Ô nhiễm không khí ở Trung Quốc hiện tồi tệ hơn cả lúc trước đại dịch

Bảo Nam |

Trung Quốc đã chọn đánh đổi vấn đề ô nhiễm không khí để phục hồi nền kinh tế.

Tháng trước, Trung Quốc đã chấm dứt lệnh phong tỏa kéo dài ở thành phố Vũ Hán khóa cũng như tại nhiều địa phương. Trong suốt thời gian phong tỏa, các báo cáo cho thấy chất lượng không khí tại quốc gia này đã được cải thiện đáng kể. Nhưng hóa ra, điều này chỉ có thể tồn tại trong thời gian ngắn. Và giờ đây, ô nhiễm không khí ở quốc gia này đang quay trở lại ở mức độ cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Một báo cáo đưa ra hôm 18/5 từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch, một tổ chức độc lập theo dõi ô nhiễm không khí, cho thấy ô nhiễm không khí đang gia tăng trên khắp Trung Quốc khi mở cửa trở lại sau đại dịch. Nhóm đã theo dõi nồng độ hạt vật chất, nitơ dioxide, sulfur dioxide và ozone giữa tháng Tư và tháng Năm. Các phát hiện cho thấy tất cả các chất gây ô nhiễm đã vượt quá so với mức độ của cùng kỳ năm ngoái, sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.

Ô nhiễm không khí ở Trung Quốc hiện tồi tệ hơn cả lúc trước đại dịch - Ảnh 1.

Hình trên cho thấy mật độ của nồng độ nitơ dioxide (khí độc hại do ô tô và các ngành công nghiệp gây ra) trên khắp Trung Quốc trước và sau khi việc kiểm dịch coronavirus có hiệu lực. Nhưng nay tình trạng ô nhiễm này đã trở lại trầm trọng hơn.

Kết quả báo cáo cho thấy sự ô nhiễm phần lớn đến từ các nhà máy nhiệt điện than. Than chứa đầy lưu huỳnh, vì vậy khi nhiên liệu hóa thạch cháy và được giải phóng, lưu huỳnh này tương tác với oxy trong không khí và tạo ra sulfur dioxide. Chính sự gia tăng của sulfur dioxide đã chỉ ra các nhà máy than là thủ phạm, bởi so với các hạt vật chất và nitơ dioxide cũng ở mức cao thì nồng độ sulfur dioxide đã tăng vọt.

Nghiên cứu mới cũng cho thấy rằng sự gia tăng của ô nhiễm không khí có thể là một trong những đặc điểm quan trọng của nước này, sau các cuộc khủng hoảng kinh tế, bao gồm cả dịch SARS năm 2003 và khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Cả hai lần trước, quốc gia này đều ưu tiên các dự án xây dựng gây ô nhiễm và cần đốt than để khởi động lại nền kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề là đợt đột biến ô nhiễm này xuất hiện sau khi Trung Quốc đã có những nỗ lực mạnh mẽ nhằm cải thiện chất lượng không khí, bắt đầu từ năm 2014.

Ô nhiễm không khí ở Trung Quốc hiện tồi tệ hơn cả lúc trước đại dịch - Ảnh 2.

Trung Quốc đã lựa chọn "đốt than" để làm ấm lại nền kinh tế, bất chấp hậu quả mà nó sẽ tạo ra cho môi trường.

Trước đại dịch Covid-19, Trung Quốc dường như đã thành công phần nào, khi một nghiên cứu năm ngoái ghi nhận 6 trong số các chính sách cải thiện chất lượng không khí của nước này đã giúp giảm tỷ lệ tử vong của gần 400.000 người trong năm 2017. Nhưng giờ đây, mọi cố gắng trong quá khứ dường như đã "đổ sông đổ biển".

Đặc biệt ở hiện tại, các tác động tới sức khỏe cộng đồng của tình trạng ô nhiễm này là khẩn cấp, khi cuộc khủng hoảng do coronavirus mới gây ra chưa kết thúc. Mới đây, tỉnh Cát Lâm ở nước này đã bị phong tỏa lại sau khi phát hiện 34 trường hợp nhiễm bệnh mới và một trường hợp tử vong.

Các nghiên cứu quốc tế cũng đã tìm thấy mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và tỷ lệ tử vong do Covid-19. Do đó, tại Trung Quốc, sự gia tăng ô nhiễm không khí này có thể làm tăng tính dễ bị tổn thương của những người tiếp xúc với virus.

Việc suy giảm chất lượng không khí này cũng báo hiệu rằng Trung Quốc có thể đã không áp dụng cách tiếp cận năng lượng sạch để khôi phục nền kinh tế. Và hệ quả của nó là tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ càng thêm trầm trọng. Đối với một số nhà nghiên cứu, Covid-19 cũng có thể được coi là cơ hội hiếm có để các quốc gia đưa ra các biện pháp mạnh tay hơn trong công cuộc cứu lấy Trái đất, tạo ra các thay đổi nhằm mang đến một thế giới tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, với cách làm của Trung Quốc hiện nay, dường như quốc gia này sẵn sàng làm hỏng tất cả mọi thứ, một lần nữa.

Tham khảo Gizmodo

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại