Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Philippines có những thay đổi đáng kể trong chính sách ngoại giao, đặc biệt là với hai nước lớn Mỹ và Trung Quốc.
Háo hức
Khoảng 250 lãnh đạo doanh nghiệp sẽ tháp tùng ông Duterte trong chuyến thăm Trung Quốc.
Điều này cho thấy, Phippines rất háo hức về hợp tác với Trung Quốc trong một loạt lĩnh vực, từ đường sắt, xây dựng đến du lịch, nông nghiệp, điện lực, sản xuất… Bên cạnh việc hợp tác về kinh tế, vấn đề biển Đông cũng sẽ được nêu ra trong chuyến thăm Trung Quốc lần này.
Phát biểu với báo giới ở Davao ngày 16/10, ông Duterte tuyên bố, sẽ không nhượng bộ về vấn đề chủ quyền của Philippines trên biển Đông đối với Trung Quốc.
Ông cũng nói rằng, sẽ nêu vấn đề tranh chấp lãnh thổ và phán quyết của Tòa Trọng tài với các quan chức Trung Quốc.
Trước đó, Tổng thống Philippines nhấn mạnh, sẽ tránh đề cập đến “các vấn đề nhạy cảm” trong chuyến thăm Trung Quốc để tránh “tạo khoảng cách” với các lãnh đạo Bắc Kinh.
Tuy nhiên, ông tiết lộ rằng, sẽ đề nghị Trung Quốc cho phép ngư dân Philippines quay trở lại các ngư trường truyền thống quanh bãi cạn Scarborough, thực thể bị Trung Quốc kiểm soát từ tay Philippines vài năm trước.
Trong khi đó, cuối tuần trước, ông Justice Antonio Carpio, một thành viên của Tòa án Tối cao cảnh báo rằng, ông Duterte có thể bị phế truất nếu không bảo vệ được lãnh thổ Philippines khỏi sự xâm lấn của Trung Quốc, đặc biệt là bãi cạn Scarborough ở biển Đông.
Quan hệ Trung Quốc và Philippines vốn căng thẳng gay gắt từ năm 2012 khi Bắc Kinh kiểm soát bãi cạn Scarborough, khu vực giàu tài nguyên cá trên biển Đông, cách căn cứ Hải quân Mỹ trước đây ở Vịnh Subic 108 hải lý (125 dặm).
Động thái đơn phương này của Trung Quốc khi đó đã buộc Philippines ký thỏa thuận quân sự mới với đồng minh lâu năm của mình là Mỹ năm 2014, cho phép quân đội Mỹ hiện diện nhiều hơn ở các căn cứ chiến lược ngay sát biển Đông.
Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi sau khi ông Duterte lên nắm quyền tháng 6 năm nay. Với một loạt tuyên bố gây sốc, ông Duterte dội gáo nước lạnh vào đồng minh lớn của mình là Mỹ và tuyên bố muốn tạo dựng mối quan hệ thân thiện hơn với Trung Quốc.
Chiến thuật lạ lùng
Các nhà ngoại giao và giới phân tích cho rằng, các tính toán của ông Duterte trong chuyến thăm Trung Quốc là rất mạo hiểm về chiến lược.
Dù ông nói rằng sẽ không nhượng bộ về vấn đề chủ quyền trên biển Đông, nhưng những thỏa thuận mà ông có thể ký kết với Trung Quốc sẽ đánh đổi quan hệ đồng minh với Mỹ để lấy một mối quan hệ chưa từng có với quốc gia mà Manila gần đây vẫn coi là mối đe dọa an ninh chính.
Trefor Moss, phóng viên chuyên theo dõi vấn đề biển Đông ở Manila cho rằng, những tính toán của ông Duterte đã biến Phillipines - một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong khu vực, trở thành một quốc gia ngày càng xa rời Washington, ngả dần về phía Bắc Kinh, nhằm thu lại những lợi ích kinh tế cho mình.
"Động cơ kinh tế đằng sau chiến lược Trung Quốc của ông Duterte là rất dễ hiểu. Ông muốn tiền bạc và công nghệ, kỹ thuật của Trung Quốc để xây dựng cơ sở hạ tầng vốn là vấn đề rất cấp bách đối với Philippines", Moss nói.
Gregory Poling, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ nhận định: "Đó là chiến thuật rất lạ lùng. Với cách hành xử của mình, ông Duterte đang đơn phương từ bỏ lá bài đặt cược duy nhất mà ông có với Bắc Kinh, đó là chiếc ô bảo trợ an ninh của Mỹ".
Giáo sư Zhang Baohui tại Đại học Lingnan ở Hong Kong cho rằng, Trung Quốc sẽ được lợi ích chiến lược rất lớn nếu Philippines ngày càng rời xa Mỹ.
Ông dự đoán Bắc Kinh sẽ chấp nhận một nhượng bộ nhỏ, cho phép ngư dân Philippines quay lại đánh cá ở Scarborough, để đổi lại Trung Quốc sẽ nắm lấy cơ hội vàng thay đổi hoàn toàn cục diện biển Đông, dẫn tới sự sụp đổ một trụ cột quan trọng trong chiến lược biển Đông của Mỹ.
Tờ Defense One (Mỹ) có bài nhận định, với khả năng ông Duterte bất chấp thắng lợi tại Toà Trọng tài khi từ chối nêu vấn đề bãi cạn Scarborough tại cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Philippines coi như đã giao bãi cạn Scarborough cho Trung Quốc để Bắc Kinh hoàn tất chiến lược của mình.
Trong chiến lược quân sự tại biển Đông, Trung Quốc đang cố gắng tạo ra một tam giác chiến lược với ba đỉnh là quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (của Việt Nam) và bãi cạn Scarborough.
Việc xây dựng căn cứ quân sự trên cả ba đỉnh này sẽ giúp Trung Quốc khống chế toàn bộ tuyến đường biển chiến lược trong những thập niên tới.
Trong vài năm gần đây, Trung Quốc đã nhanh chóng xây dựng các cấu trúc nhân tạo cùng cơ sở vật chất quân sự tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Một cấu trúc nhân tạo nữa tại bãi cạn Scarborough sẽ là bước hoàn tất tam giác chiến lược nói trên.
Tất nhiên, Bắc Kinh sẽ không vội tiến hành hoạt động xây dựng tại Scarborough mà sẽ tạm dừng một thời gian để xử lý mối quan hệ với Manila.