Ở Úc, họ xử lý những vụ kiểu "Hải Phòng - pháo sáng - Hà Nội" ra sao?

Việt Hùng |

Dù được đánh giá chuyên nghiệp hơn V.League của Việt Nam, thế nhưng không phải những lùm xùm liên quan đến pháo sáng chưa từng xảy ra với giải A.League của Australia.

Năm 2016, bóng đá Australia xảy ra một vụ việc hiếm thấy khi pháo sáng đã xuất hiện trên khán đài. Trong trận đấu giữa Western Sydney Wanderers và Melbourne Victory, 25 quả pháo sáng đã bùng cháy khiến trận đấu bị gián đoạn.

Khi ấy, các thông tin truyền thông liên quan đến A.League gần như náo loạn. Đối với một giải đấu phảng phất "hương vị Châu Âu" như A.League, pháo sáng trên khán đài là một hiện tượng nhức nhối và đều khởi điểm từ những mầm mống bạo loạn. Tất cả những người có trách nhiệm hoặc quan tâm đến bóng đá đều ngồi lại ngay lập tức để nói về những quả pháo sáng ấy.

Ở Úc, họ xử lý những vụ kiểu Hải Phòng - pháo sáng - Hà Nội ra sao? - Ảnh 1.

Ảnh: Getty.

Đầu tiên, Western Sydney Wanderers và Melbourne Victory cùng bị trừ điểm (cho hưởng án treo, tái phạm sẽ trừ 3 điểm) và phạt 50.000 USD.

Không rõ CĐV đội nào đã đốt nhưng BTC giải A.League đánh một đòn vỗ mặt cả 2 CLB này. Nếu đội nào để CĐV sử dụng pháo sáng, đương nhiên nhận hình phạt. Đội còn lại liên lụy cũng nhìn vào đó để nhắc nhở người hâm mộ của mình tránh tái phạm.

Đích thân HLV Tony Popovic của Western Sydney Wanderers cũng nhắc các CĐV rằng, đốt pháo sáng là phạm luật và không văn minh, ảnh hưởng tới đội bóng.

Khi đó, FFA (Liên đoàn bóng đá Australia) đối diện với một nguy cơ rất lớn khi trừ điểm 2 đội này. Giải đấu sẽ bị ảnh hưởng lớn nếu án treo trừ 3 điểm kia trở thành hiện thực. BTC, CĐV và mỗi đội bóng đứng ở 3 phe khác nhau. 

Một bên muốn giải quyết theo luật, bên kia có thể dọa không đến sân xem và bên cuối cùng không đời nào chịu bị trừ điểm. Cách duy nhất còn lại là đối thoại và các bên phải chịu ngồi vào với nhau.

Ở Úc, họ xử lý những vụ kiểu Hải Phòng - pháo sáng - Hà Nội ra sao? - Ảnh 2.

Ảnh: Getty.

Tất cả cùng nhìn ra vấn đề rằng, mối lo ngại giờ đây không nằm ở chuyện liệu pháo sáng còn xuất hiện trên sân nào nữa mà là việc còn bao nhiêu kẻ vô ý thức ngoài kia sẵn sàng bất chấp để đốt vô tội vạ trên khán đài.

Giải quyết mâu thuẫn giữa 2 đội bóng và giải quyết các khâu an ninh về pháo sáng. Đó là 2 phương án được đưa ra. Phải có cam kết giữa đôi bên, cả phía CLB lẫn CĐV, tình trạng này mới có thể chấm dứt.

Cách thức là vậy nhưng thực hiện được hay không lại là chuyện khác. FFA cố gắng đứng ra dàn xếp nhưng lần nào cũng hỏng và phải mất tới vài tháng nỗ lực không ngừng, mọi chuyện mới dần ổn thỏa.

Ở Úc, họ xử lý những vụ kiểu Hải Phòng - pháo sáng - Hà Nội ra sao? - Ảnh 3.

Ảnh: Getty.

Cách thức, các bước ngăn chặn việc đốt pháo sáng trên sân được vạch ra. Giờ chỉ cần các bên chịu nghe thuyết phục và ngồi lại với nhau. Vấn đề được đem ra bàn luận là gì? Đó là văn hóa cổ động mà người Australia mong muốn thấy tại A.League.

Nếu tất cả cùng gật đầu không đốt pháo nữa, mọi chuyện đơn giản. Nếu vẫn cương quyết đốt và cho đó là văn hóa của từng vùng miền, các khu biệt lập trên khán đài sẽ được thành lập. Ở những khu đó, ai thích đốt cứ việc đốt, mọi chuyện sẽ được lực lượng an ninh giám sát trong suốt trận đấu.

FFA cũng cứng rắn trong cuộc đàm phán này. Họ muốn cho người hâm mộ thấy rằng, đi cổ động theo kiểu văn minh là lành mạnh và vui nhất. Nếu vẫn muốn làm trái, hình ảnh những chiến sĩ cảnh sát cơ động với dùi cui trên tay, sẵn sàng đàn áp có thể diễn ra bất cứ lúc nào.

Hay những người hâm mộ ở một nước văn minh hàng đầu như Australia thích cảnh bị nhốt sau hàng rào như ở Nam Mỹ và một vài nước Châu Âu? Cảnh đó chẳng khác nào người hâm mộ đến sân xem đá bóng trong một cái lồng khổng lồ.

Ở Úc, họ xử lý những vụ kiểu Hải Phòng - pháo sáng - Hà Nội ra sao? - Ảnh 4.

Ảnh: ABC Au.

Pháo sáng không phải vấn đề, đó chỉ là triệu chứng nhất thời của một nhóm người. Nếu tất cả cùng chung tay và hành động, mọi thứ sẽ dần được giải quyết. Bằng phương pháp mạnh tay hay xoa dịu, khi ý thức được nâng cao và tất cả vì hình ảnh của giải đấu, mọi thứ khó đến mấy cũng xử lý được.

Ở bên Australia, chuyện đốt pháo sáng được giải quyết như vậy, ở Việt Nam thì sao? Liệu các CĐV Hà Nội và Hải Phòng có chịu ngồi vào "bàn đàm phán" một cách hòa bình?

Nhìn cách CĐV đất Cảng căng băngrôn khiêu khích mỗi lần chạm trán Hà Nội, có lẽ sự hòa hợp giữa 2 nhóm này còn lâu mới thành hiện thực.

Hải Phòng "không muốn lòng vòng" còn Hà Nội vẫn "không vội" chút nào. Cứ như thế đến bao giờ mới cùng ngồi lại với nhau?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại