Ông Donald Trump, ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam đem lại cơ hội như thế nào?

Hoàng Đan |

"Các nhà lãnh đạo của nước lớn đều muốn có sự thay đổi, đổi mới để tạo ra sự phát triển, khăng khít và quan hệ khác biệt hơn với Việt Nam", ông Cường nhấn mạnh.

Tạo quan hệ khác biệt với Việt Nam

Đại biểu Quốc hội, PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội đã trao đổi qua góc nhìn chuyên gia kinh tế xung quanh chuyến thăm Việt Nam, tham dự Hội nghị cấp cao APEC của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình...

Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, ông đánh giá thế nào về chuyến thăm chính thức Việt Nam, tham dự Hội nghị cấp cao APEC của Tổng thống Mỹ Donald Trump ở ngay đầu nhiệm kỳ và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình ngay sau ĐH Đảng CS Trung Quốc lần thứ 19?

PGS.TS Hoàng Văn Cường: Rõ ràng, điều chúng ta nhìn thấy là khác với các đời Tổng thống trước như ông Bill Clinton hay ông Obama đều sang thăm Việt Nam ở cuối nhiệm kỳ thì Tổng thống Donald Trump sang thăm ở ngay đầu nhiệm kỳ.

Điều này cho thấy có sự thay đổi trong thái độ và cách nhìn của nước này với Việt Nam.

Cũng cần giải thích rõ, khi sang thăm ở cuối nhiệm kỳ thì những vấn đề gọi là thị trường chiến lược, quan hệ chiến lược sẽ không được đặt ra mà có thể xem chuyến thăm là tiếp nối quan hệ ngoại giao của các lãnh đạo trước.

Việc Tống thống Mỹ Donald Trump, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và một số nhà lãnh đạo các nước lớn sang thăm chính thức Việt Nam đầu nhiệm kỳ đều chứng tỏ các nước, vị lãnh đạo này đã đặt chúng ta trong quan hệ chiến lược ngay từ đầu chứ không phải duy trì quan hệ như bình thường.

Các nhà lãnh đạo của nước lớn này đều muốn có sự thay đổi, đổi mới để tạo ra sự phát triển, khăng khít và quan hệ khác biệt hơn với Việt Nam.

Đây là cơ hội rất tốt để chúng ta có thể thắt chặt mối quan hệ tốt với các nền kinh tế lớn của thế giới này. Tôi kỳ vọng vào các chuyến thăm cấp cao này.

Sự xuất hiện của Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nhà lãnh đạo nhiều nước lớn, theo ông sẽ đem lại cơ hội như thế nào cho một kỳ APEC ở Việt Nam?

PGS.TS Hoàng Văn Cường: Sự xuất hiện của Tổng thống Donald Trump và rất nhiều các nguyên thủ quốc gia ở các nền kinh tế lớn của thế giới có mặt tại APEC Việt Nam thể hiện hai điều.

Thứ nhất, đó là vai trò, uy tín của Việt Nam trong các nền kinh tế của khu vực đã được khẳng định và các quốc gia, nguyên thủ quốc gia đều quan tâm không phải chỉ APEC mà là APEC tại Việt Nam.

Thứ hai, khi nguyên thủ quốc gia của các nền kinh tế lớn như thế này xuất hiện sẽ hứa hẹn đặt ra được nhiều mối quan hệ song phương giữa Việt Nam với các quốc gia đó.

Tôi rất kỳ vọng kết quả của các cuộc gặp này sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội và là động lực thúc đẩy nền kinh tế trong những năm tới.

Ông Donald Trump, ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam đem lại cơ hội như thế nào? - Ảnh 1.

ĐBQH Hoàng Văn Cường trao đổi với PV.

Nhiều cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam chuyển động nhờ APEC

Là người nghiên cứu về kinh tế, ông có kỳ vọng gì vào sự kiện APEC được tổ chức tại Việt Nam?

PGS.TS Hoàng Văn Cường: Trước hết APEC là nơi hội tụ của các nền kinh tế ở trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Do vậy, đây là nơi kết nối cho rất nhiều mối quan hệ thương mại đã được xác lập từ trước và sau mỗi kỳ APEC đều có những ký kết giữa các quốc gia với nhau cũng như các doanh nghiệp đi kèm với các quốc gia.

Điều này, luôn tạo ra được sự thay đổi đột biến qua các tuyên bố, thỏa thuận được đưa ra.

Đối với APEC 2017 ở Việt Nam, tôi nghĩ chắc chắn sẽ giúp chúng ta có nhiều cơ hội. Thứ nhất, chúng ta nhìn thấy thỏa thuận trước đây về TPP, nếu như không có sự thay đổi của Mỹ đã thành công.

TPP bây giờ chưa hình thành nhưng tất cả các doanh nghiệp và quốc gia cũng sẽ nhìn đến một thỏa thuận nào đó, có thể chưa được như TPP cũng phải có tương đối để tạo ra sự thông thoáng, liên kết giữa các nước trong khu vực..

APEC 2017 sẽ là cơ hội rất tốt để các nước siết lại gần nhau hơn, cái gì mà TPP chưa làm được Hội nghị này sẽ thể hiện.

Viêt Nam đã tham gia APEC 19 năm và nhìn lại quá trình đó, ông thấy, chúng ta đã gặt hái, tận dụng được cơ hội gì từ đây để phát triển kinh tế?

PGS.TS Hoàng Văn Cường: Những lần APEC trước đây, đặc biệt APEC 2006 được tổ chức tại Hà Nội thì sau đó sự chuyển động của kinh tế Việt Nam rất rõ nét.

Trong đó, Việt Nam đã mở được cơ hội để đưa hàng hóa của mình đến các nước trong khu vực APEC. Đặc biệt, chúng ta có nhiều mặt hàng thuộc nhóm mà các nước lớn hay bảo hộ cao như hàng nông sản..., tuy nhiên, thông qua quan hệ APEC, hàng của ta đã có cơ hội tiếp cận, đưa vào.

Những hàng như thủ công, may mặc thường hay có yếu tố cạnh tranh của các nước khác trong việc đánh thuế, tính chi phí, bán phá giá... nhưng chúng ta đã có những thỏa thuận rất tốt và đưa được các mặt hàng này vào.

Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn về môi trường cạnh tranh, năng suất lao động, rào cản kinh doanh.... Vậy, chúng ta cần khắc phục như thế nào để tận dụng cơ hội mới trong dịp APEC lần này, thưa ông?

PGS.TS Hoàng Văn Cường: Theo tôi, cơ hội của APEC lần này đối với Việt Nam có hai yếu tố. Trước hết, chúng ta phải lựa chọn các nhà đầu tư bên ngoài, công nghệ, sản phẩm đưa vào để giúp bản thân nền kinh tế trong nước phát triển.

Đồng thời, thông qua việc chấp nhận lưu chuyển hàng hóa của các nước vào trong nước thì phải đưa ra được các điều kiện để xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.

Hai vấn đề này phải song song với nhau và quá trình thỏa thuận phải đạt được quan hệ, cam kết tương đối chặt chẽ, rõ ràng.

Đứng về quản lý Nhà nước thì sau quá trình thỏa thuận chúng ta hay mắc phải là không đảm bảo các yếu tố về mặt kỹ thuật nên thỏa thuận xong rồi nhưng sản phẩm không đi ra nước ngoài được.

Hay trong nước chúng ta lựa chọn các dòng sản phẩm, nhà đầu tư nhưng lại không đưa ra được tiêu chuẩn kỹ thuật một cách chặt chẽ nên vẫn có thể dễ dàng bị luồng công nghệ kỹ thuật cũ tuồn vào. Do đó, ngoài làm tốt thỏa thuận thì phải nâng cao năng lực về mặt pháp lý, kiểm soát.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

PGS.TS Hoàng Văn Cường trao đổi về các chuyến thăm của Tổng thống Mỹ, Chủ tịch nước Trung Quốc đến Việt Nam, tham dự Hội nghị APEC.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại