Góp ý tại Hội nghị Lấy ý kiến về dự thảo Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035 do Bộ Công thương tổ chức chiều 18/12, ông Phạm Đình Đoàn cho rằng đây là quãng thời gian quá dài, trong khi thị trường thuơng mại đang biến đổi từng ngày.
Ông cũng nói thẳng rằng chiến lược nên xây dựng theo 5 năm một, với sự tham gia nhiều hơn của doanh nghiệp – những người đang trực tiếp hòa cùng hơi thở thị trường.
Mặt khác, thực tiễn bức tranh thương mại này, cụ thể là bán lẻ, đang không hề màu hồng với thực trạng hệ thống phân phối hiện đại đa phần là lỗ.
"Tất cả các siêu thị đều lỗ, các cửa hàng tiện ích càng lỗ. Thương mại điện tử cũng lỗ, doanh nghiệp lớn thì lỗ vài nghìn tỷ đồng, doanh nghiệp nhỏ thì vài trăm tỷ đồng", ông nói và cho biết cuộc đua "đốt tiền" đang diễn ra khốc liệt nhằm tranh giành thị phần.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn giải thích rằng sự quá dồi dào và đa dạng của hàng hoá, cả nội địa và nhập khẩu, tạo ra sự dư tồn của doanh nghiệp buộc họ phải bán chấp nhận lỗ, tạo thành mặt bằng giá thấp cho hầu hết các các siêu thị.
Các doanh nghiệp muốn có lãi phải mua nhiều bán nhiều, mua rẻ bán rẻ. Theo đó, các cửa hàng tiện ích phải có khoảng 300 cửa hàng hay các siêu thị thì phải đạt số lượng từ 20 – 30 mới đạt đến điểm hòa vốn. Do đó, thời điểm gia nhập, phát triển thị trường, hầu hết doanh nghiệp đều gặp khó khăn.
"Trừ rất ít doanh nghiệp có truyền thống lâu đời có lãi, còn doanh nghiệp quy mô nhỏ, chưa có nhiều kinh nghiệm thì lỗ rất nhiều, kể cả doanh nghiệp nước ngoài", ông nói.
Đối với thương mại điện tử, bức tranh này hẳn nhiên không thể nào khá hơn, theo ông Đoàn. Thị trường đã chứng kiến rất nhiều doanh nghiệp hoặc chấp nhận bị khai tử hoặc tồn tại thì cũng đã lỗ hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, tùy thuộc vào quy mô.
Vì vậy, ông chủ Phú Thái cho rằng đây là cuộc chơi nếu các doanh nghiệp Việt Nam không có quá nhiều nguồn lực cũng nên cân nhắc. "Lúc này các doanh nghiệp Việt cứ lao đầu, cứ vì tự hào dân tộc mà làm thì chưa chắc đã là thông minh", ông chia sẻ.
Hiện, đa số doanh nghiệp nội địa đang thiếu tiềm lực tài chính, kinh nghiệm và đặc biệt sức mạnh về quản trị thương hiệu. Trong khi đó, thực tế cho thấy ngay cả các doanh nghiệp ngoại khi xây dựng kế hoạch tại Việt Nam cũng chấp nhận lỗ từ 5 – 7 năm.
"Tôi biết có những siêu thị của Nhật có khi xây dựng chiến lược mục tiêu trong 10 năm chỉ cần hòa vốn. Nguồn lực đầu tư của họ là 2 tỷ USD", ông nói và khẳng định các doanh nghiệp bán lẻ ngoại kêu lỗ là có cơ sở.
"Sau 5 – 10 năm nữa doanh nghiệp Việt Nam có thể mua lại doanh nghiệp nước ngoài", ông nói và cho biết điều này từng và đang diễn ra ở các thị trường các nước. Do vậy, ông Đoàn cho rằng cần có sự linh động, việc mua bán, sát nhập doanh nghiệp là điều rất bình thường, điều qua trọng là phải tính toán được thời điểm tốt nhất cho các doanh nghiệp trong nước.
Ở góc độ vĩ mô, ông Đoàn cho rằng cần có chính sách chung để có thể điều tiết các doanh nghiệp trên thị trường, không phân biệt doanh nghiệp nội, liên doanh hay nước ngoài.
"Chính phủ, Bộ, chỉ nên can thiệp mềm vào hệ thống thương mại đang diễn ra", ông đề xuất và nói rằng đây là cách tốt nhất để hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường trong nước phát triển.