Tất nhiên rồi, tuyển Việt Nam hôm qua đã chơi một trận xuất thần, với sự tỏa sáng của các ngôi sao, cả đi "du học" trở về, lẫn "của nhà trồng được". Hơn thế nữa, chiến thắng đậm đà đến 5-2, với những bàn thắng tuyệt tác hẳn làm hài lòng bất cứ cổ động viên nào, dù khó tính đến mấy.
Ấy thế mà có người, thậm chí là nhiều người chê vé đắt đấy. Đau lòng, khi đấy lại là những người đang vỗ ngực rằng mình là những cổ động viên chuyên nghiệp và cuồng nhiệt nhất của ĐTQG Việt Nam. Nực cười.
Khoan hãy nói đến chuyện hôm qua tuyển Việt Nam đá xuất thần, đá hay, đá cống hiến, đã mãn nhãn. Quên luôn cái chuyện giá vé rẻ nhất là 100.000 đồng đi. Đem cái mác sinh viên, đem giá vé ra để gây áp lực, để dè bỉu, để dọa "ngồi quán cà phê xem còn hơn" là câu chuyện buồn cười nhất về cổ động viên Việt Nam từng được nghe.
Thực tế đã chứng minh, "vắng mợ thì chợ vẫn đông", ví dụ không có VFS đi nữa, sân Thống Nhất hôm qua chắc chắn vẫn đầy. Có điều, thật ra VFS, họ là cổ động viên, người hâm mộ, người yêu bóng đá Việt Nam vô điều kiện, hay chỉ là những cheerleader - hoạt náo viên, hay đơn thuần là những kẻ cổ vũ thuê?
VFF có lý do của mình khi chấp nhận hỗ trợ cho VFS bằng tiền, chứ nhất quyết không bằng vé, bởi họ đã có quá đủ kinh nghiệm thương đau. VFS không phải là hội cổ động viên Việt Nam duy nhất. Tính sơ sơ, có khoảng 18 hội động viên khác nhau ở thời điểm này. Hỗ trợ tiền thì "cưa đứt đục suốt", chứ bằng vé thì biết bao nhiêu cho đủ, được lần này, lại cày lần sau.
Mười hai năm trước, một hội cổ động viên be bé, của một diễn đàn be bé đã từng may lá cờ tổ quốc có diện tích 600 mét vuông để theo chân đội tuyển cổ vũ. Lá cờ hơn 100kg ấy, từ tiền may - 14,2 triệu đồng, đến ra Bắc, vào Nam, tiền vận chuyển bằng tàu, chở đến sân vận động đều bằng tiền túi của các thành viên tham gia bỏ ra, chẳng cần đòi hỏi.
Ở Manchester (Anh), vừa qua anh chàng cổ động viên Man United James Haggerty đã khiến cả thế giới phải trầm trồ khi tuyên bố: "Tôi ghét bọn Man Xanh đến mức độ không bao giờ thèm ngước mắt lên nhìn bầu trời". Ấy là do áo đấu của Man City có màu xanh da trời.
Còn ở Việt Nam, "may mắn" là năm nay Viettel không thể lên chơi ở V-League, chứ không thì ối người khó xử. Xưa lắm rồi, ở Hà Nội, người ta chỉ có thể yêu Thể Công, hay Công an Hà Nội, chứ chẳng thể yêu cả hai cùng một lúc. Hồi đấy, Thể Công có những cổ động viên sống chết với đội, ngày Thể Công giải tán, đau đớn tưởng chừng như chết đi sống lại.
Cổ động viên trung thành là phần không thể thiếu của bóng đá.
Ấy thế mà ngoảnh đi ngoảnh lại, người ta thấy anh chàng cổ động viên ấy cổ vũ tưng bừng cho Hà Nội T&T, thậm chí khóc nức nở trong cơn nghẹn ngào tột độ ngày Hà Nội T&T giành ngôi vô địch, mới trước đây có 2 tuần. Nhân tiện, chàng ấy cũng là cổ động viên điên cuồng của tuyển Việt Nam.
Nhưng nói đi, thì cũng cần nói lại. Những năm gần đây, bóng đá Việt Nam xuống dốc không phanh, khiến niềm tin của những người yêu bóng đá Việt Nam lung lay dữ dội. Có lúc, những hội cổ động viên như VFS là chỗ cho VFF bấu víu để tìm kiếm sự cổ vũ trên khán đài. Để đến bây giờ, họ quay lại đòi quyền lợi...
Tình yêu không phải là thứ để ngã giá. Tình yêu bóng đá cũng thế, thưa các vị nhân danh tình yêu với bóng đá Việt Nam. Nếu không muốn ra sân, hãy nhường cơ hội cho người khác. Bởi về bản chất, niềm vui được chứng kiến, được chia vui với đội tuyển mới là điều đáng nói, chứ chẳng phải cái mác cổ động viên "xịn", hay chút lợi ích xà xẻo vòi vĩnh mà ra.