Ô tô Việt mơ xuất khẩu

Phương Nhung |

Đặc thù ngành ô tô trong nước cho thấy nhiều khi chính các doanh nghiệp sản xuất lại nhập khẩu ô tô nhiều nhất.

Trong bối cảnh thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc xuất xứ Đông Nam Á về 0% vào năm 2018, Tập đoàn Thành Công vừa ký thỏa thuận hợp tác cùng Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) liên doanh, mở rộng sản xuất xe du lịch với tham vọng hướng đến xuất khẩu ra thị trường Đông Nam Á và một vài thị trường nữa.

Công ty CP Ô tô Trường Hải (THACO) cũng bắt tay với Tập đoàn Mazda (Nhật Bản) khởi công Nhà máy Sản xuất ô tô THACO Mazda 3 cùng niềm tin có thể “xuất ngược” sang nước khác.

Hướng đến thị trường Đông Nam Á

Đại diện một doanh nghiệp (DN) sản xuất ô tô trong nước phân tích quy luật phát triển ngành công nghiệp ô tô ở các nước trên thế giới từ trước đến nay đều theo con đường bảo vệ thị trường hợp lý để được chuyển giao công nghệ, lắp ráp, phát triển công nghiệp phụ trợ, sản xuất linh kiện phụ tùng, gia tăng tỉ lệ nội địa hóa.

Chính vì vậy, DN này nhận định có cơ sở để tự tin với việc đầu tư vào sản xuất.

“Đến nay, chúng tôi đã từng bước làm chủ thiết kế, công nghệ và đạt tỉ lệ nội địa hóa hơn 50% đối với xe buýt, 30%-35% với xe tải và 18% với một số mẫu xe con có sản lượng cao” - đại diện DN này cho hay.

Với thị trường phát triển ổn định và gia tăng trong thời gian tới, nhất là sau năm 2018, DN này tin tưởng chắc chắn có thể phấn đấu tỉ lệ nội địa hóa đối với xe con là 40%, đồng thời có thể tiến tới xuất khẩu ngược lại sang các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Đại diện một DN sản xuất ô tô khác cũng cho rằng để đạt mục tiêu tỉ lệ nội địa hóa trên 40% - một điều kiện để được hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu ra các nước khu vực Đông Nam Á - DN trong nước phải bắt tay, liên kết với rất nhiều DN trong và ngoài nước.

Tuy vậy, đây là bước đi phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô mà Chính phủ đã ban hành.

Bản thân cơ quan phụ trách ngành là Bộ Công Thương cũng nhìn nhận không thể đánh giá dung lượng thị trường trong nước nhỏ bé để “áp đặt” cho tương lai ngành ô tô; tức là DN cũng phải nghĩ đến thị trường ngoài Việt Nam, như các nước Đông Nam Á và một số khu vực khác, nhất là trong bối cảnh Đông Nam Á không sớm thì muộn sẽ là một không gian sản xuất, kinh doanh chung.

“Nếu định hướng được xuất khẩu, các hãng tại Việt Nam nên tập trung 1-2 mẫu cho toàn khu vực. Nói cách khác, người tiêu dùng các nước muốn mua mẫu xe đó thì chỉ mua được ở Việt Nam.

Ngược lại, người Việt muốn mua mẫu xe nào đó khác mẫu xe trong nước có thì phải mua từ nước được lựa chọn sản xuất. Như vậy mới tăng được thị phần sản xuất cho Việt Nam bởi một mẫu xe mà cùng sản xuất ở nhiều nơi thì khả năng cạnh tranh ở Việt Nam khó hơn nhiều” - đại diện Bộ Công Thương phân tích.

Nhiều cản ngại

Giới DN sản xuất ô tô trong nước cho rằng chính sách thuế chính là một trong những nút thắt quan trọng nhất để “đỡ đầu” ngành ô tô trong điều kiện ngành này còn non trẻ.

“Nếu có chính sách nhất quán, đúng đắn, trong đó có bảo đảm công bằng về thuế và các quy định trong quản lý giữa xe nhập khẩu và lắp ráp trong nước, thì chúng tôi chắc chắn sẽ nỗ lực phát triển, sản xuất được” - lãnh đạo một DN sản xuất ô tô khẳng định.

Vị này cũng tin tưởng khi thuế suất xe nguyên chiếc về 0% thì Chính phủ cũng sẽ có điều chỉnh thuế suất nhập khẩu của linh kiện cho sản xuất, lắp ráp trong nước có tỉ lệ giảm tương ứng nhằm khuyến khích và duy trì sản xuất, lắp ráp trong nước.

Mới đây, một văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu khả năng áp dụng biện pháp tự vệ thương mại khi ô tô nguyên chiếc nhập khẩu gia tăng đột biến và ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất trong nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh một đất nước như Việt Nam mà nhập khẩu ô tô là “sai lầm” và chủ trương đã được đánh giá, thống nhất cao là bảo vệ sản xuất trong nước theo thông lệ quốc tế.

Thủ tướng gợi ý lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế để tạo điều kiện cho nền công nghiệp ô tô trong nước phát triển nhằm phục vụ thị trường nội địa và hướng tới xuất khẩu.

Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp bảo vệ ngành sản xuất trong nước theo thông lệ quốc tế không hề dễ dàng.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - cho rằng để yêu cầu biện pháp tự vệ, cần phải xem xét đối tượng nào đang nhập khẩu ô tô.

Bởi lẽ, đặc thù ngành ô tô cho thấy nhiều khi chính các DN sản xuất ô tô trong nước lại nhập nhiều nhất. Trong tình huống này, DN có hoạt động nhập khẩu sẽ không thể đi kiện được vì không đáp ứng điều kiện DN sản xuất thuần túy.

Theo ông Tô Thái Ninh, Phó trưởng Phòng Điều tra vụ kiện phòng vệ thương mại của DN trong nước, Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương, nhóm DN nộp đơn khởi xướng điều tra phải có lượng sản xuất chiếm ít nhất 25% tổng sản lượng của toàn ngành sản xuất trong nước.

Chưa kể, DN phải chứng minh được có sự gia tăng đột biến lượng ô tô nhập khẩu vào Việt Nam và sự gia tăng đột biến đó gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước; trong đó có các chỉ số cụ thể như: doanh thu, lợi nhuận, chi phí sản xuất, tồn kho sản phẩm…

Việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng ô tô còn phụ thuộc vào vấn đề liệu có tồn tại ngành sản xuất trong nước hay chỉ mới là nhập khẩu và lắp ráp. Điều này rất quan trọng bởi nó sẽ giúp xác định được DN có mang tính đại diện cho ngành không và đây là một trong những yêu cầu bắt buộc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại