Nói ngọng cũng có thể coi như một điều bình thường
Bên hành lang Quốc hội, trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề nói ngọng, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, đây là một kỹ năng sống mà trong nhà trường của chúng ta chưa quan tâm đến.
Tuy nhiên, theo ông Quốc, nguồn gốc của câu chuyện nói ngọng lại chính ở chỗ chúng ta chưa có Luật ngôn ngữ để có quy định ngôn ngữ nói, viết chuẩn quốc gia.
"Hiện tượng nói ngọng, lẫn lộn giữa dấu, phụ âm như n và l… theo tôi, đây là các phương thức, ngôn ngữ, thậm chí văn hóa địa phương nên cũng có thể coi đây như một điều rất bình thường.
Nhưng khi chúng ta có sự thống nhất ngôn ngữ quốc gia thì bên cạnh những cái bình thường đó thì ta phải có một chuẩn mực", ông Quốc nói.
Theo ông Quốc, có thời kỳ chúng ta nói đến tiếng Hà Nội là một chuẩn mực nhưng quan niệm cho rằng, nói ngọng, lẫn lộn dấu, phụ âm cũng là một phần giá trị địa phương và cần tôn trọng bản sắc đó đã dẫn đến tình trạng nói tùy tiện.
Ông lấy ví dụ trên đài tiếng nói, truyền hình quốc gia, việc nói nhiều giọng khác nhau của cả nước một mặt nào đó thì thấy hợp lý, có thể giúp người vùng miền nào cũng được nghe và thể hiện sự bình đẳng văn hóa nhưng mặt khác lại thiếu chuẩn mực.
"Trước kia là tập quán, thông lệ, thói quen nhưng giờ đây, khi tình trạng nói ngọng phát triển thế này thì theo tôi cần có Luật để quy định rõ ràng để tránh sự khác biệt", ông Quốc nêu rõ.
Nhà sử học này cũng nhìn nhận, việc nói ngọng trong thực tế đã gây phản cảm rất nhiều, chưa kể nói đến sự lầm lẫn có thể xảy ra mà nhiều câu chuyện có tính chất như giai thoại hài hước họ nói đến.
""Nào" có thể là từ trong một câu nhưng khi nói ngọng có thể thành "Lào" là tên gọi một quốc gia và ngược lại còn thực tế, chuyện như thế xảy ra rất nhiều nhiều trong đời sống xã hôi.
Vậy thì để chuẩn mực cần có Luật và mỗi nười dân cần có kỹ năng, anh có thể về quê nói chuyện đúng bản địa nhưng khi đi làm, ở chỗ đông thì anh nên cố gắng giữ chuẩn mực chung, nhất là những người của công chúng", ông Quốc bày tỏ.
Ông cũng nhấn mạnh, chúng ta không hề kỳ thị việc nói ngọng nhưng phải có ý thức vì chuẩn mực chung và mỗi người cần có sự phấn đấu, thay đổi lại.
"Tôi chứng kiến rất nhiều người nói ngọng và lẽ ra anh phải có ý thức về việc đó từ lâu rồi. Anh phải tự điều chính và điều đó không phải là một cái tật không thể sửa được.
Ta nhớ câu chuyện, người ta còn ngậm sỏi để nói ở ngoài đại dương để nói được to, lưu loát, vậy tại sao ta không rèn luyện. Tôi thấy những người có ý thức sẽ chuyển, sửa được ngay nhưng dường như đây là do nhận thức cho là bình thường", ông chia sẻ.
Sửa nói ngọng thế nào?
Theo ông Quốc, việc nói ngọng có thể khó sửa nhưng không phải không thể sửa mà cần có sự ý thức của chính những người mắc phải.
"Chúng ta có cách sửa nói ngọng nhưng quan trọng hơn là bản thân mỗi người phải tự ý thức về việc sửa đó, nhất là với những người của công chúng mà nói ngọng thì càng phải theo cái chung chứ không thể coi mình là chuẩn mực rồi bắt người khác theo", ông Quốc nhấn mạnh.
Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, thạc sỹ Nguyễn Vĩnh Kiên (Hà Tây) cho rằng, vấn đề nói ngọng xảy ra ở nhiều địa phương và ngay ở một số vùng của Hà Nội cũng diễn ra thực trạng này.
Về nguyên nhân của việc nói ngọng này, theo thạc sỹ Kiên, có thể do cơ quan phát âm có lỗi bẩm sinh như ngắn lưỡi, đầy lưỡi, khớp cắn ngược, răng mọc lệch có nhiều khe hở... nên khi phát âm bị sai, không rõ.
Một nguyên nhân khác là do lúc học nói, chúng ta sống và tiếp xúc với những người bị nói ngọng nên dần hình thành thói quen hoặc do đôi khi cố tình nói ngọng thành quen miệng.
Nói về vấn đề sửa nói ngọng, thạc sỹ Kiên cho rằng, việc này không hề đơn giản và nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
"Nếu do các vấn đề về lưỡi, răng... thì việc sửa là không thể nhưng nếu do thói quen, sinh sống ở vùng nói ngọng... có thể sửa nhưng nếu không có ý thức, không để ý kỹ thì rất dễ mắc phải.
Ở đây, theo tôi, quan trọng nhất là rất cần xây dựng một bộ ngôn ngữ nói thống nghất, cụ thể trên toàn quốc để có thể có giải pháp cụ thể sửa chữa, khắc phục vấn đề nói ngọng một cách triệt để nhưng trước hết cần nhất là ý thức, sự tự sửa của mỗi người", thạc sỹ Kiên nêu rõ.