Theo báo Tuổi trẻ, năm 2000, bà Võ Thị Bê sinh Hải ở con đò trên đầm Chuồn (huyện Phú Vang). Hai vợ chồng không biết chữ nên họ đã nhờ người hàng xóm đi làm giấy khai sinh cho con.
Oái oăm thay người hàng xóm này cũng... mù chữ nên khai sinh giới tính thành nam và bé gái mang tên Trần Văn Hải.
Trần Văn Hải không thể làm hồ sơ vào học lớp 6 vì mang tên con trai trong giấy tờ.
"Thầy cô bảo rằng em là nữ, nhưng trong giấy khai sinh lại ghi là "nam" nên giấy tờ không hợp lệ, không nộp vào trường được", Hải kể trên báo Tuổi trẻ.
Bà Võ Thị Bê (SN 1963, mẹ của em Trần Văn Hải) chia sẻ trên báo Infonet, gia đình đã mang giấy khai sinh, sổ hộ khẩu... đến UBND xã Phú An xin điều chỉnh giới tính cho con gái từ Trần Văn Hải sang Trần Thị Hải, nhưng nhiều năm chưa được.
Mấy năm trước, cha của Hải cũng lên xã xin được sửa đổi giới tính cho con, nhưng nghe cán bộ nói phải xét nghiệm hết khoảng 5 - 6 triệu đồng mà nhà nghèo không có tiền nên không làm được.
Theo báo Thanh niên, do mang giới tính là nam trong giấy khai sinh nên nhiều năm Hải phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, đi đâu người ta cũng nói là giấy khai sinh giả, em không được hưởng bất cứ chế độ phúc lợi nào. Hải xin đi làm hay đi học đều không được.
Trần Văn Hải bảo, cuộc sống của em chỉ có giăng lưới phụ hồ, em mong được đòi lại danh phận con gái để "tự tin ra xã hội".
Sổ hộ khẩu và giấy khai sinh khai nhầm giới tính. Ảnh: Infonet
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Đoàn Luật sư TP.HCM nhận định trên báo Tuổi trẻ, việc UBND xã Phú An từ chối và "không có bất cứ hành động nào thể hiện sự quan tâm đến khó khăn của cháu Hải trong suốt nhiều năm khiến cháu phải nghỉ học là có thiếu sót".
Theo luật, Hải có thể đi cải chính hộ tịch phù hợp theo Khoản 2, Điều 7, Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15-11-2015.
Nguồn trên cũng dẫn lời ông Nguyễn Công Khanh (Cục trưởng Cục hộ tịch, quốc tịch và chứng thực - Bộ Tư pháp) cho hay, sáng 22/9, ông đã liên hệ với Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế để yêu cầu Sở này giao các đơn vị sớm cải chính cho em Hải.
Trong diễn biến mới nhất của sự việc, ông Lê Văn Minh (Phó trưởng phòng Tư pháp huyện Phú Vang) thông tin với báo Infonet, trường hợp của Hải chỉ là cải chính thủ tục và đơn giản. Cơ quan này sẽ về tận nơi xác minh và giải quyết sớm cho thiếu nữ Trần Văn Hải.
Trên báo Dân trí, một câu hỏi được đặt ra là liệu những cán bộ tư pháp xã Phú An có bị "truy" về những sai sót khi viết sai giới tính từ nữ sang nam với trường hợp của em Trần Văn Hải hay không.
Ông La Phúc Thành (Chủ tịch UBND huyện Phú Vang) trả lời báo Dân trí, nhà chức trách sẽ không truy cứu trách nhiệm của cán bộ tư pháp xã từ năm 2000, bởi nguyên nhân thuộc về phía gia đình.
Cụ thể, bố mẹ em Hải không biết chữ, nhờ người đi khai sinh giùm cũng không biết chữ nên nhờ tiếp người khác, từ đó đã dẫn tới việc khai nhầm với cán bộ tư pháp và giới tính và tên.
Ông Thành bày tỏ trên báo Nông nghiệp Việt Nam, trách nhiệm sửa đổi giấy khai sinh với người 14 tuổi trở lên thuộc cơ quan cấp huyện "do đó sẽ không truy cứu trách nhiệm cán bộ tư pháp xã Phú An".
Bà Võ Thị Bê. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam
"Từ những trường hợp như em Hải, cán bộ tư pháp cần hướng dẫn người dân cụ thể để điều chỉnh, tránh trường hợp đáng tiếc", ông Hải nói như vậy trên báo Zing.vn.
Báo Thanh niên thông tin, em Hải và cha đã đến Trung tâm hành chính công H.Phú Vang (Thừa Thiên- Huế) để làm hồ sơ đòi lại danh phận con gái cho Hải.
Chủ tịch UBND huyện Phú Vang khẳng định với báo Dân trí, chậm nhất là ngày 26/9 em Trần Văn Hải sẽ có giấy khai sinh mới.
(Tổng hợp)