Đã đến thời điểm "chín muồi"
Tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng như các đô thị khác trong cả nước đã và đang tiến hành các biện pháp khác nhau nhằm "đòi" lại vỉa hè cho người đi bộ.
Trao đổi với PV, nhà sử học Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội khóa 14 bày tỏ, đây là thời điểm "chín muồi" để giải quyết vấn đề vỉa hè.
- Câu chuyện "đòi" vỉa hè trong những ngày qua ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang nhận được nhiều sự quan tâm. Là người đã gắn bó nhiều năm với Hà Nội, ông nghĩ sao về các biện pháp đang được thực hiện?
Ông Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ vỉa hè là vấn đề quan trọng, dòng chảy của đô thị mà lâu nay chúng ta chưa quan tâm đúng mức và có ý kiến còn cho rằng, trong các văn bản pháp lý cũng chưa có các quy định cụ thể.
Thứ hai trong thời gian rất dài chúng ta buông lỏng quản lý nên có câu chuyện là đã rất nhiều lần ra quân đòi vỉa hè nhưng đều làm theo kiểu "đánh trống bỏ dùi", bởi có những vấn đề rất khó, đặc biệt là giao thông tĩnh.
Chúng ta thấy thời gian qua không chỉ buông lỏng quản lý ở vấn đề xây dựng, làm cho mật độ quá lớn, trong khi hạ tầng rất ít thì còn phát triển quá nhiều phương tiện cá nhân, cho nên, triển khai "đòi" vỉa hè nhưng không làm đến cùng, không có giải pháp triệt để thì lại đâu vào đấy.
Lần này, tinh thần giải quyết vấn đề vỉa hè rất cao và nó cũng đã đến thời điểm chín muồi rồi, bởi tất cả những gì tích tụ bấy lâu nay đã đến lúc không thể không giải quyết.
Việc triển khai mạnh như thời gian qua rất đáng hoan nghênh và chúng ta đã động được vào trong cốt lõi của vấn đề là trách nhiệm của chính quyền địa phương, lực lượng tại chỗ từ chính quyền, công an rồi trách nhiệm cá nhân. Đây là vấn đề rất quan trọng mà những lần trước không đặt ra nhiều.
Muốn đạt được hiệu quả cao hơn, không được duy ý chí mà cần có quy trình cụ thể.
Bên cạnh việc hạn chế đến mức chấm dứt những yếu tố tạo nên hệ lụy này như xây dựng, hạ tầng đường bộ, giao thông công cộng... còn cần thêm biện pháp giải quyết giao thông tĩnh, giải quyết vấn đề phương tiện cá nhân.
Người dân tháo dỡ vi phạm vỉa hè ở Hà Nội.
Các nước cũng sử dụng vỉa hè để kinh doanh
- Một số ý kiến cho rằng, vỉa hè là nơi mưu sinh của một bộ phận dân chúng nên việc thực hiện các giải pháp mạnh, có thể làm ảnh hưởng đến đời sống của họ, cá nhân ông nhìn nhận việc này ra sao?
Ông Dương Trung Quốc: Đó cũng là một cái cần quan tâm đến nhưng nếu cứ buông lỏng thì sẽ nông thôn hóa đô thị hay văn hóa, văn minh đô thị không thực hiện được.
Vì vậy, cần có một lộ trình và tôi cũng muốn nói, vỉa hè không chỉ là nơi đi bộ. Địa điểm nào có hạ tầng thì ta tổ chức để khai thác cũng là chuyện bình thường, bởi các nước tiên tiến thì vỉa hè được sử dụng khá nhiều và giá trị được nâng cao.
Ngồi uống một ly cafe ngoài hiên (giá) cao hơn trong nhà, nhưng phải đảm bảo cho việc đi bộ và những dịch vụ phải theo quy chuẩn cùng với thu các khoản tài chính để bổ sung cho Ngân sách nhằm phát triển đô thị.
Còn như hiện nay, dường như buông lỏng toàn bộ, có dịch vụ nhưng tiền không biết vào túi ai, điều này làm băng hoại chính quyền địa phương cũng như thất thoát cho ngân sách, tạo sự không công bằng.
Cũng phải nói, vỉa hè là phần lớn của người sở hữu mặt tiền, người giàu kinh doanh quán bia, nhà hàng... còn người nghèo không phải đổ xô ra vỉa hè mà người ta chọn con đường, phương thức khác như bán hàng rong hay bán chỗ khuất...
Như vậy, nên bố trí, tổ chức cho họ vào quy củ và từng bước một hạn chế, làm cho người dân không còn coi vỉa hè là con đường sinh sống nữa.
Tôi cũng muốn nhắc lại, Hà Nội thời kỳ trước những năm 50, khi chiến tranh, lúc đó cũng lộn xộn nhưng không hề có buôn bán trên vỉa hè còn hàng rong thì có.
Còn khi đô thị Hà Nội hình thành đầu thế kỷ 20, Pháp đã cho xây 5 tuyến xe điện nối các cửa ô với ngoại ô vào trong đô thị để giúp người nông dân đưa hàng hóa vào dễ dàng.
Và mặt đường dài, rộng bao nhiêu sẽ được cấp phát bấy nhiêu xe kéo, ngoài ra, hàng năm có đấu thầu hẳn hoi chứ không phải ai muốn làm gì thì làm đâu.
Thêm vào đó, việc Pháp cho đánh thuế mái hiên, ban công thì chúng ta cứ tưởng là tận thu nhưng không phải mà quan trọng hơn là họ xác lập được quyền của Nhà nước. Cụ thể là không gian ngoài là của Nhà nước, nếu anh làm mái hiên ra thì phải trả thuế, phí hoặc làm đúng theo quy cách của nó.
Còn ở đây, để che nắng, che mưa, nhiều hộ ở phố cổ làm những mái hiên che đến tận đất, rồi hết ra khoảng không, hạn chế tất cả đi lại như vậy là không được. Hay gờ để dội nước vỉa hè, ngày xưa đã có quy định rõ, nếu sai sẽ phạt ngay.
Chúng ta cần có tầm nhìn quy hoạch chứ như hiện nay, cứ thấy có lợi là làm, không để ý gì cả, xây nhà ùn ùn lên trong khi mặt đường hẹp lại, bán được xe máy cứ bán không cần biết bao nhiêu là đủ.
Lực lượng chức năng tháo dỡ vi phạm vỉa hè ở TP Hồ Chí Minh.
- Ngoài những điều trên, về lâu dài, để giải quyết triệt để vấn đề vỉa hè, chúng ta cần phải làm thêm gì nữa, thưa ông?
Ông Dương Trung Quốc: Đô thị là nơi tứ chiếm thì cần phải có luật pháp. Luật pháp càng mạnh thì càng hiệu quả và nếu nhìn sang các nước thì họ có quy định rất chặt chẽ, phạt rất nghiêm đối với các hành vi vi phạm ở đô thị còn chúng ta thì tùy tiện, để lâu coi là đương nhiên.
Và cũng phải nói rõ, những gì chúng ta làm hiện nay mới chỉ giải quyết được bức xúc của người đi bộ chứ chưa làm cho người dân nhận thức được pháp luật.
Rất nhiều người buôn bán ở mặt tiền đều coi vỉa hè là của họ và đương nhiên được sử dụng, nếu chẳng may, có ai làm gì ở đó là đã ầm ĩ lên rồi. Vì thế, nên làm cho họ hiểu rõ được vỉa hè không phải của họ và chính quyền địa phương chỉ được giao quản lý.
Cho nên muốn làm hiệu quả, khai thác vỉa hè thì phải có các quy định cụ thể của luật pháp.
Luật pháp nên làm cho cụ thể. Ví dụ như, vỉa hè rộng bao nhiêu mét thì mới được kinh doanh. Khi được kinh doanh, thì quy mô, diện tích, loại hình cũng cần cụ thể chứ không thể ở đâu cũng là cơm đầu ghế, quán chợ được.