Obama vừa rời đi, tại sao nhiều người Việt đã lao vào nhau như thế?

Bùi Hải |

Trong chuyến thăm của TT Obama, chưa bao giờ tôi thấy người Việt đáng yêu đến vậy với khách quý. Nhưng chỉ một ngày sau chuyến thăm của ông, tôi lại thấy nặng trĩu một nỗi buồn.

1. Khi TT Obama sang Việt Nam và nói "xin chào, cảm ơn" bằng tiếng Việt, ông đã làm đẹp lòng bao nhiêu người Việt.

Thế thì tại sao nhiều người Việt lại ném đá không thương tiếc khi Mỹ Linh muốn làm đẹp lòng vị thượng khách Mỹ bằng cách hát Tiến Quân ca theo kiểu Mỹ?

Câu hỏi ấy đã hé lộ những mâu thuẫn, phân hoá về quan điểm, tư duy và cách hành xử của một bộ phận người Việt trên mạng xã hội và trong đời thực.

Câu hỏi ấy, cũng sẽ hé lộ một phần con đường đi đến mục tiêu nước Việt hùng cường.

2. Khi phê phán nặng nề, thậm chí miệt thị Diva Mỹ Linh; khi giận dữ chia thành hai phe bênh - chê, chúng ta có nhớ rằng ngày hôm trước mình còn ngất ngây với lời trích dẫn nhạc Văn Cao (tác giả Quốc ca) của TT Obama:

"Từ đây người biết thương người

Từ đây người biết yêu người"

Ông Obama sẽ nghĩ gì khi thấy nhiều người Việt hiền hoà, thân thiện, nồng nhiệt trên đường phố đón ông, bỗng trở nên khác hẳn trên Facebook: Giận dữ, mắng mỏ, miệt thị, ghét bỏ, thậm chí hung hãn với nhau?

3. Tôi biết, trong số những phản đối cách hát mới của Mỹ Linh, rất nhiều người yêu quốc ca và yêu đất nước như yêu điều thiêng liêng nhất.

Họ phản ứng không phải vì thù ghét Mỹ Linh mà chỉ vì thấy đứa con tinh thần của họ không giống như họ muốn.

Tôi tin rằng, khi được hát cho tổng thống siêu cường số 1 nghe quốc ca của đất nước mình, Mỹ Linh cũng như hàng triệu người dân Việt, cảm thấy vinh dự và tự hào.

Và vì thế, dĩ nhiên, trong ý thức của một ca sĩ chuyên nghiệp, tôi tin cô không thể cẩu thả.

Nếu đã không cẩu thả, thì việc cô có làm thỏa mãn hay không thỏa mãn chúng ta, không đáng bị xem như một cái tội.

Ca sĩ Thái Thuỳ Linh đã muốn bỏ nghề khi thấy đàn chị Mỹ Linh bị vùi dập.

Cô viết: "Người ta có thể thích hay không thích, đồng tình hay không đồng tình cách chị ấy trình bày bài hát, nhưng một số người có cần thiết phải hung hãn miệt thị, lăng mạ, lên án Mỹ Linh kinh khủng đến thế không?

Chỉ vì một người nghệ sỹ đã hát không hay? Vì người đó có cảm thụ âm nhạc khác bạn? Vì người ấy đã không hát theo cách mà bạn hát, theo cách mà bạn quen nghe?

...tài năng và những gì chị ấy cống hiến cho âm nhạc Việt Nam là không thể phủ nhận. Về mặt tuổi tác, tư cách, chị ấy cũng không đáng phải nhận những lời lẽ xúc phạm kinh khủng đến mức ấy".

4. Nếu Văn Cao còn sống, người nhạc sĩ già hiền hoà ấy, hẳn sẽ ngạc nhiên lắm khi thấy người với người có thể lao vào nhau chỉ vì một cách làm mới bài hát của ông.

Đều là con người, nhưng giới nghệ sĩ như Mỹ Linh, còn có trái tim nhạy cảm, dễ tổn thương.

Dù Linh có gặp tai nạn nghề nghiệp như cô ấy nói trong đau đớn, thì chúng ta cũng cần phải "người biết thương người, người biết yêu người" hơn, chứ không phải vùi dập cô thêm một lần nữa.

Thời đại đã thay đổi. Nếu mỗi người Việt chỉ biết hoài niệm về hào quang trong quá vãng, mà không "cải cách tư duy của chính mình", không dám đổi mới, khác biệt, thì sự lớn mạnh của mỗi người và đất nước, chỉ là những khẩu hiệu ghi trên giấy.

Đổi mới có thể thành công, có thể chưa thành công, nhưng bao giờ cũng tích cực hơn những điều thủ cựu, dậm chân tại chỗ.

Nếu là người buông xuôi và nản chí, Mỹ Linh sẽ không bao giờ dám thử nghiệm cái mới - dù cái mới đó nằm trong sở trường và đam mê cả đời của cô: Ca hát.

Đừng quên rằng, cái danh xưng Diva mà chúng ta suy tặng Mỹ Linh, chính là vì nhiều năm ròng cô luôn tiên phong, tìm tòi thể nghiệm cái mới trong âm nhạc.

Và ngày hôm nay, chúng ta lao vào tấn công cô chỉ vì cô vẫn tìm tòi cái mới.

5. Tôi không quen Mỹ Linh, nhưng rất quý Mỹ Linh. Quý không chỉ vì giọng hát đỉnh cao, không chỉ vì đời nghệ sĩ của cô không có vết, mà còn vì những ý kiến thẳng thắn, kịp thời của cô với tư cách một công dân.

Facebook của cô không quá hot, nhưng tin cậy và truyền cảm hứng một cách có trách nhiệm.

Câu chuyện ứng xử với Mỹ Linh, không chỉ là nỗi buồn của cô.

Nhìn rộng ra, có thể nói là nỗi buồn của toàn xã hội, trong một giai đoạn mà mạng xã hội đang có dấu hiệu xoá nhoà đi nhiều điều tốt đẹp và làm tổn thương ghê gớm đến nhiều cá nhân và xã hội.

Chia rẽ, nghi kỵ, thích phán xét, chửi bới, chỉ thích tin xấu, tin mặt trái... đang trở thành một "đặc sản tai hại" của người Việt trên mạng.

Những tin xấu không được kiểm chứng lan nhanh như nấm độc được bơm thuốc kích phọt và khi những ngón tay gõ bàn phím ném đá còn nhanh hơn tốc độ của suy nghĩ tình lý, trái phải, thiệt hơn, thì xã hội càng có nhiều nạn nhân không đáng có.

6. Trong bài phát biểu của mình, TT Obama có một khuyến cáo: "Những kỳ quan thiên nhiên như vịnh Hạ Long hay hang Sơn Đoòng phải được gìn giữ cho con cháu của chúng ta".

Đó là những kỳ quan thiên nhiên tuyệt vời mà người Việt cần phải gìn giữ.

Nhưng đừng quên chúng ta phải gìn giữ được kỳ quan quan trọng hơn cho con cháu, đó là "những kỳ quan trong lòng người": Lòng nhân ái, sự bao dung, biết chấp nhận những tìm tòi khác biệt của người khác, sự đồng thuận, đoàn kết...

Những đứa trẻ lớn lên, ăn cùng ngủ cùng mặt trái nham nhở của mạng xã hội hôm nay, sẽ vận hành một tương lai thế nào, chắc ai cũng cảm nhận được.

7. Câu chuyện về cách hát quốc ca của Mỹ Linh, chỉ là câu chuyện rất nhỏ, vô cùng nhỏ mà chúng ta gặp trên con đường đầy thử thách để đi đến mục tiêu một nước Việt hùng cường.

Nhỏ mà chia rẽ, không đồng thuận thì sao có thể đạt được những thứ lớn lao, kỳ vĩ.

Cuối bài phát biểu của mình, TT Obama lảy hai câu Kiều cực hay:

Rằng trăm năm cũng từ đây.

Của tin gọi một chút này làm ghi".

Nghi kị, chia rẽ, khác biệt lợi ích thì sẽ suy giảm lòng tin. Có lòng tin ở con người thì mới có sự bao dung, chia sẻ, ghé vai cùng gánh vác.

Trong câu cuối cùng của Tiến Quân ca, nhạc sĩ Văn Cao đã đại diện cho thế hệ tiền bối nhắc nhở chúng ta: "Tiến lên, cùng tiến lên, nước non Việt Nam ta, vững bền".

Không thể có một đất nước vững bền và cường thịnh, nếu tất cả người Việt không "cùng tiến".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại