Ơ cái... "thằng trọng tài"

Facebook Nguyễn Hoài Nam |

Ném biên chửi, phạt góc cũng chửi, việt vị càng chửi, bên này có bàn thắng thì bên kia chửi, bên kia gỡ hòa thì bên này chửi, cho trọng tài sấp mặt luôn... Đến khổ ông trọng tài...

Sau bê bối của CLB Long An, trọng tài vẫn là tâm điểm bàn luận của những người quan tâm tới bóng đá Việt Nam. Những ý kiến chỉ trích gay gắt không ngừng hướng về Vua áo đen, mới đây nhất là bầu Đức cho rằng nên cách chức ông Trưởng ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi, cũng như "dẹp hết trọng tài đi".

Chúng tôi xin được trích đăng ý kiến của một nhà quản lý bóng đá chuyên nghiệp, hiện đang điều hành một trung tâm bóng đá cộng đồng lớn nhất Việt Nam nói về việc trọng tài tại Việt Nam có đáng chịu nhiều chỉ trích đến vậy hay không.

"Chửi cái "thằng trọng tài"

Có một câu chửi tiếng Việt dành cho trọng tài mà anh bạn thân của tôi, Mauricio Luis Giganti nhớ mãi, nói sõi luôn. Nhiều năm gắn bó với bóng đá Việt Nam trong cả vai trò cầu thủ, huấn luyện viên và cả môi giới cầu thủ nên anh dành khá nhiều tình cảm cho mảnh đất này.

Giờ anh đang huấn luyện một đội hạng nhất tại Chile. Mỗi lần tán gẫu trên mạng, Mauricio lại hỏi bóng đá nước mày thế nào, mọi người còn chửi nhiều không, và những câu chuyện đó kéo dài vô tận….

Buli (tên thân mật của Mauricio) bảo người Việt Nam chúng mày hài hước, vào sân là chửi trọng tài, từ cổ động viên đến cầu thủ, đến các quan chức.

Ném biên cũng chửi, phạt góc cũng chửi, việt vị càng chửi, bên này có bàn thắng thì bên kia chửi, xong bên kia gỡ hòa thì bên này chửi, chửi cho trọng tài sấp mặt luôn, cứ như là đội nào, cầu thủ nào cũng hay, chỉ mỗi anh trọng tài là dở thôi.

Hết trận đấu, các HLV cũng không nói gì nhiều về chuyên môn trong họp báo, nên dù biết ít tiếng Việt nhưng anh chàng Argentina này vẫn có thể hiểu hết các HLV đang phàn nàn về trọng tài. Chỉ trọng tài thôi. Không ai kém cả.

Ơ cái... thằng trọng tài - Ảnh 1.

Ở Việt Nam, trọng tài gần như lúc nào cũng sai? (Ảnh: Duy Anh).

Khi được hỏi về nghề, Đào Văn Cường, cựu trọng tài Quốc gia rít một hơi thuốc sâu rồi thủng thẳng trả lời "làm trọng tài dễ lắm em ạ, dễ như ăn *** ấy!".

Câu nói nhẹ nhàng, có phần ngoa ngoắt nhưng biểu hiện gần như toàn bộ cảm xúc của một cán bộ Điện lực Hải Phòng vì đam mê bóng đá đã dấn thân vào cái nghiệp được gọi là Vua nhưng bị cư xử không khác gì những kẻ tội đồ mỗi khi sân bóng "có chuyện".

Lúc thắng, đó là nỗ lực cá nhân, sự tỏa sáng của những ngôi sao, sức mạnh tập thể tuân thủ đấu pháp hợp lý của Ban huấn luyện, hay là sự mạnh tay của ông bầu. Nhưng khi thua, họ dồn hết lên đầu "thằng trọng tài".

Bóng đá là môn dễ chơi, nhưng để chơi giỏi đến đẳng cấp Quốc gia thì lại là chuyện khác. Mỗi cầu thủ đứng trên sân đều là những dị nhân nhất của cả tỉnh, cả vùng.

Hãy xem, cả Hà Tây (cũ) rộng lớn mới có Thành Lương & Văn Quyết thành danh, tên sáng ở Khánh Hòa cũng chỉ mỗi Quang Hải, Bình Dương bao năm đổ tiền vào làm bóng đá mới chỉ có một mình Anh Đức…

Ơ cái... thằng trọng tài - Ảnh 2.

Quá dễ để phản ứng trọng tài và quá khó để trọng tài lúc nào cũng đúng (Ảnh: MH).

Những cầu thủ chuyên nghiệp đó, họ mang trong mình một sự tinh quái vô cùng. Và khi điều hành những trận đấu có họ, các trọng tài ngoài phải hoạt động nhiều như những cái máy chạy đó, thì còn phải giữ được sự tính táo & quái hơn họ.

Ai có thói quen nào, đòn gì, giở ra lúc nào, họ buộc phải thuộc nằm lòng. Nếu không, ngay lập tức sẽ trở thành những chú hề đáng thương.

Những quyết định gây tranh cãi của trọng tài luôn được xã hội mổ xẻ với cả tấn công nghệ, các thước phim quay chậm với nhiều góc độ.

Người ta ngồi sofa, chiêu ngụm trà ngon xem đi xem lại, rồi người bảo thổi là đúng, người bảo thổi là sai, người lại bảo thổi cũng được không thổi cũng được trong khi trọng tài thì phải chạy đến 2 giờ đồng hồ gần như liên tục và phải ra quyết định ngay trong một tíc tắc.

Một đội bóng có ban huấn luyện hay chửi & đổ lỗi cho trọng tài khó có khả năng là đội bóng mạnh, bởi thay vì tập trung đá bóng, họ cứ giữ những cấn cá trong cái đầu nóng chỉ chờ dịp bùng lên. Khi thất bại, họ cũng không nhìn ra nguyên nhân để khắc phục vì trót đổ tại cho một ai đó rồi.

Thượng bất chính, hạ tắc loạn, đó cũng là lý do vì sao bóng đá Việt Nam không phát triển mà còn thường xuyên có những cầu thủ phải rời bỏ sự nghiệp một cách lãng nhách. Kêu thì cũng đã muộn rồi.

Yêu bóng đá thế nào?

Hãy nhìn bóng đá nước ngoài, các HLV như những nhạc trưởng đầy cảm hứng trước dàn nhạc là những nghệ sỹ sân cỏ. Họ lịch lãm, tôn trọng luật chơi, dành những điều tốt nhất cho khán giả, thay vì chửi. Đó là cách họ được khán giả yêu mến.

Hãy nhìn những nhóm khán giả Thái Lan và các nước bạn khi sang Việt Nam, một nhóm người nhỏ thôi cũng đủ làm sân vận động náo nhiệt bởi những tiếng vỗ tay, những bài hát tập thể, thay vì chửi. Đó là cách họ yêu bóng đá.

Ơ cái... thằng trọng tài - Ảnh 3.

NHM Thái Lan vẫn thường khiến CĐV Việt Nam phải nép vế về cách cổ vũ bóng đá chuyên nghiệp và sôi nổi (Ảnh: Zing.vn).

Xã hội còn quá nhiều việc phải làm. Bóng đá cũng thế. Trọng tài cũng vậy, cũng có nhiều kẻ xấu vì lợi riêng mà đang tâm phá đam mê của người hâm mộ, nhưng cũng có những người tốt, thật sự cần thiết cho một nền bóng đá vùng trũng.

Nếu có cách nào tốt hơn, xin hãy cùng chung tay vào làm, thay vì chửi. Đơn giản, chửi không giải quyết được việc gì.

Nghĩ xem, bạn đang làm một việc tốt, có một đám đông xúm vào chửi bạn vô cớ, liên tục, liệu bạn còn có tâm, có bản lĩnh để tiếp tục việc của mình không?".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại