Khi đang vui vẻ vì mua một chiếc điện thoại di động mới, bạn sẽ sẵn lòng mua thêm một chiếc vỏ bảo vệ hay ốp lưng cho nó ngay lập tức không? Nếu cảm thấy mệt mỏi khi sử dụng mãi một chiếc ốp lưng điện thoại đã cũ sờn, bạn sẽ lên mạng tìm một chiếc mới ngay khi rảnh rỗi chứ? Trong cả hai trường hợp này, hầu hết mọi người đều sẽ gật đầu đồng ý.
Theo dữ liệu từ NPD, một tổ chức nghiên cứu thị trường nổi tiếng thế giới, 75% người dùng điện thoại thông minh sẽ chọn sử dụng vỏ bảo vệ cho điện thoại di động và 25% người có nhiều hơn một phụ kiện này.
Đây cũng là lý do khiến các công ty sản xuất, kinh doanh vỏ bảo vệ cho điện thoại di động lại có thể ăn nên làm ra đến như vậy. Nhưng cách đây không lâu, khi một công ty chuyên bán phụ kiện di động công bố báo cáo kinh doanh tưởng như rất ít bắt mắt của mình, rất nhiều người đã choáng váng và bất ngờ. Bởi công ty nhỏ này bán được 58,04 triệu chiếc ốp lưng cho điện thoại mỗi năm. Con số này chiếm 4,13% thị phần toàn cầu. Để so sánh thì nó tương đương 1/2 số điện thoại Oppo xuất xưởng hay 1/4 doanh số iPhone bán ra trong năm 2018, theo số liệu của IDC.
Công ty này có tên là Kiệt Mỹ, được thành lập vào tháng 5/2006, có trụ sở ở thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc. Hiện tại, hoạt động kinh doanh chính của nó là các sản phẩm vỏ bảo vệ điện thoại thông minh và máy tính bảng, bên cạnh các loại phụ kiện như nguồn, dây cáp và các sản phẩm khác. Công ty cũng mở rộng thị trường bằng cách kết hợp nhận chế tạo sản phẩm theo đơn đặt hàng riêng của các công ty smartphone (OEM), hay tự thiết kế và bán sản phẩm cho các thương hiệu để họ tự đóng nhãn mác lên (ODM).
Theo thời gian, công ty cũng dần xây dựng một nhãn hiệu sản phẩm của riêng mình, lấy tên X-doria, được định vị cho người tiêu dùng từ trung cấp đến cao cấp. Hiện X-Doria đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền tại 20 quốc gia trên thế giới. Khách hàng chính của nó bao gồm Wal-Mart, Amazon, Target, Best Buy và hơn 100 nhà bán lẻ khác trên toàn cầu. Các sản phẩm này được bán ở nhiều quốc gia và khu vực như Mỹ, Châu Âu và thậm chí cả Việt Nam.
Thương hiệu ốp lưng smartphone X-Doria của công ty đã vươn ra thế giới,
Từ năm 2016 đến 2018, doanh thu của công ty lần lượt là 80, 78 và 93,5 triệu USD. Lợi nhuận ròng tương ứng 4,8 - 5,7 - 8,8 triệu USD. Trong đó, tỷ lệ kinh doanh của ODM/OEM liên tục tăng từ 56,67% lên 71,2%. Riêng năm 2018, công ty xuất xưởng khoảng 58,04 triệu chiếc vỏ bảo vệ điện thoại. Tương ứng với nó là 4,13% thị phần toàn cầu. Điều đáng nói là thị phần của công ty năm 2016 chỉ là 1,53%.
Vậy bí mật đằng sau sự phát triển thần tốc này là gì? Câu trả lời hóa ra không quá phức tạp, bởi Kiệt Mỹ có một người "cha đỡ đầu" mang tên Huawei.
Kể từ năm 2015, tốc độ tăng trưởng của thị trường smartphone đã bắt đầu chậm lại. Do đó, nhu cầu thay thế sản phẩm thứ cấp trở thành động lực chính cho doanh số bán điện thoại di động trung và cao cấp. Cũng vì thế, thành công của công ty bán ốp lưng điện thoại này không thể tách rời 5 khách hàng hàng đầu. Trong số đó, Huawei luôn đứng ở vị trí thứ nhất. Đây là đối tác lớn nhất, mang về doanh số tương ứng 13,7 - 18 - 38 triệu USD cho công ty, chiếm lần lượt 17%, 23% và 41% tổng doanh thu.
Tất nhiên, ban giám đốc của Kiệt Mỹ vẫn "khiêm tốn" cho rằng thành công này phản ánh khả năng nghiên cứu và phát triển mạnh mẽ, quản lý dự án và giao hàng, cũng như kiểm soát chất lượng sản phẩm của đội ngũ nhân viên.
Nhưng nếu nhìn vào các số liệu thì rõ ràng ngoài Huawei, doanh số đến từ các khách hàng lớn về cơ bản vẫn duy trì không đổi trong những năm qua. Và khi hàng loạt khó khăn đang ập tới với Huawei từ ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Trung Mỹ, công ty bán ốp điện thoại này sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thậm chí bị chấm dứt hợp tác từ đối tác thân thiện nhất.
Nhiều công ty Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn do quá dựa dẫm vào Huawei.
Tất nhiên, mỗi công ty đều có nhiều phương án dự phòng. Mảng kinh doanh phụ kiện cho iPhone và iPad vẫn chiếm tỷ trọng đáng kể, bởi giá của các dòng sản phẩm này luôn cao hơn mức trung bình. Tuy nhiên, đi kèm với nó là chi phí nguyên liệu cùng nhân lực tăng cao.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, xu hướng thiết kế màn hình điện thoại đã ngày càng trở nên đa dạng. 3D Touch, màn hình cong, nhiều camera, nhận diện khuôn mặt… các tính năng và thiết kế smartphone luôn thay đổi đòi hỏi mọi công ty sản xuất phụ kiện phải luôn nhanh nhạy để bắt kịp xu hướng tiêu dùng. Chỉ cần lỡ nhịp, thị phần của công ty sẽ tụt dốc không phanh.
Bên cạnh đó, áp lực khác trong lĩnh vực này là yêu cầu cao về quản lý hàng tồn kho, chấp nhận nợ xấu… Việc các smartphone tầm thấp và trung được phát hành liên tục sẽ khiến sản phẩm phụ kiện cũ của công ty gặp rủi ro về giá và bán chậm. Chưa kể, áp lực sẽ ngày càng nhiều hơn đến từ sự cạnh tranh về chất lượng, giá cả và thương hiệu của các sản phẩm cùng ngành.
Có thể nói, Kiệt Mỹ chỉ là một trong số nhiều đại diện cho các công ty Trung Quốc, đã thành công nhờ chỗ dựa vững chắc và Huawei và cũng có thể sẽ lao đao khi cái cây che bóng cho mình bao lâu nay biến mất.
Tham khảo QQ