.
"Tôi nghĩ rằng châu Âu sẽ trải qua mùa đông năm nay với những vấn đề nghiêm trọng. Thổ Nhĩ Kỳ, ở giai đoạn này, không có vấn đề như vậy với nguồn cung cấp khí đốt", ông Erdogan lưu ý.
Tuyên bố của ông Erdogan được đưa ra sau khi Moscow cảnh báo về một "cơn bão toàn cầu khổng lồ" đang có nguy cơ xuất hiện sau các động thái "phi logic và vô lý" của các quốc gia phương Tây. Trong một tuyên bố hôm 5/9, Điện Kremlin lưu ý rằng các lệnh trừng phạt mà Mỹ, EU và các nước khác áp đặt lên Nga đã phản tác dụng và dẫn đến một cuộc khủng hoảng năng lượng sâu rộng cũng như lạm phát kỷ lục trên khắp phương Tây.
Ảnh: Getty Images / Cavan Images
Giá khí đốt tự nhiên tăng lên mức đáng kinh ngạc với hơn 30% vào ngày 5/9 sau khi đường ống Nord Stream 1 của Nga không thể hoạt động trở lại do các vấn đề bảo trì liên quan đến lệnh trừng phạt. Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga, công ty vận hành đường ống, cho biết tuyến đường khí đốt sẽ đóng cửa vô thời hạn sau khi một cuộc kiểm tra phát hiện ra vấn đề kỹ thuật mới với tuabin chính.
Moscow tuyên bố rằng điều duy nhất ngăn đường ống Nord Stream 1 hoạt động hết công suất là các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt, trong khi Gazprom cũng cảnh báo rằng các hạn chế chống Nga đang cản trở việc bảo trì thường xuyên các thiết bị của đường ống.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã cáo buộc Moscow sử dụng nguồn cung cấp năng lượng như một "vũ khí địa chính trị", trong khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố rằng Nga không còn có thể được coi là một đối tác năng lượng đáng tin cậy.
Sự sụt giảm trong thị phần khí đốt của Nga tại Liên minh Châu Âu
Hôm 5/9, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết thị phần khí đốt của Nga trên thị trường Liên minh châu Âu đã giảm mạnh từ 50% xuống còn 9% kể từ đầu năm nay.
Ông Macron nói trong một cuộc họp báo sau cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ông nhấn mạnh rằng cần phải hành động chống lại tình trạng đầu cơ giá năng lượng ở cấp độ EU, đồng thời nói thêm rằng Pháp ủng hộ việc đặt giới hạn giá đối với đường ống dẫn khí đốt của Nga.
Ông Macron nói: "Nếu Ủy ban châu Âu quyết định thiết lập mức trần giá cho khí đốt của Nga được cung cấp thông qua đường ống, Pháp sẽ ủng hộ bước đi này".
Ông nói thêm rằng Pháp sẽ gửi khí đốt đến Đức nếu cần trong khi Đức sẵn sàng cung cấp điện cho Pháp. Ông Macron tiếp tục kêu gọi tắt máy điều hòa không khí khi trời nóng và hạn chế sưởi ở mức 19 độ C trong mùa đông năm nay.
Theo ông Macron, EU đã chuẩn bị sẵn sàng cho mùa đông lạnh giá cũng như việc ngừng cung cấp hoàn toàn khí đốt của Nga.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng "nỗ lực tập thể của phương Tây" là nguyên nhân dẫn đến quyết định đóng cửa các dòng chảy qua đường ống Nord Stream.
Trả lời hãng thông tấn Interfax, ông nói: "Vấn đề bơm khí đốt xảy ra do các lệnh trừng phạt của các nước phương Tây áp dụng đối với đất nước chúng tôi và một số công ty. Không có lý do nào khác có thể gây ra sự cố này".
Công ty khí đốt Gazprom do Nga kiểm soát đã đóng cửa vô thời hạn đường ống Nord Stream sau 3 ngày bảo trì, đổ lỗi cho sự cố rò rỉ dầu tại một tuabin khí giúp bơm nhiên liệu vào đường ống.
Cuối tuần qua, cả Thụy Điển và Phần Lan đã tạo ra các phương án khẩn cấp để giúp các công ty năng lượng trước cảnh giá cả tăng vọt.
Việc này diễn ra sau khi G7 và EU cùng đồng ý về giới hạn giá toàn cầu đối với việc mua dầu của Nga nhằm giảm bớt cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu và cắt giảm doanh thu của Điện Kremlin.
Mặc dù Anh không phụ thuộc nhiều vào Nga về khí đốt, nhưng cuộc khủng hoảng năng lượng có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn khi giá bán buôn dần dần phản ánh vào giá cả tại Anh.