Dữ liệu ban đầu cho thấy biến thể Omicron kháng vắc-xin và dễ lây lan hơn biến thể Delta. Ảnh: AP
Dù vẫn còn tranh cãi về việc liệu virus có phải sinh vật sống hay không nhưng chúng có tiến hóa như các loài sinh vật sống khác. Thực tế này đã trở nên rất rõ ràng trong thời kỳ đại dịch Covid-19 khi các biến thể mới đáng lo ngại lại xuất hiện mỗi vài tháng.
Một số biến thể đã phát triển tốc độ lây nhiễm giữa người với người và trở thành biến thể trội khi cạnh tranh với các phiên bản "chậm chân" hơn của virus SARS-CoV-2. Khả năng lây lan được "nâng cấp" này được cho là bắt nguồn từ các đột biến trong protein, cho phép nó liên kết mạnh hơn với các thụ thể ACE2 trên người. Dù vậy, virus không thể tiến hóa mãi mãi.
Theo các quy luật sinh hóa, cuối cùng virus sẽ tiến hóa một protein đột biến liên kết với ACE2 càng mạnh càng tốt. Do đó, khả năng lây lan của SARS-CoV-2 giữa người với người sẽ không bị giới hạn bởi mức độ virus có thể bám vào bên ngoài tế bào.
Một bệnh nhân Covid-19 trong đơn vị chăm sóc tích cực ở một bệnh viện tại Đức. Ảnh: AP
Các nhân tố khác sẽ giới hạn khả năng lây lan của virus, ví dụ tốc độ sao chép của bộ gien, tốc độ virus có thể xâm nhập vào tế bào người thông qua protein TMPRSS2 và lượng virus mà một người bị nhiễm có thể thải ra. Về nguyên tắc, tất cả những thứ này cuối cùng sẽ phát triển đến hiệu suất cao nhất.
Giả sử Omicron là biến thể có khả năng lây lan tối đa, nó có thể sẽ không tiếp tục đột biến vì bị giới hạn bởi xác suất di truyền - tương tự chuyện ngựa vằn không thể tiến hóa để có thêm đôi mắt ở phía sau đầu để tránh kẻ thù.
Sau khi nhiễm bất kỳ loại virus nào, hệ thống miễn dịch sẽ thích nghi bằng cách tạo ra các kháng thể bám vào virus để vô hiệu hóa nó và tế bào T sát thủ sẽ tiêu diệt các tế bào nhiễm bệnh.
Kháng thể là những mảnh protein dính vào hình dạng phân tử cụ thể của virus và tế bào T sát thủ cũng nhận ra các tế bào bị nhiễm bệnh thông qua hình dạng phân tử. Do đó, SARS-CoV-2 có thể trốn tránh hệ thống miễn dịch bằng cách gây đột biến đủ để hình dạng phân tử của nó thay đổi. Đây là lý do tại sao Omicron thành công trong việc lây nhiễm cho những người có khả năng miễn dịch trước đó.
Mặc dù SARS-CoV-2 đột biến liên tục, không có lý do gì để nghĩ rằng hệ miễn dịch không thể kiểm soát và tiêu diệt nó. Các đột biến cải thiện khả năng lây lan của virus lại không làm tăng tỉ lệ tử vong.
Dữ liệu của Pfizer cho thấy tế bào T sẽ phản ứng với Omicron tương tự như các biến thể trước đó. Điều này phù hợp với nhận định rằng tỉ lệ tử vong vì Omicron thấp hơn ở Nam Phi, nơi hầu hết mọi người đều có khả năng miễn dịch.
Điều quan trọng là việc từng bị nhiễm Covid-19 dường như sẽ làm giảm khả năng bệnh nặng và tử vong. Điều này có nghĩa là dù virus có thể tái tạo và tái nhiễm nhưng bệnh nhân sẽ không bệnh nặng như lần nhiễm đầu tiên.
Omicron sẽ không phải là biến thể cuối cùng nhưng nó có thể là biến thể cuối cùng cần được quan tâm. Nếu chúng ta may mắn, SARS-CoV-2 có thể sẽ trở thành một loại virus đặc hữu, biến đổi từ từ theo thời gian.