Theo kế hoạch, vòng đàm phán Geneva nhằm đi tìm giải pháp hòa bình tại Syria sẽ bắt đầu vào ngày 13/4. Đặc phái viên Liên Hợp Quốc Staffan de Mistura đã kêu gọi các bên liên quan hãy tích cực tham gia bàn về những vấn đề nan giải, cụ thể là việc chuyển giao chính quyền.
Trước đó, một vòng đàm phán hòa bình khác đã kết thúc vào ngày 24/3 vừa qua, và đề xuất của các đại diện đều đã được gửi cho ông Mistura, qua đó xác định những điều kiện chung mà các bên đều mong muốn.
Vòng đàm phán này diễn ra vài tuần sau khi lệnh ngừng bắn tại Syria được áp dụng vào ngày 27/2.
Tuy nhiên, bà Bassma Kodmani, thủ lĩnh của một lực lượng đối lập và là thành viên của Ủy ban Đàm phán Cấp cao Syria đã bày tỏ những lo ngại của mình đối với các vòng đàm phán sắp tới.
Bà Kodmani cho biết, phe đối lập từ lâu mong muốn Syria bước vào thời kỳ chuyển giao, qua đó chấm dứt thời gian nhậm chức của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Đổi lại, Damascus muốn thành lập một chính phủ mới với phần lớn là các quan chức cũ và chỉ có sự tham gia của một số thành viên phe đối lập và các chính trị gia độc lập. Cho đến nay vẫn chưa có cách nào để giải quyết mâu thuẫn này.
Việc bàn về số phận của ông Assad cũng đã khiến những tranh luận về việc lập nên một hiến pháp mới nhằm xác định rõ ràng quyền hạn của một Tổng thống Syria nổ ra. Tuy nhiên, bà Kodmani cho biết hiến pháp này sẽ không thể được thông qua bởi chính phủ hiện tại.
Bà Kodmani tin rằng một giải pháp chính trị từ phía Mỹ có thể sẽ giải quyết những vấn đề còn khúc mắc, thế nhưng bà nói: “Mỹ không gây thêm sức ép để thay đổi tình hình.
Ông Barack Obama trước đây đã không thực hiện những bước đi quyết định, và giờ đây khi nước Mỹ đang chú ý đến cuộc tranh cử Tổng thống, ông ấy gần như không làm gì.
Điều này có nghĩa là ông ném cơ hội của mình sang cho Nga. Ông ấy thiếu sự quyết liệt cần thiết và đáng lẽ Mỹ có thể đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc đàm phán hòa bình”.
Theo bà, việc Nga rút quân khỏi Syria là tín hiệu cho thấy Moscow đang giới hạn sự hỗ trợ của mình đối với ông Assad và đang muốn tích cực tham gia vòng đàm phán Syria.
Và sau khi Moscow giúp quân đội Syria giải phóng Palmyra, uy tín của Nga trên bàn đàm phán đã được củng cố. “Giải phóng Palmyra không phải là chiến thắng quan trọng về chiến lược, nhưng với Damascus và Moscow nó mang đến hiệu ứng tâm lý rất lớn”, bà Kodmani kết luận.
Vào ngày 27/3 vừa qua, Quân đội Syria cùng với các lực lượng đồng minh và Không quân Nga đã giành lại thành phố cổ Palmyra từ tay Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Tổ chức khủng bố đã chiếm thành phố này kể từ tháng 5/2015.