"Obama đã tạo ra một thứ không ai làm được: Đó là niềm hy vọng"

Thi Anh |

Đây là chia sẻ của tác giả nổi tiếng J. D. Vance khi ông nói về Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ.

Tháng 1/2017, J. D. Vance, tác giả cuốn Hillbilly Elegy (đứng đầu danh sách sách bán chạy 2016 của NYTimes) đã có bài viết chia sẻ cảm nhận của riêng ông về Tổng thống Mỹ Barack Obama khi ông Obama chỉ còn tại nhiệm ít ngày. Dưới đây là phần lược dịch bài viết này.

Tôi bắt đầu hứng thú với chính trị khi còn học trung học. Đó là cuối những năm 1990, khi bê bối tình dục và màn luận tội Tổng thống [Bill Clinton] đầy rẫy trên mặt báo. Hồi đó người ta chia làm hai phe: Một phe cho rằng đời tư của Tổng thống không phải chuyện của dư luận, phe còn lại thì cảm thấy Tổng thống phản bội lời thề và đáng phải chịu hậu quả.

Tôi chưa đủ sâu sắc để có chủ kiến về chuyện đó, dù tôi đã theo dõi các phiên luận tội như thể một khán giả hào hứng theo dõi một sự kiện thể thao. Kỳ thực, tôi vẫn ái mộ Tổng thống Clinton, theo cái cách kiểu như, một người như anh mà cũng làm được cơ đấy.

Clinton là một cậu bé tội nghiệp, có chút gốc gác miền Nam, lớn lên dưới tình yêu thương của ông bà ngoại và được nuôi dạy bởi một bà mẹ đơn thân. Đúng như bà tôi từng nói với tôi, hầu hết các Tổng thống đều là người giàu có, nhưng Bill Clinton thì là một trong số chúng ta.

Chính sự liên quan ấy đã khiến nhược điểm của Clinton trở nên đáng sợ. Số liệu cho thấy những gia đình thuộc tầng lớp lao động như gia đình tôi phải đối mặt với tỷ lệ bất hoà, bất ổn trong gia đình cao hơn nhiều. Cái bóng ma ấy lởn vởn ám ảnh gia đình tôi suốt nhiều thế hệ, và khi đã nhận thức được mạnh mẽ về tương lai, tôi biết rằng mình muốn thoát khỏi nó.

Tôi không mấy quan tâm tới trình độ giáo dục cao cấp, những thành công về kinh tế hay thậm chí cả con đường tới Nhà Trắng của ông. Điều tôi quan tâm là chuyện ông đã nỗ lực xây dựng một gia đình êm thấm - thứ ông không có được thuở ấu thơ. Nhưng chỉ với một bê bối tình dục, Clinton đã khiến mọi thứ vụn vỡ.

Nếu một người đàn ông với chừng ấy quyền năng gây ra chuyện đó, thì còn hy vọng nào dành cho tôi?

Tôi thường băn khoăn, liệu có bao nhiêu đứa trẻ đang nhìn Tổng thống hiện tại của nước Mỹ như cái cách tôi từng nhìn Tổng thống Clinton.

Barack Obama đắc cử khi tôi học năm thứ hai đại học và ngoại trừ màu da, ông ấy có nhiều điểm tương đồng với Bill Clinton. Mặc dù lớn lên trong vòng tay ông bà và người mẹ đơn thân, trải qua một quãng thời gian không mấy ổn định, nhưng ông ấy đã gây dựng được một cuộc sống gia đình mà theo cảm quan của tôi thì là hình mẫu lý tưởng của người Mỹ.

Tôi đã nghĩ kiểu gì cũng có bí mật động trời nào đó được che giấu. Chắc hẳn ông mắc chứng nghiện tình dục, hay chí ít thì cũng rượu chè.

Tôi đã đoán rằng, trước khi Obama hết nhiệm kỳ, sẽ có một bê bối nào đó được phanh phui và cuộc sống gia đình của ông chỉ là giả tạo. Tôi không đồng tình với lập trường của Obama ở nhiều điểm, nên có lẽ một phần nào đó trong tôi cứ muốn bê bối xảy ra.

Nhưng không có bê bối nào cả.

Obama và vợ ông đối xử với nhau bằng tình yêu và sự tôn trọng. Ông cũng yêu mến và quan tâm tới con cái của mình. Dù thời thơ ấu từng tổn thương tới mức nào, ông cũng không để những vết sẹo ấy điều khiển mình.

Obama đã tạo ra một thứ không ai làm được: Đó là niềm hy vọng - Ảnh 1.

Tổng thống Barack Obama và đệ nhất phu nhân Michelle Obama.

Tổng thống Obama đã tạo ra một thứ mà không nhân vật nào khác có thể. Đó là niềm hy vọng.

Tôi tha thiết muốn có những gì ông có - một cuộc hôn nhân hạnh phúc và những đứa con xinh xắn, khỏe mạnh. Nhưng tôi từng nghĩ những thứ ấy không thuộc về những người như mình, mà chỉ dành cho những người xuất thân từ những gia đình hạt nhân giàu có và trọn vẹn.

Với chúng ta, quá khứ là số mệnh. Nhưng đây - Tổng thống Mỹ, một người mà quá khứ tương tự như tôi lại có một tương lai với những thứ mà tôi hằng mong muốn. Cuộc đời của ông hoàn toàn trái ngược với nỗi sợ hãi lớn nhất trong tôi.

Obama đã tạo ra một thứ không ai làm được: Đó là niềm hy vọng - Ảnh 2.

Tổng thống Obama và gia đình. Ảnh: Wapo

Cuối cùng, tôi đã đạt được một vài điều có thể xem là tương tự như thành tựu cá nhân thời buổi đầu của Tổng thống: Một tấm bằng luật danh giá, một sự nghiệp vững vàng và chút ít danh tiếng trong giới viết lách.

Có rất nhiều anh hùng trong cuộc đời tôi: các cô, các bác tôi, một người chị gái lúc nào cũng bảo bọc tôi và người cha đã lại bước vào cuộc đời tôi đúng lúc. Nhưng tôi cũng được lợi từ tấm gương của một người, mà cuộc đời của ông cho ta thấy, ta không thể gục ngã từ những khó khăn của tuổi trẻ.

Một trong những thất bại lớn của lịch sử chính trị đương đại là đảng Cộng hòa không thể tách bạch bất đồng chính trị với thực tế rằng bản thân Tổng thống là một con người đáng ngưỡng mộ.

Một phần sự phản đối xuất phát từ tính phân cực trong chính trị, một phần là do cách lãnh đạo của ông Obama - lý trí hơn là cảm tính - và một phần nhỏ là do màu da của ông.

Ngày 20/1 tới, một phần trong con người tôi sẽ thở một hơi dài nhẹ nhõm khi ông Obama ra đi. Tôi sẽ chờ mong vào những chính sách tốt đẹp hơn từ chính quyền mới, một gói cải cách y tế gần với mong muốn của mình hơn và một đường lối đối ngoại mới.

Nhưng đứa trẻ lúc nào cũng mong mỏi một giấc mơ Mỹ với một gia đình hạnh phúc sẽ cảm thấy rất khác. Vì ở giai đoạn bước ngoặt trong cuộc đời tôi, Barack Obama đã cho tôi niềm hi vọng, rằng một cậu bé như tôi vẫn có thể đạt được những điều quan trọng nhất mà mình hằng mơ ước.

Bởi vì điều đó, tôi sẽ nhớ ông rất nhiều, cũng như hình mẫu mà ông đã tạo dựng.

Obama đã tạo ra một thứ không ai làm được: Đó là niềm hy vọng - Ảnh 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại